In bài viết

Giai đoạn mới trong thu hút FDI

Theo ông Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhờ thành quả phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, các nhà đầu tư nước ngoài đã nhìn thấy Việt Nam như một địa chỉ đầu tư tin cậy.

02/11/2005 11:55
Thứ trưởng trở xuống sẽ không cò

Bộ trưởng đánh giá như thế nào về dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam kể từ sau năm 1997 đến nay?

Như mọi người đều biết, vào năm 1997 đã xẩy ra cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ, tác động xấu tới sự phát triển của các nước, trong đó có Việt Nam. Trên phạm vi toàn cầu mấy năm qua dòng vốn FDI đã giảm sút liên tục, năm 2001 giảm 41%, năm 2002 giảm 13%, năm 2003 giảm 12% và năm 2004 tuy có nhích lên 2% nhưng chỉ đạt mức độ 648 tỷ USD.

Trong khi đó, nhờ thành quả phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, các nhà đầu tư nước ngoài đã nhìn thấy Việt Nam như một địa chỉ đầu tư tin cậy.

Luồng vốn FDI vào Việt Nam - bao gồm cả cấp phép mới, tăng vốn và thực hiện - đều liên tục tăng. Năm 2002 vốn đăng ký mới đạt 2,8 tỷ USD; năm 2003 đạt 3,1 tỷ USD; năm 2004 tăng lên 4,2 tỷ USD và dự kiến năm 2005 này vượt trên 5 tỷ USD. Năm 2004, lượng vốn FDI thực tế vào Việt Nam đứng thứ 50 trên thế giới, cao hơn mức của nhiều nước Đông Nam Á.

Nhờ vậy, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FIE) đã có đóng góp lớn cho sự phát triển, chiếm hơn 17% vốn đầu tư toàn xã hội, đóng góp hơn 15% GDP, 43% giá trị sản xuất công nghiệp, 54% giá trị xuất khẩu và tăng nhanh quy mô và tỷ trọng đóng góp cho ngân sách Nhà nước.

Hiện khu vực FIE đã thu hút trực tiếp hơn 800 nghìn lao động có chuyên môn nghiệp vụ và cả triệu lao động gián tiếp. Đã có hơn 100 tập đoàn xuyên quốc gia (TNC) đã đầu tư và làm ăn ở Việt Nam, góp phần quan trọng mở rộng thị trường, thực hiện chuyển giao công nghệ, tăng cường khả năng xuất khẩu và qua đó, đóng góp vào việc nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đến nay, khu vực FIE đã thực sự trở thành một bộ phận của nền kinh tế nước ta.

Xin Bộ trưởng cho biết tiến trình phân cấp đầu tư đã được thực hiện như thế nào và hiệu quả của tiến trình này mang lại cho nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài đến nay là gì?

Thực hiện chủ trương chung của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình đổi mới, việc phân cấp thực hiện đầu tư đã được tiến hành mạnh mẽ. Trong lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài, việc phân cấp này được giao trách nhiệm cho các địa phương, các ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.

Chẳng hạn, trước đây các nhà đầu tư có vốn đến 5 triệu USD được giao cho các địa phương cấp phép. Tp.HCM hay Hà Nội nay đã được quyết định đầu tư các dự án lớn hơn. Ban quản lý các khu công nghiệp được quyết định các dự án có vốn đầu tư đến 40 triệu USD. Nhờ vậy, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Thậm chí, đã có địa phương thí điểm cấp phép qua mạng, khiến việc cấp phép đầu tư được nhanh chóng hơn.

Trong dự thảo luật đầu tư mới sẽ được Quốc hội xem xét, phần lớn chỉ còn có đăng ký đầu tư với quy trình đơn giản và thời hạn ngắn; quy mô đầu tư phải xem xét được nâng lên mức cao. Chỉ với các dự án lớn, có vốn đến khoảng 20 triệu USD (300 tỷ đồng), chiếm chừng 2% doanh nghiệp mới cần phải thẩm định. Sẽ tăng cường khuyến khích đầu tư bằng biện pháp hậu kiểm cũng làm đơn giản hơn các thủ tục thẩm định. Các vấn đề tranh chấp cũng được xử lý theo thông lệ quốc tế.

Diễn đàn Forinvest lần này được tổ chức cùng với thời điểm Quốc hội đang xem xét việc thống nhất hai luật quan trọng, Luật Đầu tư chung và Luật Doanh nghiệp thống nhất. Theo bộ trưởng, việc thông qua hai bộ luật quan trọng này có mang lại tác động tích cực gì cho việc thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài cả gián tiếp lẫn trực tiếp trong thời gian tới?

Năm năm tới là thời kỳ đổi mới toàn diện, trong đó việc tích cực và chủ động đẩy mạnh hội nhập sẽ có tác động tích cực đưa nước ta ra khỏi tình trạng nước kém phát triển. Có nhiều việc cần làm, trong đó có việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính.

Theo chương trình làm luật của Quốc hội, trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét và thông qua Luật Đầu tư chung và Luật Doanh nghiệp thống nhất. Các văn bản dự thảo đã hoàn tất và hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tham vấn các nhà doanh nghiệp và nhà đầu tư, các chuyên gia và nhân dân về dự thảo. Bộ cũng chuẩn bị dự thảo Thông tư hướng dẫn để nhanh chóng thi hành.

Hy vọng với sự tiếp thu ý kiến của nhân dân, nhất là có sự tham gia của các doanh nghiệp và nhà đầu tư, Quốc hội sẽ thông qua Luật Đầu tư chung và Luật Doanh nghiệp mới, tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng và thuận lợi cho đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.

Theo Bộ trưởng, trong giai đoạn phát triển 5 năm tới (2006-2010), việc thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam có những điểm gì mới nổi bật hơn so với các thời kỳ trước đây?

Năm năm tới là thời kỳ rất quan trọng của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước ra khỏi tình trạng nước kém phát triển. Trong khi đó, thực hiện các cam kết quốc tế, nền kinh tế sẽ càng hội nhập sâu và toàn diện (AFTA, BTA, WTO...), việc mở cửa thị trường có lộ trình rất sít sao.

Do đó, nhiệm vụ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và vấn đề nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh sẽ càng trở nên những yêu cầu rất gay gắt. Thực hiện nhiệm vụ này cần đòi hỏi hệ thống đồng bộ các giải pháp.

Riêng về vốn sẽ đòi hỏi một khối lượng đầu tư to lớn trong 5 năm: hơn 139 tỷ USD, từ mọi nguồn vốn. Bên cạnh vốn trong nước có vị trí quan trọng hàng đầu và chiếm khoảng 2/3 tổng vốn đầu tư, các nguồn vốn bên ngoài từ mọi nguồn, trong đó có vốn FDI sẽ chiếm tỷ lệ rất quan trọng.

Để thúc đẩy quá trình này, Nhà nước đã có chủ trương tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, mở cửa thị trường theo các cam kết quốc tế. Quốc hội trong kỳ họp hiện nay sẽ xem xét và thông qua Luật Đầu tư chung và Luật Doanh nghiệp thống nhất, tạo ra một “sân chơi bình đẳng” và “có thể tiên đoán được” cho các nhà đầu tư và kinh doanh trong và ngoài nước.

Trong dự kiến kế hoạch, sẽ mở rộng phạm vi xem xét về ngành nghề, địa bàn, phương thức cho các nhà đầu tư có cơ sở lựa chọn. Từ đó có thể tăng cường sức lan tỏa của khu vực FIE trong nền kinh tế, thực hiện chuyển giao công nghệ, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh.

Trên cơ sở đó, chúng tôi hy vọng sẽ có một làn sóng đầu tư mới của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Xét trên góc độ cải thiện môi trường đầu tư cũng như xây dựng các chính sách và chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài, theo Bộ trưởng, chúng ta còn phải làm những việc cụ thể gì trong thời gian tới?

Để cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, chúng ta phải làm nhiều việc khác nhau từ hoàn thiện môi trường pháp luật, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức đến việc xây dựng một chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài tổng thể, đồng bộ và linh hoạt.

Môi trường pháp luật phải ngày càng thông thoáng và dễ tiên đoán, tạo sự bình đẳng giữa tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước khi cùng thực hiện một loại hình kinh doanh, ở cùng một địa bàn. Cũng sẽ hạn chế những lĩnh vực đầu tư có điều kiện hay cấm đầu tư, phù hợp với chính sách mở cửa của Đảng và Nhà nước, cũng như các cam kết quốc tế.

 

(Bộ Kế hoạch và Đầu tư)