In bài viết

Giải đáp kịp thời các thắc mắc: Tạo sự tin cậy với người dân

(Chinhphu.vn) – Là một trong những cơ quan chức năng tiếp nhận số lượng lớn thư bạn đọc gửi qua Cổng TTĐT Chính phủ trong năm qua, Cục Người có công (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đã giải đáp kịp thời rất nhiều vướng mắc của công dân, góp phần tạo dựng niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan công quyền.

17/02/2010 11:33

Ông Bùi Ngọc Thái - Phó Cục trưởng Cục Người có công, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội - Ảnh: Chinhphu.vn

Đảm bảo công bằng giữa các đối tượng

Điển hình nhất, các thắc mắc, kiến nghị của công dân thường tập trung vào chế độ ưu đãi người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; thương binh đồng thời là bệnh binh hoặc công nhân viên chức nghỉ việc hưởng chế độ mất sức lao động.

Cục NCC cũng tiếp nhận nhiều ý kiến đóng góp đầy tâm huyết của công dân về những mặt tích cực cũng như những bất cập của chế độ, chính sách. Qua đó, giúp Cục nghiên cứu, trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung để chính sách ưu đãi NCC ngày càng được hoàn thiện.

Dẫn chứng cho điều này, ông Thái cho biết, năm qua, trên cơ sở tiếp thu những kiến nghị, phản ánh của các cơ quan, cá nhân khi tham gia thực hiện và thụ hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước, Cục NCC đã trình Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 08/2009/TT-BLĐTBXH ngày 7/4/2009 hướng dẫn sửa đổi, bổ sung mục VII Thông tư số 07/2006/TT-BLĐTBXH ngày 26/7/2006 về hồ sơ, lập hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi NCC với cách mạng đối với người hoạt động kháng chiến tại vùng bị quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học bị mắc bệnh làm suy giảm khả năng lao động. Từ đó, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của địa phương, để người từng hoạt động kháng chiến có đủ điều kiện được thụ hưởng chính sách ưu đãi.

Tuy nhiên, cũng có những kiến nghị, phản ánh của công dân mà Cục NCC chưa thể có câu trả lời thỏa đáng được, ông Thái chia sẻ. Đó là các trường hợp thương binh đồng thời là bệnh binh hoặc thương binh đồng thời là công nhân viên chức mất sức lao động đề nghị được hưởng cả 2 chế độ: trợ cấp thương tật và mất sức lao động hoặc bệnh binh.

Hiện nay, thương binh đồng thời là những công nhân viên chức có thời gian công tác thực tế từ 20 năm trở lên hoặc bệnh binh có thời gian công tác liên tục trong quân đội, công an từ 15 năm trở lên thì mới được hưởng cả 2 chế độ trợ cấp thương tật và mất sức lao động hoặc bệnh binh.

Cả nước hiện có trên 20.000 trường hợp thương binh đồng thời là bệnh binh hoặc mất sức lao động chỉ hưởng chế độ trợ cấp bệnh binh hoặc mất sức lao động vì chế độ trợ cấp này cao hơn chế độ trợ cấp thương tật. Số này thực chất chỉ đủ điều kiện hưởng trợ cấp thương binh, nếu tách riêng thì không đủ điều kiện về thời gian công tác đồng thời không đủ điều kiện về suy giảm khả năng lao động do bệnh tật để hưởng chế độ trợ cấp bệnh binh hoặc trợ cấp mất sức lao động, nên vận dụng cộng gộp tỷ lệ mất sức lao động do thương tật mới đủ điều kiện hưởng, ông Thái cho biết.

Tại một số kỳ họp của Quốc hội, một số đại biểu đã chất vấn, yêu cầu để số đối tượng này được đồng thời hưởng cả 2 chế độ trợ cấp. Nhưng, theo ông Thái, giải quyết như vậy sẽ dẫn đến hưởng trùng và bất bình đẳng với đối tượng khác. Vì vậy, vấn đề này cần phải thực hiện theo quy định để đảm bảo công bằng giữa các đối tượng và phù hợp với quy định của Pháp lệnh Ưu đãi NCC.

“Chỉ qua thư điện tử, nhiều thắc mắc của bạn đọc ở khắp mọi miền đất nước, kể cả những vùng sâu, vùng xa được Cục NCC giải đáp nhanh chóng, kịp thời và nghiêm túc”, ông Bùi Ngọc Thái khẳng định - Ảnh: Chinhphu.vn

Cùng Cổng TTĐT Chính phủ, đáp ứng nguyện vọng người dân

Trong năm qua, Cục NCC đã phối hợp chặt chẽ với Cổng TTĐT Chính phủ để giải đáp hầu hết các thắc mắc, kiến nghị, phản ánh của công dân. “Chỉ qua thư điện tử, nhiều thắc mắc của bạn đọc ở khắp mọi miền đất nước, kể cả những vùng sâu, vùng xa được Cục giải đáp nhanh chóng, kịp thời và nghiêm túc”, ông Thái khẳng định.

Ông dẫn chứng trường hợp ông Nguyễn Tiến Trung (tỉnh Phú Thọ) đề nghị được truy lĩnh trợ cấp thương tật; bà Phạm Thanh An (tỉnh Hà Tĩnh) hỏi về chế độ trợ cấp thương tật cho trường hợp của bố bà An; ông Nguyễn Hữu Hưởng (tỉnh Nghệ An) thắc mắc việc xét ưu tiên tuyển sinh, tạo việc làm cho người bị nhiễm chất độc hóa học; ông Trần Tấn Đạt (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) hỏi về thủ tục để được công nhận là người hoạt động cách mạng tiền khởi nghĩa...

Đánh giá cao việc ứng dụng công nghệ thông tin của Cổng TTĐT Chính phủ trong thời gian qua, ông Thái cho rằng điều đó sẽ giúp Cổng TTĐT Chính phủ trở thành cầu nối tương tác giữa người dân đối với cơ quan chức năng của Nhà nước.

Theo ông Thái, đây sẽ là một kênh tiếp nhận những ý kiến đóng góp trực tiếp của người dân về chế độ, chính sách, để từ đó giúp các cơ quan quản lý Nhà nước nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện các văn bản, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối tượng thụ hưởng một cách đầy đủ.

Gửi lời chúc sức khỏe, thành công đến tập thể cán bộ Cổng TTĐT Chính phủ nhân dịp đầu năm mới, ông Thái chia sẻ: Cục Người có công sẽ cố gắng trả lời nhanh nhất các kiến nghị của công dân gửi qua Cổng TTĐT Chính phủ, bởi việc giải đáp kịp thời các thắc mắc cũng là một cách tăng cường lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và Chính phủ.

Ban Bạn đọc