Ngày 11/9, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc MoMo Nguyễn Mạnh Tường, cùng 6 doanh nghiệp đại diện cho Việt Nam tham gia thảo luận tại Hội nghị Cấp cao Việt Nam-Hoa Kỳ về đầu tư và đổi mới sáng tạo, diễn ra tại Văn phòng Chính phủ. Hội nghị nằm trong khuôn khổ chuyến thăm đầu tiên cấp nhà nước của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Việt Nam nhân dịp hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện.
Tại hội nghị này, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Joe Biden đã thống nhất đưa công nghệ, đổi mới sáng tạo và đầu tư thực sự trở thành trụ cột mới của quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ.
MoMo là doanh nghiệp unicorn trong ngành fintech Việt Nam duy nhất tham gia thảo luận tại hội nghị đã ghi nhận những tác động tích cực của việc ứng dụng công nghệ đối với việc chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính và phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Mạnh Tường đã chia sẻ về siêu ứng dụng MoMo được phát triển hoàn toàn bởi các kỹ sư người Việt, hiện đang phục vụ hơn 30 triệu người dân và hàng trăm nghìn doanh nghiệp Việt Nam thông qua việc cung cấp các giải pháp thanh toán và tài chính số.
Điều này đã tạo ra ấn tượng mạnh mẽ với các nhà lãnh đạo và đại diện doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là khả năng tự phát triển công nghệ riêng phục vụ cho thị trường Việt Nam của MoMo. Đội ngũ nhân sự cấp cao của công ty, được đào tạo tại các trường đại học hàng đầu của Mỹ (Harvard, Columbia, Yale, Chicago) và có kinh nghiệm làm việc lâu năm tại các tập đoàn lớn của Mỹ (Google, Cisco, IBM, META, JP Morgan, BCG..) đã cùng tập trung phát triển MoMo và thu hút được lượng vốn lớn từ các nhà đầu tư Mỹ, trong đó có Warburg Pincus, Goodwater Capital.
Sự phát triển của MoMo bắt nguồn từ các chính sách cởi mở của nhà nước Việt Nam, kết hợp với yếu tố con người được đào tạo ở Mỹ, ứng dụng công nghệ và nguồn vốn từ nhà đầu tư Mỹ để xây dựng một sản phẩm công nghệ phục vụ người Việt Nam, đấy chính là điểm mới trong mô hình phát triển của MoMo.
Cũng theo đại diện MoMo, trong thời gian qua, chính các quy định ưu đãi của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển tài chính toàn diện đã mang lại những kết quả ấn tượng. Theo Ngân hàng Nhà nước, trong 11 tháng năm 2022, thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế đạt hơn 6,6 tỷ giao dịch với giá trị hơn 192,38 triệu tỷ đồng (tăng 85,6% về số lượng và 31,39% về giá trị). Tính đến cuối năm 2022, có hơn 11,9 triệu tài khoản thanh toán mở mới bằng eKYC (định danh điện tử) đang hoạt động.
Với mong muốn Việt Nam sẽ có nhiều kỳ lân công nghệ, ông Nguyễn Mạnh Tường chia sẻ, để một công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thể thành công, thì việc tìm được nguồn vốn đầu tư phát triển là một bài toán khó và bức thiết của các công ty tại Việt Nam. Trong khi đó, Mỹ lại có nguồn vốn khá dồi dào cho các công ty công nghệ khởi nghiệp từ các quỹ đầu tư mạo hiểm và các quỹ đầu tư tư nhân (private equity).
Để giải quyết bài toán vốn cho các công ty công nghệ, MoMo đã đề xuất Chính phủ hai nước hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn thông qua việc tổ chức định kỳ các diễn đàn liên quan đến đầu tư công nghệ của Mỹ vào Việt Nam, kết nối các doanh nghiệp Việt với các quỹ đầu tư và các tập đoàn công nghệ lớn. Hơn nữa, hai nước có thể cùng xây dựng các đội đặc nhiệm của chính phủ để hỗ trợ các công ty công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán trong và ngoài nước, cũng như tiếp cận được với cổ đông đại chúng.
Đồng thời, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc MoMo cũng nhận định rằng, bên cạnh việc tiếp cận nguồn vốn, thì sự hỗ trợ liên quan đến các quy định và ưu đãi từ hai Chính phủ cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giúp các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo "cất cánh". Đó là xây dựng các quy định, luật pháp theo hướng mở tập trung vào việc khuyến khích, động viên và thúc đẩy đầu tư vào những ý tưởng tiềm năng, có rủi ro nhưng có tính sáng tạo cao.
Quang Phạm