In bài viết

Giải "cơn khát" cát sông trong ngành xây dựng

Kiếm tìm cát sạn vùng đáy biển nông có thể là "lời giải" cho "cơn khát" nhóm vật liệu xây dựng cát sỏi đang có nhu cầu ngày càng lớn, bởi trên vùng biển nông trải dài từ Bắc tới Nam nước ta rất có triển vọng về vật liệu này.

08/11/2011 13:14
Kiếm tìm cát sạn vùng đáy biển nông có thể là "lời giải" cho "cơn khát" nhóm vật liệu xây dựng cát sỏi đang có nhu cầu ngày càng lớn, bởi trên vùng biển nông trải dài từ Bắc tới Nam nước ta rất có triển vọng về vật liệu này.
Tiềm năng lớn
Từ nhiều năm nay, Trung tâm Địa chất và Khoáng sản biển, thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tiến hành điều tra các kiểu trầm tích tầng mặt đáy biển bằng phương pháp địa chấn nông có độ phân giải cao và lấy mẫu bằng cuốc, ống phóng trọng lực để phân tích các thông số về cấp hạt, hàm lượng carbonat, thành phần khoáng vật… nên đã lập được bản đồ tỷ lệ 1/50.000 xác định những vùng có khả năng khai thác cát xây dựng và san lấp. Bản đồ đã chỉ rõ 17 vùng biển gần cửa sông trải dài từ Bắc tới Nam có tiềm năng lớn về khai thác cát sạn. Theo đó, có 2 nhóm cát sạn đáy biển được đề cập đến là nhóm lộ trên mặt biển và nhóm bị phủ một lớp sét.
Nhóm thứ nhất, cát sạn lộ trên mặt đáy biển gồm sạn, sạn pha bùn, sạn pha cát bùn, sạn pha cát nằm ở độ sâu 0 - 6m, phân bổ rộng rãi ở vùng biển Quảng Ninh, miền Trung và Kiên Giang. Ở độ sâu và 20 - 30m các loại cát sạn trên phân bố tại các vùng bãi cạn Nam Đồ Sơn, Nam Cửa Đáy, Đông Sầm Sơn, Đông Cẩm Nhượng, Đông Cửa Việt, Đông Thuận An, Tây Cù Lao Chàm, Cửa Rí, Ba Kiềm và Đông Nam Vũng Tàu.
Nhóm thứ 2 chủ yếu là cát tướng lòng sông, nằm sát đáy biển (bị phủ một lớp sét dày 3 - 15m, diện phân bố loại khoáng sản này nằm ở các cửa sông lớn như Sông Mã, Sông Hồng, Sông Cả, sông Cửu Long…Ở vùng Quảng Ninh, cát lòng sông kiểu này tạo thành một diện lớn kéo dài từ Nam đảo Cô Tô theo hướng Tây Nam kéo dài trên 60km.
Đặc biệt, từ năm 2006 - 2009, Trung tâm Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã thực hiện Đề án "Khảo sát đánh giá tiềm năng tài nguyên khoáng sản vùng biển ven bờ tỉnh Sóc Trăng, tỷ lệ 1/10.000" do TS. Vũ Trường Sơn làm chủ nhiệm đã đánh giá được nguồn tài nguyên cát sạn vật liệu xây dựng và san lấp tại khu vực biển nông tỉnh Sóc Trăng lên tới 13 tỷ m3. Cát biển Sóc Trăng đáp ứng được tiêu chuẩn Việt Nam 2006 về nguyên liệu làm vật liệu xây dựng và san lấp.
Khai thác hướng nào?
Việc tìm kiếm và khai thác cát sạn đáy biển nông, giảm áp lực về nguyên vật liệu trong ngành xây dựng cho hiện tại và tương lai rất cấp thiết và quan trọng. Chính vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu đánh giá trữ lượng và khả năng khai thác tại tất cả những khu vực giàu tiềm năng rất cần được quan tâm của các Bộ, ngành chức năng.
Riêng đối với khu vực ven biển tỉnh Sóc Trăng, với những kết quả đạt được của Đề án đã có thể sử dụng làm tư liệu cho quá trình lập dự án và khai thác. Tuy nhiên, việc khai thác nguồn khoáng sản này hiện còn không ít khó khăn khi chưa đánh giá được tác động của nó tới môi trường biển cũng như khả năng làm giảm nguồn lợi thủy sản vùng biển nông, tăng sự sói lở bờ biển và gây nên sự tranh chấp khu vực khai thác mỏ với ngành thủy sản. Chính vì vậy, để biến tiềm năng thành nguồn lợi kinh tế, cần có cơ sở khoa học đánh giá tác động môi trường khi khai thác, xây dựng những tiêu chí, quy định, hướng dẫn thành lập báo cáo đánh giá tác động môi trường với hoạt động khai thác khoáng sản từ đáy biển.
Mặt khác, việc quy định diện tích mỏ được cấp trên đất liền cũng không thể áp dụng với diện tích trên biển do vậy cũng rất cần có quy định cụ thể trong việc quy hoạch khu vực mỏ trên biển. Để sử dụng tốt nguồn khoáng sản này, cần cung cấp đầy đủ thông tin về những phương pháp rửa trôi và giảm độ muối của cát mà nhiều nước trên thế giới đã sử dụng, đồng thời tư vấn phương tiện khai thác (khu vực có thể khai thác được cát sạn đều ở độ sâu 30m nước trở lên, vì vậy không thể sử dụng tàu nhỏ cũng như các phương tiện thô sơ). Có như vậy, mới đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững nền kinh tế biển.
Kim Liên