Kết quả 7 tháng đầu năm phản ánh xu hướng đặc thù
Theo Báo cáo của Bộ KH&ĐT, để chỉ đạo, điều hành kế hoạch đầu tư công năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 9 Nghị quyết (trong đó có 02 Nghị quyết chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công), 03 công điện, 07 văn bản; tổ chức 01 hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương; thành lập 06 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công, yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong việc thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công.
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phải coi giải ngân vốn đầu tư công là công việc trọng tâm, nếu như không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công thì phải kiểm điểm người đứng đầu, đồng thời thực hiện điều chuyển kế hoạch vốn.
Về cơ bản các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã nghiêm túc thực hiện các ý kiến chỉ đạo; thành lập các Tổ công tác chỉ đạo, đôn đốc thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 do Lãnh đạo Bộ và Lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm Tổ trưởng. Cùng với đó là chỉ đạo đẩy nhanh công tác chuẩn bị thực hiện dự án, lựa chọn nhà thầu, sớm khởi công dự án; chủ động rà soát điều chỉnh nội bộ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đối với nguồn vốn ngân sách Trung ương không có khả năng giải ngân trong năm 2022.
Do đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đầu năm 2022 đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Mặc dù chưa bằng cùng kỳ năm trước nhưng cũng phản ánh xu hướng đặc thù giải ngân vốn đầu tư công đó là những tháng đầu năm chậm, tăng tốc vào cuối năm (tháng 7/2021 đạt 36,71%, cuối năm 2021 đạt khoảng 95%), những tháng đầu năm thi công để có khối lượng thanh toán tạm ứng, các dự án mua sắm trang thiết bị theo Hợp đồng thanh toán vào cuối năm.
Ba nhóm khó khăn, vướng mắc
Qua làm việc với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, Bộ KH&ĐT nhận diện có khoảng 21 tồn tại thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có phân thành 03 nhóm chính.
Trước tiên, về nhóm nội dung liên quan đến thể chế, chính sách, khó khăn chủ yếu về lĩnh vực đất đai; tài nguyên-môi trường; lĩnh vực ngân sách nhà nước và công sản; xây dựng; lĩnh vực đấu thầu; lĩnh vực đầu tư công.
Tiếp theo, liên quan đến đến tổ chức triển khai thực hiện, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước chưa sát với khả năng thực hiện. Chất lượng chuẩn bị dự án thấp, công tác khảo sát, thiết kế dự án chưa tốt. Các cấp, các ngành và người đứng đầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa thực sự vào cuộc, chưa tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của các dự án đã và đang triển khai.
Cuối cùng là nhóm khó khăn mang tính đặc thù của kế hoạch năm 2022. Đây là năm thứ hai triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (thực chất là năm đầu tiên triển khai do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 mới được Quốc hội thông qua vào tháng 7/2021), là năm các bộ, địa phương bắt đầu khởi công mới nhiều dự án nên thông thường thường cần từ 6 đến 8 tháng hoàn tất thủ tục nên tiến độ giải ngân vốn của những dự án khởi công mới chỉ được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm.
Ngoài ra, giá nguyên, nhiên vật liệu, xăng dầu trong những tháng đầu năm 2022 tăng cao, có tình trạng khan hiếm nguồn cung về cát, đất để san lấp mặt bằng. Một số nơi chưa cập nhật kịp thời sát giá thị trường, chủ đầu tư có tâm lý chọn biện pháp an toàn khi lựa chọn thực hiện ký hợp đồng trọn gói nên khó khăn khi xảy ra biến động giá thì nhà thầu sẽ phải gánh chịu, dẫn đến nhà thầu trúng thầu, ký hợp đồng trọn gói thi công cầm chừng, chờ chính sách điều chỉnh giá hợp đồng và giá vật liệu xây dựng, có tâm lý chờ cập nhật, điều chỉnh, công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng phù hợp diễn biến giá thị trường.
Giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm
Cũng tại Phiên họp, Bộ KH&ĐT đề nghị các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2022, trong đó đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, Bộ KH&ĐT kiến nghị một số giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách. Trong đó, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương có liên quan nghiên cứu sửa tổng thể các Luật có liên quan đến thực hiện dự án đầu tư công (một Luật sửa nhiều Luật); Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tiếp thu các vướng mắc về đất đai theo phản ánh của các địa phương trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai; Bộ Xây dựng nghiên cứu, đơn giản hóa và phân cấp hơn nữa quy định liên quan đến quản lý đầu tư xây dựng công trình theo hướng phân cấp mạnh mẽ cho địa phương trong công tác kiểm tra, nghiệm thu, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án nhóm A, B trên địa bàn, dự án thực hiện trên địa bàn 02 địa phương trở lên; Bộ KH&ĐT tiếp tục nghiên cứu, xây dựng đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Thứ hai, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong triển khai dự án đầu tư công. Bộ KH&ĐT đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phải chủ động, thực sự vào cuộc và trả lời, hướng dẫn xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả. Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư.
Thứ ba, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý đầu tư công. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu, đặc biệt là giải quyết khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu san lấp; kiểm tra việc xây dựng, công bố giá, chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo đúng quy định; kiểm soát tình trạng biến động giá nguyên, nhiên vật liệu xây dựng và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, nâng giá trục lợi./.
Minh Ngọc