In bài viết

Giải ngân vốn đầu tư công: Các địa phương ‘chạy nước rút’ để kịp tiến độ

(Chinhphu.vn) - TPHCM, Hà Nội là 2 địa phương được giao vốn lớn trong kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 với hơn 100.000 tỷ đồng. Tuy nhiên đây cũng là 2 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, do đó cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân, thì mới hoàn thành được kế hoạch chung của cả nước.

26/09/2022 15:56
Giải ngân vốn đầu tư công: Các địa phương ‘chạy nước rút’ để kịp tiến độ - Ảnh 1.

Hội nghị kết nối trực tuyến tới các điểm cầu địa phương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Báo cáo của Bộ KH&ĐT tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (sáng 26/9) cho thấy, đến thời điểm hiện nay, có 2 cơ quan Trung ương và 10 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. 39/51 bộ, cơ quan Trung ương và 22/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (46,70%), trong đó, 14 bộ, cơ quan Trung ương và một địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới 20%.

Sớm điều chuyển vốn đầu tư công đối với dự án không kịp triển khai

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch TPHCM thông tin, đến ngày 23/9, TPHCM giải ngân được 10.877 tỷ đồng trong tổng số 37.997 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 25%.

Năm 2022, Quốc hội và Thủ tướng giao vốn cho TPHCM gần 52.000 tỷ đồng, sau này giao thêm và tăng lên khoảng 54.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, TPHCM là địa phương cân đối ngân sách, với tỷ lệ điều tiết 21%, thành phố phải bảo đảm nhiệm vụ chi thường xuyên trước, còn lại mới chi đầu tư phát triển.

Năm 2022, HĐND TPHCM cân đối nguồn thu, bảo đảm chi được 42.508 tỷ đồng. Trong số này, có 4.478 tỷ đồng là khoản bội chi ngân sách từ nguồn vay nước ngoài nhưng nhiệm vụ chi chưa rõ, do đó Chủ tịch UBND TPHCM kiến nghị điều chỉnh giảm thêm khoản này, khi đó TPHCM chỉ còn chi 37.997 tỷ đồng và là con số thống nhất để tính tỷ lệ giải ngân. Như vậy, so với tổng vốn được Thủ tướng giao ban đầu, nguồn vốn đầu tư công mới của TPHCM giảm khoảng 16.000 tỷ đồng.

Một trong những nguyên nhân giải ngân chậm mà TPHCM nêu ra đó là khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó, một số dự án tồn tại chục năm nay, ảnh hưởng lớn đến công tác đầu tư và giải ngân. Tuy nhiên, vừa qua, TPHCM đã tập trung nhiều giải pháp quyết liệt, nhiều dự án giao thông tồn tại cả chục năm đã được khởi động trở lại.

Bên cạnh đó, TPHCM cũng lập tổ công tác chuyên về giải phóng mặt bằng để tập trung các địa bàn có khối lượng lớn và phức tạp như TP.Thủ Đức và một số quận huyện. Dự kiến đến tháng 10/2022 sẽ cơ bản tháo gỡ được giải phóng mặt bằng trên 90% để phục vụ triển khai các dự án.

Một nguyên nhân nữa, đó là giá cả vật liệu xây dựng, nhân công, xe, máy móc… làm cho nhà thầu thi công cầm chừng. Lãnh đạo TPHCM đã gặp từng nhà thầu cụ thể trong từng dự án để tháo gỡ, thuyết phục. Bên cạnh đó, thủ tục đầu tư các dự án ODA cần phải điều chỉnh dự án, điều chỉnh thời gian thực hiện, bố trí vốn, ký kết hiệp định vay mất nhiều thời gian.

Ông Phan Văn Mãi cho biết, Thành phố đã thành lập các tổ công tác chuyên đề (dự án vốn lớn, ODA, giải phóng mặt bằng), rà soát từng dự án, làm việc, tổ chức giao ban định kỳ với từng chủ đầu tư lên kế hoạch giải ngân từ đây đến cuối năm. Nhiều dự án khả năng đến cuối tháng 11, tháng 12 năm nay giải ngân đạt kế hoạch.

Dự kiến đầu tháng 10, HĐND sẽ có buổi họp chuyên đề để thực hiện đối với các nội dung có thể điều chỉnh vốn trong địa bàn thành phố.

Giảm đầu mối, tầng nấc

Thông tin về tình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của TP. Hà Nội, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết, kết quả giải ngân của Thành phố đến thời điểm hiện nay chưa đạt được như mong muốn và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đến ngày 23/9, Thành phố Hà Nội giải ngân hơn 17.170 tỷ đồng, đạt 33,6% kế hoạch. Trong vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, Thành phố gặp 4 điểm nghẽn, nút thắt. Thứ nhất là khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường. Thứ hai là khó khăn do biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu. Thứ ba, dự án ODA có rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Thứ tư, việc hoàn thiện thủ tục đầu tư một số dự án còn chậm do vướng mắc trong thực hiện chỉ giới đường đỏ, quy hoạch, tuân thủ quy định chuyên ngành.

Trước tình hình này, HĐND Thành phố đã thông qua Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn Thành phố. Đây là cơ sở rất quan trọng, có tính chiến lược lâu dài để Thành phố thực hiện giảm đầu mối, tầng nấc, tăng tính chủ động cho cấp cơ sở; với tinh thần cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn yêu cầu của tổ chức, người dân thì giao cấp đó thực hiện. Những tháng cuối năm 2022, UBND Thành phố tập trung triển khai thực hiện Đề án để góp phần đẩy nhanh giải ngân đầu tư công.

UBND TP cũng yêu cầu các chủ đầu tư căn cứ năng lực hiện có và các điều kiện thực hiện, có văn bản cam kết thực hiện công tác giải ngân vốn năm 2022. Đến nay, toàn bộ các chủ đầu tư đã có văn bản cam kết giải ngân với Thành phố. Đồng thời phân công các đồng chí Thường vụ Thành ủy theo địa bàn, lĩnh vực phụ trách trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công; phấn đấu tỷ lệ giải ngân toàn Thành phố đạt đạt 93,2% kế hoạch vốn được giao.

Kinh nghiệm giải ngân tốt

Tại Hội nghị, các địa phương có tỷ lệ giải ngân cao đã chia sẻ kinh nghiệm.

"Thanh Hóa rút ra kinh nghiệm, đó là giao kế hoạch sớm và chi tiết cho từng chương trình, dự án ngay từ đầu năm, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư chủ động triển khai các bước tiếp theo", Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn nói. 

Đến ngày 23/9, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Thanh Hóa đạt 55% kế hoạch, đạt mức trung bình khá của cả nước.

Tỉnh tập trung xác định mốc thời gian hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 đối với từng loại dự án. Thường xuyên rà soát, điều chuyển vốn từ các dự án có tiến độ giải ngân chậm sang dự án có tiến độ giải ngân tốt. Gắn vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, đơn vị, chủ đầu tư trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công. Thành lập các tổ thúc đẩy các dự án nhất là các dự án trọng điểm mà chậm.

Chia sẻ kinh nghiệm về giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, hằng năm, Thành phố chỉ tập trung vốn cho từ 7 đến 10 dự án trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, ưu tiên bố trí vốn thực hiện dự án theo nguyên tắc: Bố trí 100% chi phí giải phóng mặt bằng và 80% chi phí xây lắp.

Năm 2022, TP. Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn là 12.720,72 tỷ đồng. Ước giải ngân của TP. Hải Phòng đạt trên 70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Dự kiến trong năm 2022, Thành phố sẽ giải ngân hết 100% kế hoạch vốn được giao.

Với mức giải ngân cao hơn mức vốn được giao (đạt 112,7%), lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt và coi giải ngân đầu tư công là một trong nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong công tác lãnh đạo của Ủy ban, gắn trách nhiệm cá nhân cho từng thủ trưởng cơ quan, đơn vị và đưa kết quả giải ngân của đơn vị vào đánh giá xếp loại cuối năm.

Tỉnh giao kế hoạch vốn ngay sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo phê duyệt chủ đầu tư xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án theo từng tháng và tổ chức theo dõi điều hành vốn đầu tư công năm 2022 theo kế hoạch đã xây dựng.

Bên cạnh đó, tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh thường xuyên tổ chức kiểm tra thực tế hiện trường, kịp thời tháo gỡ ,xử lý các vướng mắc có liên quan. UBND tỉnh đã điều chỉnh và trình HĐND tỉnh điều chỉnh kế hoạch vốn linh hoạt giữa các dự án, giảm vốn của các dự án chậm tiến độ để bổ sung cho các dự án có tiến độ thực hiện nhanh. Đến nay, hầu hết các công trình, dự án được giao kế hoạch vốn đã cơ bản đáp ứng đủ điều kiện, vận hành trong những tháng cuối năm.

Hoàng Giang