In bài viết

Giải pháp chống thất thu thuế hộ kinh doanh

(Chinhphu.vn) – Tổng cục Thuế đang xây dựng bộ cơ sở dữ liệu và bộ tiêu chí quản lý thuế theo rủi ro để giảm đến mức thấp nhất tình trạng “thỏa thuận” về mức thuế phải nộp đối với các hộ kinh doanh, đồng thời ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong lĩnh vực thuế và giảm tiếp xúc trực tiếp giữa hộ kinh doanh với cán bộ thuế.

20/06/2015 12:08

Đây là những giải pháp của Tổng cục Thuế nhằm hạn chế tối đa tiêu cực trong lĩnh vực thu thuế hộ kinh doanh.

Đặc điểm chung của hộ kinh doanh là trình độ kinh doanh, việc tuân thủ pháp luật nói chung và pháp luật về thuế chưa cao do hầu hết các hộ kinh doanh (HKD) có quy mô nhỏ, phát triển kinh tế gia đình nhằm tăng thu nhập; kinh doanh theo kinh nghiệm, không thực hiện chế độ sổ sách kế toán, không thực hiện khai và nộp thuế theo thu nhập (doanh thu trừ chi phí) mà chủ yếu nộp thuế theo phương pháp khoán (nộp theo tỷ lệ ấn định trên doanh thu)…

Khu vực hộ kinh doanh đóng góp cho ngân sách chiếm tỷ trọng không cao trong tổng thu ngân sách Nhà nước (khoảng 2%). Tuy nhiên, việc quản lý thuế lại tốn nhiều chi phí do số lượng HKD khá lớn; số cán bộ thuế trực tiếp quản lý thuế chiếm khoảng 21%, ngoài ra còn có sự tham gia của đại diện các ban, ngành chính quyền địa phương (Hội đồng tư vấn thuế xã, phường) và của người dân trong việc xác định doanh thu khoán và mức thuế khoán đảm bảo sát với thực tế phát sinh.

Tổng cục Thuế cho biết để việc quản lý thuế đối với hộ kinh doanh theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 19/NQ-CP, ngành Thuế tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc đơn giản hóa chính sách thuế, thủ tục khai nộp thuế để người nộp thuế tự tính tự khai và tự nộp được thuế (đã được quy định tại Luật số 71/2014/QH13).

Theo đó, ngành Thuế sẽ minh bạch hóa việc xác định doanh thu khoán và số thuế khoán phải nộp với sự tham gia của các cấp, ngành trong Hội đồng tư vấn thuế xã, phường và sự tham gia giám sát của người dân, từ đó giảm thiểu tình trạng “thông đồng, thỏa thuận” về mức thuế phải nộp.

Ngành sẽ xúc tiến xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về doanh thu khoán và mức thuế khoán trên địa bàn theo các chỉ tiêu kinh doanh như: Ngành nghề, diện tích, thời gian, số lượng lao động, số lượng hóa đơn sử dụng, địa bàn (đường phố, phường/quận; thôn, xã/ huyện). Từ đó xây dựng bộ tiêu chí quản lý thuế theo rủi ro đối với hộ kinh doanh.

Cùng với việc hoàn thiện các chính sách thuế, ngành thuế tăng cường hiện đại hóa công tác quản lý thuế, áp dụng công nghệ thông tin ở hầu hết các khâu quản lý để giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính thuế cho người nộp thuế và giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp với cán bộ thuế.

Cụ thể, từ năm 2016, loại hình kinh doanh hộ gia đình sẽ được thí điểm triển khai nộp thuế điện tử. Triển khai thí điểm khai, nộp thuế điện tử đối với một số lĩnh vực như cá nhân cho thuê tài sản, chuyển nhượng bất động sản, lệ phí trước bạ ô tô, xe máy; thủ tục cấp mã số thuế đơn giản để đảm bảo 100% cá nhân kinh doanh phải được cấp mã số thuế; 100% các chi cục thuế thực hiện lập, duyệt sổ bộ thuế, công khai thông tin hộ kinh doanh… Hộ kinh doanh có thể tự khai, tự tính thuế và nộp thuế bằng hình thức nộp thuế điện tử. Việc kê khai thuế được thực hiện 1 lần/năm; thuế được tính tách bạch giữa doanh thu khoán và doanh thu bán hàng hóa dịch vụ. Đối với các hộ gia đình kinh doanh có sử dụng 10 lao động thường xuyên trở lên, được yêu cầu đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Cùng với các giải pháp trên, ngành Thuế sẽ kết hợp với việc tăng cường sự giám sát, kiểm tra, thanh tra của cơ quan thuế,  thực hiện công khai thông tin hộ khoán hằng năm, cập nhật sự thay đổi hằng tháng; công khai đường dây nóng nhận phản ánh của người dân…       

Huy Thắng