![]() |
Học sinh trường Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai). Ảnh: Minh Quang |
Ở thời điểm hiện tại, khi năm học mới 2020-2021 đã qua hơn một tháng, sự quá tải sĩ số khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT) vẫn là nỗi lo hiện hữu. Theo quy định mới của Bộ GD&ĐT đối với cấp tiểu học, nhất là lớp 1, sĩ số mỗi lớp không quá 35 em, nhưng ở Hà Nội, đây chỉ là mơ ước của giáo viên và phụ huynh.
Quá tải sĩ số không phải là chuyện lạ trong tuyển sinh đầu cấp tại Thủ đô nhiều năm nay. Ông Lê Hồng Chung, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, năm học 2020-2021, số lượng học sinh tăng gần 68.000 em so với năm trước. Quy mô giáo dục Hà Nội tiếp tục phát triển mạnh, toàn Thành phố có 2.748 trường mầm non và phổ thông với hơn 2 triệu học sinh. Trước đó, năm học 2019-2020, tuy số học sinh vào lớp 6 chỉ tăng 2.000, học sinh vào lớp 10 giảm 4.000 so với năm trước, nhưng tổng thể vẫn tăng trên 25.000 học sinh. Đặc biệt, số lượng học sinh vào lớp 1 vẫn tăng khoảng 30.000 so với số lượng học sinh lớp 5 vừa chuyển cấp. Như vậy đặc biệt ở bậc tiểu học, tình trạng “đầu vào” tăng hàng chục nghìn so với “đầu ra” đã kéo dài triền miên.
Ghi nhận cho thấy, một số quận tại Hà Nội có mức độ gia tăng dân số cơ học cao là Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân… do mật độ khu đô thị mới được xây dựng ngày càng nhiều. Vì thế, những ngôi trường mà trước đây từng là “trường làng”, chỉ để đáp ứng cho nhu cầu học tập của con em cư dân sở tại, nay phải oằn mình gánh số lượng học sinh tăng gấp đôi, gấp 3, thậm chí gấp 5 lần so với sức chứa. Chính vì lẽ đó, nhiều lớp bậc tiểu học ở những khu vực này có khi lên tới 60-70 học sinh/lớp không phải là chuyện hiếm.
Học sinh đông đúc, quá tải như vậy, việc dạy và học ra sao? Theo cô Nguyễn Hải Yến, giáo viên chủ nhiệm lớp 1 Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai), vào năm học mới, chỉ riêng việc cô trò làm quen nhau, giữ trật tự trong mỗi tiết học đã rất vất vả; cũng vì đông học sinh, nên trong lớp bàn ghế kê san sát gần hết lối đi. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An Lê Thị Thêu chia sẻ: Trong khi chờ những giải pháp “dài hơi” từ chính quyền, nhiều năm qua nhà trường phải bố trí lịch học luân phiên cho học sinh, mỗi lớp phải nghỉ học ít nhất 1 ngày trong tuần thì học sinh toàn trường mới có đủ chỗ học.
Tại các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy cũng xảy ra tình trạng tương tự. Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân) lên đến gần 70 học sinh/lớp, Trường Tiểu học Nghĩa Đô (Cầu Giấy) sĩ số lên đến 68 học sinh/lớp, Trường Tiểu học Dịch Vọng (Cầu Giấy) 60 học sinh/lớp.
GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình GDPT mới cũng thừa nhận, nếu sĩ số đông, cơ sở vật chất không bảo đảm sẽ khó để đổi mới giáo dục thành công, dù chương trình mới được nhiều người đánh giá là hay, tiến bộ. Vì thế, ông kiến nghị các địa phương trong quá trình rà soát cơ sở vật chất, cần bảo đảm sĩ số học sinh đúng theo quy định là 35 em/lớp đối với tiểu học, 45 em/lớp đối với THCS. Và nhất quyết phải bảo đảm đủ trang thiết bị để phục vụ việc đổi mới phương pháp dạy học.
Để giải bài toán quá tải trường lớp Thủ đô, trong một vài năm trở lại đây nhiều giải pháp đã được đưa ra như xây mới, nâng tầng, siết tuyển sinh trái tuyến… Sở GD&ĐT cho hay, năm học 2020-2021, Thành phố và các quận, huyện, thị xã đã quan tâm đầu tư xây mới 25 trường công lập, 19 trường tư thục, cải tạo, xây mới gần 5.200 phòng. Cụ thể như quận Hà Đông đã xây mới 5 trường công lập (1 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 1 trường THCS) và 3 trường tư thục. Quận Hoàng Mai đã xây thêm 6 trường mới, giảm tải rõ rệt số học sinh trong trường và số học sinh trong lớp. Quận Ba Đình đã đề xuất với Thành phố và Bộ Xây dựng về nâng tầng trường học với nguyên tắc phải bảo đảm công tác phòng cháy chữa cháy, thuận tiện cho học sinh lên hàng đầu…
Đáng lưu ý là từ những năm học trước, đề xuất nâng tầng trường học đã được đặt ra với nhiều ý kiến khác nhau. Trong đó, hầu hết ý kiến đồng tình với việc ở những địa phương khó khăn về diện tích đất xây trường, mở rộng phòng học như Hà Nội, TPHCM, Bộ GD&ĐT cho phép nâng tầng trường học khi đủ điều kiện. Hệ thống phòng chức năng, hiệu bộ, hành chính được chuyển lên tầng cao, dành các tầng thấp làm phòng học cho học sinh. Thậm chí, một số ý kiến đề xuất Bộ GD&ĐT cũng cần xem xét bỏ quy định cứng về diện tích phòng học, có thể đưa ra một vài phương án, linh động với tình hình thực tế địa phương. Ủng hộ phương án này, nguyên đại biểu quốc hội Bùi Thị An cho rằng, trong trường hợp địa phương không còn quỹ đất để xây dựng có thể cấp phép xây dựng thêm khoảng 2 tầng. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này phải trong một thời gian nhất định và tùy vào từng địa phương, không áp dụng đại trà.
Về lâu dài, theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, để giải bài toán quá tải trường lớp của Thủ đô, trước tiên và quan trọng nhất là sự quyết tâm vào cuộc của địa phương. Ngoài ra, ngành giáo dục Thủ đô cần đưa ra những dữ liệu chính xác về chiến lược phát triển của ngành để phối hợp chặt chẽ hơn với chính quyền các quận huyện, các sở, ngành chức năng nhằm quy hoạch và xây dựng mạng lưới trường học cho phù hợp với nhu cầu từng khu vực, địa bàn dân cư. Cùng với đó, Thành phố cần có cơ chế kiểm soát, đánh giá chặt chẽ hơn nữa việc thực hiện theo đúng quy hoạch của các chủ đầu tư dự án.
Xây chung cư phải xây kèm trường học
Trước sự quan tâm của người dân về giải quyết bài toán quá tải trường lớp, UBND TP. Hà Nội cho biết, đã giao cho các Sở: KH&ĐT, Xây dựng, Quy hoạch Kiến trúc, phối hợp với Sở GD&ĐT rà soát lại toàn bộ mạng lưới trường, lớp. Qua rà soát, Thành phố đã có nhiều điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu của người dân, nhất là khu vực mật độ dân số cao. Tuy nhiên, kết quả rà soát cũng cho thấy, ở khu vực nội đô, quỹ đất xây dựng trường học thiếu, nên tỉ lệ học sinh được học trường công thấp hơn khu vực khác.
Kết quả các kỳ giám sát của HĐND TP. Hà Nội những năm gần đây cũng chỉ ra rằng, nhiều dự án được chuyển nhượng cho các nhà đầu tư thứ cấp, nhưng các nhà đầu tư này chậm triển khai. Như tại khu đô thị Tây Nam hồ Linh Ðàm quy hoạch 6 ô đất xây dựng trường học, tuy nhiên hiện mới chỉ hoàn thành, đưa vào sử dụng 1 trường tiểu học…
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên là do chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm túc quy hoạch được phê duyệt. Việc kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư thực hiện xây dựng theo quy hoạch chưa chặt chẽ. Các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã có khu đô thị chưa thường xuyên cập nhật số liệu, tình hình đầu tư xây dựng trường học trong các khu đô thị trên địa bàn theo chức năng, nhiệm vụ quản lý được giao...
Trong khi Hà Nội vẫn loay hoay với bài toán thiếu cơ sở vật chất, thiếu quỹ đất xây trường, thì mỗi năm lượng học sinh đầu cấp, nhất là lớp 1 vẫn tăng nhanh. Để giải bài toán trường, lớp học quá tải đang diễn ra, rất cần sự đồng bộ trong quy hoạch đô thị, quy hoạch mạng lưới trường lớp cho hợp lý, khoa học... Không nên để tình trạng xây chung cư nhưng lại bỏ quên xây trường học kéo dài hết năm này qua năm khác.
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Chính phủ cần ban hành quy định rõ trách nhiệm của các địa phương, không chỉ về chất lượng giáo dục, mà phải chịu trách nhiệm bảo đảm đủ trường lớp đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Nơi nào cho xây dựng thêm chung cư, khu đô thị, thì phải cam kết có đủ chỗ học cho học sinh, nếu không người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm. Có như vậy ngân sách đầu tư cho việc tu sửa, xây trường học mới được các địa phương ưu tiên, học sinh và giáo viên sẽ yên tâm dạy và học.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói, với vị thế mới của mình, Hà Nội ngày nay không nên chỉ khiêm tốn với định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của Việt Nam, mà trong dòng chảy lịch sử hơn 1000 năm của mình, ở thời đại Hồ Chí Minh, Hà Nội cần được định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của Đông Nam Á. Đến năm 2045, khi Việt Nam ở vị thế nước phát triển, Hà Nội phải đạt tầm nhìn là một trong những trung tâm của Đông Á như khát vọng hùng cường của dân tộc ta.
Trong những năm qua, Hà Nội quyết tâm luôn và sẽ giữ vững thành tích của ngành GD&ĐT Thủ đô, khẳng định vị trí dẫn đầu trong việc thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Lãnh đạo Hà Nội xác định sẽ tiếp tục đầu tư, xây dựng bảo đảm đủ trường lớp, kể cả các khu đô thị mới, nâng cao số lượng, chất lượng các trường đạt chuẩn quốc gia. Để hiện thực hóa điều đó đó, câu trả lời trước hết là cần sự nỗ lực không ngừng của lãnh đạo và ngành giáo dục Thủ đô.
Minh Quang