Quang cảnh hội nghị - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Bên cạnh đó, các chỉ tiêu kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng đều vượt kế hoạch, trong đó trồng rừng tập trung đạt 235.028 ha, đạt 102,4 % kế hoạch.
Trong năm 2017, nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao nên công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tiếp tục đạt được kết quả tích cực, vượt mục tiêu đề ra, cả nước đã phát hiện 16.531 vụ vi phạm, giảm gần 5.000 vụ so với 2016 (giảm 23%) diện tích rừng thiệt hại là 1.451 ha, giảm hơn 3.000 ha so với năm 2016.
Theo nhận định của Tổng cục Lâm nghiệp, cơ bản các hành vi, vụ việc vi phạm đã giảm cả về số lượng và quy mô. Tổng số vụ vi phạm đã được xử lý trên 13.000 vụ; tịch thu 17.179 m3 gỗ các loại (giảm 45% so với năm 2016); thu nộp ngân sách 163.541.073.000 đồng (giảm 11% so với 2016).
Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng tập trung đạt khoảng 18 triệu m3, vượt 6% so với kế hoạch năm 2017, tăng 4% so với năm 2016. Thị trường sản phẩm gỗ và lâm sản phát triển, tạo điều kiện cho chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ được duy trì, phát triển, xuất khẩu gỗ và lâm sản tiếp tục tăng cao.
Tổng giá trị xuất khẩu lâm sản là 7,974 tỷ USD, vượt 5% kế hoạch và tăng 9,2% so với năm 2016. Thặng dư thương mại đạt mức kỷ lục 5,782 tỷ USD.
Cùng với đó, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, tạo được nguồn ngân sách quan trọng để hỗ trợ người dân thực hiện công tác bảo vệ rừng. Năm 2017, cả nước thu được hơn 1.675 tỷ đồng, đạt 101,5% kế hoạch năm 2017, bằng 130% so với năm 2016.
Luật Lâm nghiệp (số 16/2017/QH14 ngày 15/11/2017) đã được thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc Hội khóa XIV với điểm đối mới quan trọng nhất là việc coi lâm nghiệp là ngành kinh tế-kỹ thuật liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp, từ quản lý, bảo vệ, phát triển đến sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản.
Hội nghị cũng đã chỉ ra một số điểm tồn tại, hạn chế như, kết quả trồng rừng ven biển, trồng rừng thay thế còn thấp, chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch. Nhiều địa phương chưa tích cực chỉ đạo trồng thâm canh và chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ lớn. Chưa kiểm soát được chất lượng giống cây trồng do các tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn trồng rừng.
Cùng với đó, công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng vẫn còn những điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ. Đóng góp của ngành lâm nghiệp đối với phát triển kinh tế quốc dân chưa tương xứng với tiềm năng. Tỷ trọng giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp thấp, chỉ chiếm khoảng 3,0-3,3% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.
Năng suất, chất lượng rừng thấp cũng còn thấp, mặc dù độ che phủ rừng tuy đã tăng, nhưng chất lượng rừng và tính đa dạng sinh học của rừng tự nhiên vẫn còn suy giảm ở một số địa phương (80% diện tích rừng tự nhiên là rừng nghèo).
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2018, toàn ngành phấn đấu nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 41,6%. Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt từ 5,5-6,0%. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt từ 7,9-8,0 tỷ USD. Duy trì ổn định 25 triệu việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng, gắn với xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; ngăn chặn và xử lý kịp thời, có hiệu quả các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về BV&PTR, giảm 15-20% số vụ vi phạm và diện tích rừng bị thiệt hại so với năm 2017. Trồng 195.000 ha rừng, chuyển hóa 15.000 ha rừng trồng hiện có sang kinh doanh nguyên liệu gỗ lớn. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên và chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên. Dự kiến thu dịch vụ môi trường rừng 2.000 tỷ đồng.