In bài viết

Giải bài toán ô nhiễm không khí: Thủ đô của Ấn Độ cấm bán nhiên liệu cho xe cũ

(Chinhphu.vn) - Thủ đô New Delhi của Ấn Độ, nơi thường xuyên có tên trong danh sách một trong những thủ đô ô nhiễm nhất thế giới, chính thức cấm bán nhiên liệu cho các phương tiện cũ trong nỗ lực nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí.

02/07/2025 09:51
Giải bài toán ô nhiễm không khí: Thủ đô của Ấn Độ cấm bán nhiên liệu cho xe cũ- Ảnh 1.

Ngày 1/7, thủ đô New Delhi của Ấn Độ chính thức cấm bán nhiên liệu cho các phương tiện cũ - Ảnh: Indiatoday

Ngày 1/7, thủ đô New Delhi của Ấn Độ chính thức cấm bán nhiên liệu cho các phương tiện cũ. Lệnh cấm có hiệu lực kể từ ngày công bố và các cơ quan thực thi có quyền thu giữ ngay lập tức những phương tiện cũ như vậy.

Cảnh sát và các lực lượng hỗ trợ đã được triển khai tại các trạm xăng trên khắp thủ đô. Những địa điểm này cũng được lắp đặt loa thông báo và camera nhận diện biển số xe.

Hơn 6 triệu xe cũ

Cảnh sát sở tại dẫn số liệu thống kê cho biết ước tính có 6.114.728 xe - bao gồm xe chở hàng, ô tô cá nhân và xe hai bánh - nằm trong diện xe cũ không được tiếp nhiên liệu tại các trạm xăng và dầu diesel. Hơn 4 triệu xe trong số này được cho là phương tiện hai bánh.

Theo kế hoạch, kể từ tháng 11 năm nay, lệnh cấm sẽ được mở rộng đến các thành phố giáp thủ đô - một khu vực có hơn 32 triệu người sinh sống.

Thủ đô New Delhi thường xuyên có tên trong danh sách một trong những thủ đô ô nhiễm nhất thế giới. Mỗi mùa Đông, khí thải từ xe cộ và nhà máy kết hợp với việc người dân đốt rơm rạ ở các bang xung quanh khiến thành phố chìm trong màn khói mù ô nhiễm. Vào thời điểm khói bụi lên đến đỉnh điểm, nồng độ bụi mịn nguy hiểm PM2.5 tăng vọt lên hơn 60 lần so với mức khuyến nghị an toàn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí y khoa Lancet, ô nhiễm không khí đã gây ra 1,67 triệu ca tử vong sớm ở Ấn Độ vào năm 2019.

Năm 2018, Tòa án Tối cao Ấn Độ ra phán quyết cấm ô tô chạy bằng xăng trên 15 năm và phương tiện chạy bằng dầu diesel trên 10 năm lưu thông trên đường phố New Delhi. Tuy nhiên, hơn 6,11 triệu phương tiện như vậy vẫn chạy trên đường phố New Delhi, phớt lờ mọi quy định.

Bộ trưởng Môi trường New Delhi Manjinder Singh Sirsa cho biết sẽ áp dụng các biện pháp mạnh tay để giảm lượng khí thải từ phương tiện giao thông trong thành phố.

Xanh hóa giao thông

Chính quyền Delhi hồi tháng 3 công bố chi tiết chính sách xe điện (EV) Delhi 2.0 đầy tham vọng, đặt mục tiêu tăng tỉ lệ sử dụng EV lên 95% trong số xe đăng ký mới vào năm 2027. Delhi muốn trở thành "thủ phủ EV" của Ấn Độ bằng cách "lột xác" toàn diện hệ thống giao thông.

Theo đó, chính quyền Delhi đã đưa ra chính sách xe điện 2.0 đề xuất thay thế toàn bộ xe lam, taxi và xe thương mại hạng nhẹ chạy bằng CNG bằng EV.

Cùng với đó, hệ thống giao thông công cộng sẽ được nâng cấp với xe buýt điện. Chính quyền cũng ưu đãi mua xe điện hai bánh, ba bánh, xe thương mại điện (e-LCV) và xe tải điện.

"Chính sách mới của chúng tôi vạch ra lộ trình rõ ràng để hướng tới giao thông điện hóa, với các mục tiêu cụ thể cho từng phân khúc phương tiện. Ở một số loại xe, chúng tôi đặt mục tiêu 100% xe mới đăng ký tại Delhi sẽ là xe điện. Chúng tôi cũng đã phát triển các chiến lược chi tiết để thực hiện các mục tiêu này", tờ Hindustan Times dẫn lời một quan chức chia sẻ.

Theo chính sách mới, từ tháng 8/2026, thành phố sẽ ngừng đăng ký mới đối với xe hai bánh chạy xăng, dầu hoặc khí nén thiên nhiên (CNG). Đồng thời, đối với xe ba bánh, các xe xích lô máy chạy CNG có tuổi đời trên 10 năm sẽ bắt buộc phải được thay thế hoặc chuyển đổi sang xe điện trong thời gian thực hiện chính sách.

Chính sách mới cũng đề xuất yêu cầu tất cả xe thu gom rác của Công ty Đô thị Delhi (MCD), Ban Cấp nước Delhi (DJB) và các cơ quan dân sự khác chuyển đổi hoàn toàn sang xe điện theo lộ trình từng giai đoạn, đạt 100% vào năm 2027.

Để hỗ trợ quá trình chuyển đổi này, dự kiến hơn 13.200 trạm sạc sẽ được lắp đặt trên toàn thành phố, bảo đảm mật độ 5 km/trạm.