Báo cáo tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ giải ngân các dự án giao thông, đại diện Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, có 7 đơn vị gồm các Ban QLDA (2, 6, 7, 85, Mỹ Thuận, Đường sắt) và Tổng cục Đường bộ Việt Nam có tỷ lệ giải ngân ở mức từ 19,3%-23,3%.
Phía Chủ đầu tư là các Sở GTVT địa phương có tỷ lệ giải ngân cũng ở mức thấp hơn mức bình quân của Bộ gồm: Thái Bình (12,6%), Hà Giang (10,4%), Hải Phòng (7,8%); Hải Dương (7,1%); Kon Tum (18,5%); Yên Bái (2,6%); Hậu Giang (18,8%); Lào Cai (8%).
Lý giải về việc giải ngân còn thấp, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết do thời gian đầu năm, đơn vị này tập trung chủ yếu vào công tác đấu thầu, giao thầu. Bên cạnh đó, dự án thi công của Ban chỉ có cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, tuy nhiên dự án thiếu cát để đắp nền, xử lý đất yếu gây khó khăn cho việc thúc đẩy tiến độ.
Ban QLDA Mỹ Thuận đã và đang tích cực phối hợp cùng địa phương tháo gỡ khó khăn, mới đầu tuần này, tỉnh Đồng Tháp và An Giang có quyết định cho phép khai thác, "khơi thông" được 600.000 m3 cát cho dự án.
Còn dự án tuyến tránh Long Xuyên, Ban QLDA Mỹ Thuận vừa hoàn thành xong công tác đấu thầu các gói thầu còn lại nên khối lượng thi công chưa được nhiều.
Với Ban QLDA 2, ông Lê Thắng, Giám đốc Ban QLDA 2 cũng lý giải, hiện nay Ban phụ trách một số dự án sử dụng vốn ODA như: Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía bắc (vốn ADB); Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (Vốn WorldBank); Dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các tuyến quốc lộ (EDCF).
"Trình tự, thủ tục thực hiện các dự án nêu trên phải tuân theo quy định của nhà tài trợ vốn và thường kéo dài hơn so với các dự án vốn ngân sách. Thông thường mỗi thủ tục khi Ban trình hồ sơ lên, nhà tài trợ sẽ mất khoảng hơn 2 tuần làm việc để phản hồi, trường hợp có yêu cầu bổ sung, giải trình thì lại mất thêm khoảng thời gian tương tự...", ông Thắng cho hay.
Các chủ đầu tư là Sở GTVT các địa phương thì giải thích thêm nguyên nhân chưa đạt mức độ giải ngân trung bình là do Dự án vừa có quyết định đầu tư, phần lớn vừa hoàn thành công tác đấu thầu, bên cạnh đó thời tiết từ đầu năm mưa nhiều nên phần thi công nền đường không thể triển khai được…
Không đồng ý với những lý do nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu việc giải ngân của các đơn vị phải bám sát tiến độ của Bộ GTVT. Đơn vị nào chưa đạt đến mức bình quân chung của Bộ xem là chưa hoàn thành.
"Khối lượng giải ngân chưa được như kỳ vọng, việc các Ban QLDA và các Sở GTVT cần làm không phải là tìm lý do để tự thấy yên tâm, thay vào đó, phải gấp rút tìm ra giải pháp, tranh thủ ngay khi giải quyết được vật liệu, thời tiết thuận lợi để tăng ca đẩy nhanh tiến độ bù phần chậm.
Người đứng đầu đơn vị phải trăn trở hơn nữa về các dự án đang phụ trách. Mình là tổng chỉ huy phải lăn vào vụ việc, chỉ đạo quyết liệt cho ra khối lượng công việc để cùng khó khăn đó, sự điều hành đó, mình phải bằng các đơn vị khác trong ngành", Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu.
Riêng đối với 4 đơn vị gồm các Ban QLDA: Thăng Long, đường Hồ Chí Minh, Hàng hải; Đường thủy cùng Sở GTVT các địa phương: Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam, Điện Biên có kết quả giải ngân tốt trong 4 tháng đầu năm, Bộ trưởng cũng lưu ý không được "ngủ quên trên chiến thắng" mà cần tiếp tục có giải pháp quản lý tốt các dự án trọng điểm.
"Ban QLDA Thăng Long phải đặc biệt quan tâm đến hai dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phải hoàn thành trong năm 2022: Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây.
Ban QLDA đường Hồ Chí Minh chú trọng dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam; Ban QLDA Hàng hải tập trung dự án Luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu; Ban Đường thủy nội địa đẩy mạnh giải ngân dự án WB6 - kênh nối Đáy - Ninh Cơ và dự án Kênh Chợ Gạo", Bộ trưởng giao nhiệm vụ.
Năm 2022, kế hoạch vốn Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao là hơn 50.300 tỷ đồng.
Song, theo định hướng của Chính phủ về tăng cường phân quyền cho địa phương tham gia thực hiện các dự án giao thông, dự kiến, sau khi 3 dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội thông qua trong tháng 5/2022, gồm: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, 5.000 tỷ đồng/50.328 tỷ đồng nằm trong kế hoạch vốn của Bộ GTVT sẽ được giao về cho các địa phương liên quan.
Như vậy, dự kiến trong năm 2022, tổng số vốn các Ban QLDA/chủ đầu tư phải thực hiện giải ngân thực tế là khoảng 45.000 tỷ đồng.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các Ban QLDA, Sở GTVT phải xây dựng kế hoạch trong tháng 5 đạt tỷ lệ giải ngân từ 33,3% (của 45.000 tỷ) so với kế hoạch vốn Thủ tướng giao trở lên thay vì mục tiêu ban đầu là gần 30% (50.000 tỷ).
Để đạt được kết quả đó, Bộ trưởng yêu cầu Ban QLDA 6 đẩy nhanh tiến độ, tập trung cho dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt.
Ban Mỹ Thuận chú trọng dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, chỉ đạo sao cho tiến độ chuyển biến nhanh khi mỏ cát phục vụ thi công đã được giải quyết. Đồng thời, tăng cường lực lượng đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án: Tuyến tránh Long Xuyên, Cầu Rạch Miễu 2, Tân Vạn - Nhơn Trạch.
Riêng đối với Ban QLDA 2, hiện 3 dự án vốn ODA cần tập trung đẩy tiến độ và phải có giải pháp làm việc với các nhà tài trợ vốn để thúc đẩy những khó khăn về quy trình, thủ tục.
"Đối với Ban QLDA 7, "danh dự" của đơn vị, của ngành đang đặt vào dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Do đó, Ban QLDA 7 phải nỗ lực đưa dự án tiếp tục đạt mốc 36% sản lượng đến 30/4 và hơn 50% sản lượng đến ngày 30/6", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Năm 2022, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn hơn 50.300 tỷ đồng. Tính đến nay, Bộ GTVT đã giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 qua 3 đợt với tổng số hơn 42.800 tỷ đồng, đạt 85,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo số liệu báo cáo, dự kiến trong tháng 4/2022, Bộ giải ngân 4.000 tỷ đồng; lũy kế hết tháng 4/2022 giải ngân 11.200 tỷ đồng, đạt 25,9% kế hoạch giao chi tiết và đạt 22,2% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Phan Trang