In bài viết

Giải pháp lâu bền cho người nhiễm HIV

(Chinhphu.vn) - Trước thực tế nguồn tài trợ điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV từ các tổ chức thế giới sẽ dần cắt giảm trong thời gian tới, bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ là giải pháp lâu bền, hiệu quả, hợp lý, giúp giảm áp lực kinh tế cho người bệnh tham gia điều trị.

09/12/2015 09:00

Hiện cả nước có hơn 98.000 người nhiễm HIV (chiếm hơn 40% số người nhiễm HIV) đang được điều trị miễn phí thuốc ARV (loại thuốc nhằm làm giảm sự sinh sôi nảy nở của HIV trong cơ thể, làm chậm sự tiến triển hoàn toàn của AIDS trong nhiều năm, làm giảm nguy cơ lây truyền và làm tăng chất lượng sống của người nhiễm HIV/AIDS).

Mỗi năm, số tiền chi trả cho thuốc khoảng 420 tỉ đồng. Hằng năm, ngân sách Nhà nước chi trả khoảng 20 tỉ đồng cho thuốc ARV, số còn lại được các tổ chức nước ngoài tài trợ. Trong năm 2015, nguồn ngân sách chi cho loại thuốc này đã tăng lên 60 tỉ đồng.

Mặt khác, theo lộ trình, từ tháng 3/2016, nhà tài trợ sẽ không tiếp nhận bệnh nhân mắc HIV mới trong khi mỗi năm Việt Nam có khoảng từ 800 đến 1000 bệnh nhân nhiễm mới cần điều trị. Khoản viện trợ này thậm chí sẽ chấm dứt hoàn toàn vào năm 2017. Khi đó, người bệnh sẽ phải tự chi trả nếu không tham gia BHYT.

Theo các phác đồ điều trị áp dụng cho người nhiễm HIV, tiền thuốc là khoảng 180.000-1.400.000 đồng/tháng/người. Đối với phác đồ bậc 2, tiền thuốc thấp nhất vào khoảng 1,8 triệu đồng/tháng/người. Như vậy, có thể dễ dàng nhận thấy nếu không tham gia BHYT, người nhiễm HIV sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Việc không thể tiếp tục tham gia điều trị không chỉ gây nguy hại cho sức khỏe của người nhiễm HIV mà còn là nguồn nguy cơ lây nhiễm cao cho cộng đồng.

Cuối tháng 6 vừa qua, Bộ Y tế đã hướng dẫn thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với người nhiễm HIV và người sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS. Trong đó quy định thuốc ARV và một số dịch vụ khám, chữa bệnh đối với bệnh nhân HIV/AIDS sẽ được BHYT chi trả.

Tuy các cơ sở điều trị đã tích cực vận động người nhiễm HIV tham gia BHYT, nhưng kết quả đạt được vấn còn thấp bởi nhiều người bệnh vẫn có tâm lý trông chờ, bởi đã quen với việc được xét nghiệm, cấp thuốc và cả điều trị dự phòng bệnh nhiễm trùng cơ hội miễn phí.

Một số chuyên gia cho rằng, người nhiễm HIV cần chủ động tìm hiểu về mức đóng BHYT cũng như quyền lợi được hưởng. Hơn nữa, hiện nay không nhất thiết phải mua BHYT theo hộ gia đình nên tùy theo khả năng, có thể mua cho người nhiễm HIV trước. Điều này sẽ giúp người nhiễm HIV được điều trị liên tục, bền vững.

Ông Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, tính đến nay mới có khoảng 30% bệnh nhân HIV tham gia BHYT khiến các cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS rất lo lắng khi không còn nguồn thuốc miễn phí nữa, người bệnh không có thẻ BHYT sẽ bỏ điều trị vì không có khả năng chi trả. Đây không chỉ gây nguy hại cho sức khỏe của người có HIV mà còn là nguồn nguy cơ lây nhiễm cao cho cộng đồng.

Để phấn đấu đạt mục tiêu 80% người có HIV tham gia BHYT vào năm 2020, ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) được báo chí dẫn lời cho biết sẽ báo cáo và đề xuất phương án hỗ trợ người có HIV tham gia BHYT. Cũng theo ông Long, bên cạnh BHYT, cần có những chính sách khuyến khích tạo việc làm cho bệnh nhân HIV để bảo đảm cuộc sống, duy trì điều trị.

T. Minh (tổng hợp)