In bài viết

Giải đáp thắc mắc về đăng ký tạm trú

(Chinhphu.vn) - Bà Cao Thanh Hậu (tỉnh Thanh Hóa) đề nghị giải đáp một số thắc mắc liên quan đến điều kiện để cấp Sổ tạm trú (diện KT3) và giấy đăng ký tạm trú.

17/08/2011 16:50

Trong thời gian học đại học tại Hà Nội bà Hậu đã làm giấy đăng ký tạm trú có thời hạn từ 30/11/2006 đến 30/11/2009. Tại nơi đăng ký tạm trú, bà Hậu chỉ ở trọ 4 tháng rồi chuyển đến quận khác ở cho đến nay nhưng không làm lại giấy đăng ký tạm trú.

Nay, bà Hậu muốn biết điều kiện để cấp Sổ tạm trú (diện KT3) và giấy đăng ký tạm trú nói trên có tác dụng gì trong việc cấp sổ không?

Câu hỏi của bà Hậu được Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Đối tượng được cấp Sổ tạm trú (diện KT3) là người đã đăng ký thường trú tại một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác, có đủ điều kiện để đăng ký tạm trú không xác định thời hạn tại xã, phường, thị trấn thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người đó đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập.

Thủ tục đăng ký tạm trú

Theo quy định tại Điều 30 Luật Cư trú thì đăng ký tạm trú là việc công dân đăng ký nơi tạm trú của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký tạm trú, cấp sổ tạm trú cho họ.

Người đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó thì trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày đến phải đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn.

Người đến đăng ký tạm trú phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó đã đăng ký thường trú; giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở đó; nộp phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, bản khai nhân khẩu; trường hợp chỗ ở hợp pháp là nhà do thuê, mượn hoặc ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.

Trưởng Công an xã, phường, thị trấn trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ quy định phải cấp sổ tạm trú theo mẫu quy định của Bộ Công an.

Sổ tạm trú được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký tạm trú, có giá trị xác định nơi tạm trú của công dân và không xác định thời hạn.

Trường hợp đến tạm trú tại xã, phường, thị trấn khác thì phải đăng ký lại.

Trường hợp người đã đăng ký tạm trú nhưng không sinh sống, làm việc, lao động, học tập từ sáu tháng trở lên tại địa phương đã đăng ký tạm trú thì cơ quan đã cấp sổ tạm trú phải xoá tên người đó trong sổ đăng ký tạm trú.

Chỗ ở là một điều kiện để đăng ký tạm trú

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 5 Nghị định 107/2007/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định 56/2010/NĐ-CP ngày 24/5/2010 của Chính phủ thì giấy tờ về nhà ở để đăng ký tạm trú là một trong các giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp, trừ trường hợp là hợp đồng cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở, nhà khác của cá nhân thì hợp đồng đó không cần công chứng hoặc chứng thực của UBND cấp xã.

Trường hợp nếu không có một trong các giấy tờ chứng minh thì phải có văn bản cam kết của công dân về việc có chỗ ở thuộc quyền sử dụng của mình và không có tranh chấp về quyền sử dụng.

Trường hợp bà Cao Thanh Hậu, đã đăng ký tạm trú tại một xã, phường, thị trấn, nhưng sau đó không sinh sống tại địa phương đã đăng ký tạm trú, thì cơ quan cấp sổ tạm trú đã xoá tên bạn trong sổ đăng ký tạm trú. Nay đến tạm trú tại xã, phường, thị trấn khác thì bạn phải đăng ký lại để được cấp sổ tạm trú mới.

Luật sư Lê Văn Đài

VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

 * Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.