Đại diện Bộ TN&MT công bố thông cáo chung của Hội nghị - Ảnh: VGP/Thu Cúc
Hội nghị quốc tế về Kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu diễn ra trong 2 ngày 12-13/5 theo hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến. Hội nghị do Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Na Uy và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tổ chức.
Hội nghị tập trung vào 5 chủ đề chính: Phục hồi kinh tế biển xanh hậu COVID-19 và hướng tới nền Kinh tế đại dương xanh và bền vững; Quy hoạch không gian biển và xây dựng các thành phố ven biển và hạ tầng có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu; Chống ô nhiễm biển và rác thải nhựa đại dương: Thách thức chính của thế kỷ 21; An ninh khí hậu, giới và khả năng chống chịu của các cộng đồng dễ bị tổn thương và Tài chính cho khí hậu và các đại dương.
Phát biểu bế mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân nhấn mạnh, qua 2 ngày làm việc, nhiều báo cáo tham luận và nội dung thảo luận tại các phiên chuyên đề góp phần giúp chúng ta nhận thức sâu sắc hơn nữa tầm quan trọng trong phát triển kinh tế biển xanh bền vững có khả năng chống chịu trước các thách thức và rủi ro an ninh liên quan đến khí hậu; tăng cường sự hiểu biết, chia sẻ các nỗ lực chung và thúc đẩy cơ hội hợp tác vì sức khỏe của đại dương, phúc lợi cho người dân thế hệ hôm nay và mai sau.
"Là một quốc gia biển, Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực hợp tác cùng các nước trong việc giải quyết và ứng phó với thách thức toàn cầu vì một biển xanh, trong lành và kinh tế đại dương bền vững. Chúng tôi cam kết sẽ quản lý tốt và loại trừ rác thải nhựa theo lộ trình phù hợp", ông Lê Minh Ngân khẳng định.
Các đại biểu tham quan mô hình nhà chống bão, lũ đã được xây dựng thực tế ở nhiều địa phương
Kết thúc hội nghị, Việt Nam đưa ra 5 cam kết quan trọng.
Thứ nhất, kiến tạo chính sách, môi trường pháp lý quốc tế cho một nền kinh tế biển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt với các nước và các bên liên quan dễ bị tổn thương.
Thứ hai, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu toàn diện do Liên Hợp Quốc quản lý về tác động đa chiều của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, rác thải nhựa nhằm hỗ trợ xây dựng chính sách ứng phó toàn cầu.
Thứ ba, giải quyết các thách thức và rủi ro an ninh liên quan đến biến đổi khí hậu thông qua thúc đẩy, xây dựng cơ chế hợp tác an ninh toàn cầu và khu vực thiết thực, hiệu quả, có tính đến yếu tố về kinh tế, xã hội, tâm lý, giới và các khía cạnh khác.
Thứ tư, tăng cường khả năng phục hồi phát triển kinh tế biển bền vững sau COVID-19 và khả năng thích ứng của các quốc gia, cộng đồng và những bên liên quan dễ bị tổn thương, bao gồm hộ nông dân sản xuất nhỏ và ngư dân, để xây dựng, phát triển các ngành kinh tế biển quan trọng như giao thông vận tải biển, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, du lịch biển/ven biển, và nguồn năng lượng tái tạo.
Thứ năm, khuyến khích đầu tư, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ biển, chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo biển xanh mới và giám sát quản lý sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển; nâng cao nhận thức về kinh tế biển bền vững, sự tham gia rộng rãi của các bên trong xây dựng quyết định và chính sách về kinh tế biển bền vững.
Theo các chuyên gia, nền kinh tế biển xanh bền vững phụ thuộc vào việc phát huy toàn bộ tiềm năng kinh tế của đại dương theo phương pháp quản lý tổng hợp, đồng thời bảo vệ, bảo tồn tài nguyên đại dương cho các thế hệ tương lai. Thích ứng với biến đổi khí hậu đòi hỏi sự lãnh đạo hiệu quả, nỗ lực tổng hợp và phối hợp ở tất cả các cấp, với sự tham gia của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là đảm bảo sự tham gia đầy đủ, có ý nghĩa và bình đẳng của phụ nữ, thanh niên, khu vực tư nhân, tổ chức xã hội, cộng đồng khoa học cũng như giới học thuật.
Thu Cúc