In bài viết

Giải pháp kinh tế để quản thuê bao trả trước

(Chinhphu.vn) - Sau khi Cổng TTĐT Chính phủ phản ánh ý kiến của nhiều người dân đồng tình với cách tính phí hòa mạng di động trả trước, ông Nguyễn Xuân Trụ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (đơn vị soạn thảo Thông tư liên quan đến vấn đề này) đã chia sẻ thêm về giải pháp kinh tế để quản thuê bao trả trước, trong bối cảnh SIM rác đang được sử dụng t

16/08/2012 10:39

Ông Nguyễn Xuân Trụ tin rằng việc quản lý thuê bao di động trả trước sẽ nâng cao hiệu quả. Ảnh VGP

Ông Nguyễn Xuân Trụ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tại dự thảo Thông tư quy định giá cước sử dụng dịch vụ thông tin di động mặt đất đang được xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã dự kiến mức phí hòa mạng thuê bao di động tối thiểu là 25.000 đồng/lần hòa mạng; cước mua sim tối thiểu là 15.000 đồng/1 chiếc.

Đồng thời, dự thảo yêu cầu việc hòa mạng thuê bao di động chỉ được thực hiện tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng có người phục vụ của doanh nghiệp viễn thông và các điểm đăng ký thông tin thuê bao được doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động ký hợp đồng ủy quyền...

Ông Trụ cho biết, để quản lý thuê bao di động trả trước, Bộ đã thực hiện nhiều giải pháp cả về thể chế, hành chính, kỹ thuật, tuyên truyền. Và thông tư này sau khi được ban hành sẽ bổ sung thêm giải pháp về kinh tế để quản lý chặt chẽ thuê bao di động trả trước.

Ông Trụ thừa nhận, việc quản lý thuê bao điện thoại di động trả trước không tốt sẽ gây ra nhiều phiền toái cho khách hàng, như tình trạng gửi tin nhắn có nội dung không lành mạnh, tin nhắn quảng cáo hoặc gọi điện quấy nhiễu, làm phiền thuê bao khác diễn ra phổ biến.

Bên cạnh đó, do doanh nghiệp đua nhau giảm giá dịch vụ và khuyến mại tặng tiền vào tài khoản, dẫn đến số tiền người tiêu dùng phải bỏ ra để sở hữu 1 SIM rác chưa bằng cước hòa mạng trả sau, nên đã lựa chọn hình thức mua SIM mới dùng 1 lần, gây lãng phí tài nguyên kho số.

"Các doanh nghiệp đã phải đề nghị cấp bổ sung thêm 2-3 đầu số mới do cháy kho số cũng là vì lý do đó", ông Trụ cho biết.

Thuê bao trả trước phải đăng ký và nộp cước hòa mạng.

Trong khi, theo thông lệ quốc tế, việc quản lý 1 chiếc SIM điện thoại di động trả trước cũng như trả sau không có sự khác biệt cả về giá thành sản xuất, cước hòa mạng, cung cấp dịch vụ, quản lý thuê bao. Giữa thuê bao trả trước và trả sau chỉ khác nhau về cách trả tiền.

Nhưng thực tế ở ta thời gian qua, người tiêu dùng chỉ bỏ tiền mua 1 SIM điện thoại, trong đó có sẵn tài khoản. Số tiền này chưa được tách bạch rõ ràng giữa tiền mua SIM với tiền cước hòa mạng và cước sử dụng dịch vụ.

Do vậy, với việc cần phải tách bạch rõ giữa cước hòa mạng, tiền SIM, thủ tục đăng ký thuê bao được đề ra trong dự thảo thông tư mới.

Ông Trụ tin rằng bằng quy định mới, người tiêu dùng sẽ không lựa chọn giải pháp mất thời gian mua SIM mới, đăng ký và trả tiền hòa mạng, mà sẽ có xu hướng giữ nguyên số liên lạc, trả cước sử dụng bằng thẻ cào. Qua đó, vừa quản lý chặt được thuê bao trả trước, vừa tiết kiệm được kho số.

Ông Trụ cho biết thêm, khi xây dựng dự thảo quy định mới này, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ di động đã được mời tham gia bàn thảo, góp ý hoàn thiện dự thảo Thông tư trước khi lấy ý kiến nhân dân, nhìn chung doanh nghiệp đồng tình với những giải pháp dự thảo đưa ra.

Dự kiến Thông tư này sẽ được ban hành vào tháng 9 và có hiệu lực vào khoảng giữa tháng 11/2012.

Còn đối với những băn khoăn về việc những thuê bao trả trước đang hoạt động có phải đăng ký lại không, ông Trụ cho biết, dự thảo không quy định về vấn đề này, nên các thuê bao đã hòa mạng từ trước khi thông tư được ban hành và có hiệu lực thì vẫn được sử dụng bình thường. Nhưng dự thảo nêu rõ: Nếu sau thời gian 3 tháng kể từ ngày người sử dụng dịch vụ thực hiện giao kết hợp đồng hòa mạng với doanh nghiệp di động, mà số thuê bao đã được hòa mạng không có cước thuê bao và không phát sinh lưu lượng đi hoặc đến thì giao kết hợp đồng sẽ chấm dứt.

Mong rằng với những giải pháp trên, việc quản lý thuê bao di động trả trước sẽ đạt hiệu quả hơn, góp phần giải quyết cơ bản vấn nạn SIM rác đang hoạt động tràn lan gây bức xúc cho người dân như hiện nay.

Đức Mạnh - Trần Thơm thực hiện

Tin liên quan:

> Phí hòa mạng di động tối thiểu 25.000 đồng

> Phí hòa mạng di động trả trước có giúp giải quyết SIM rác?

> Thông cáo báo chí: Về việc ban hành Thông tư quy định về quản lý thuê bao di động trả trước