In bài viết

Giá trị pháp lý của văn bản được công chứng, chứng thực

(Chinhphu.vn) - Bà Doãn Ngọc Thảo (Hà Nội) hỏi: Khi làm thủ tục đăng ký biến động quyền sử dụng đất, sở hữu nhà, sang tên Giấy chứng nhận do được hưởng thừa kế, thì văn bản khai nhận di sản thừa kế do UBND phường chứng thực có giá trị như văn bản khai nhận di sản thừa kế được công chứng không?

13/11/2019 11:02

Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng

Theo quy định của Luật Công chứng năm 2014 (tình trạng còn hiệu lực), việc công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản và công chứng văn bản khai nhận thừa kế được thực hiện như sau:

Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản. Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác (Điều 57 Luật Công chứng).

Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản (Điều 58 Luật Công chứng).

Chứng thực văn bản tại UBND cấp xã

Theo quy định tại Điểm h, Khoản 2, Điều 5 Nghị định số  23/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch (tình trạng còn hiệu lực), thì UBND xã, phường, thị trấn (gọi chung là UBND cấp xã) có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản mà di sản là tài sản quy định tại các Điểm c, d và đ Khoản này (gồm tài sản là động sản, tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản là nhà ở).

Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của UBND cấp xã.

Thành phần hồ sơ yêu cầu công chứng, chứng thực: Trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng, chứng thực phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.

Trường hợp thừa kế theo pháp luật, thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng, chứng thực phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế. Trường hợp thừa kế theo di chúc, trong hồ sơ yêu cầu công chứng, chứng thực phải có bản sao di chúc.

Công chứng viên, người có thẩm quyền chứng thực phải kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng, chứng thực đúng là người được hưởng di sản; nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng, chứng thực.

Tổ chức hành nghề công chứng hoặc UBND, công chứng viên, người có thẩm quyền chứng thực có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng, chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản trước khi thực hiện việc công chứng, chứng thực.

Văn bản thỏa thuận phân chia di sản, hoặc văn bản khai nhận di sản đã được công chứng, chứng thực là một trong các căn cứ để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản.

Như vậy, văn bản thỏa thuận phân chia di sản, hoặc văn bản khai nhận di sản được công chứng tại tổ chức công chứng, hoặc được chứng thực tại UBND cấp xã đều có giá trị pháp lý ngang nhau.

Trên thực tế, ở khu vực đô thị, liền kề đô thị, do số lượng công dân thực hiện các giao dịch thực hiện các thủ tục hành chính, tư pháp nhiều; trong khi công chức tư pháp, công chức văn phòng thống kê, người có thẩm quyền chứng thực của UBND cấp xã, nhất là UBND phường, thị trấn phải thực hiện nhiều công việc hành chính khác, nên phần lớn văn bản thỏa thuận phân chia di sản, hoặc văn bản khai nhận di sản thường được công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng. Ở khu vực xa đô thị, vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, giao thông, đi lại khó khăn thì văn bản thỏa thuận phân chia di sản, hoặc văn bản khai nhận di sản thường được chứng thực tại UBND xã.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.