In bài viết

Giải pháp nào cải thiện môi trường các làng nghề ở Bắc Giang

Dù Bắc Giang đã nỗ lực đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ môi trường nói chung và môi trường làng nghề nói riêng, nhưng hiệu quả vẫn chưa cao do chính quyền gặp khó, người dân mải chạy theo lợi nhuận kinh tế.

23/11/2011 14:25
Nhiều yếu kém trong công tác bảo vệ môi trường
Thống kê đến nay cho thấy, hoạt động sản xuất của các làng nghề đã tạo ra được sự phát triển tích cực, đóng góp một phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nhiều địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, bộ mặt nông thôn và đô thị được đổi mới… Tuy nhiên, hiện trạng chung của làng nghề hiện nay là phát triển tự phát, không được quy hoạch, đã và đang bộc lộ nhiều yếu kém trong công tác bảo vệ môi trường, tình trạng ô nhiễm môi trường có chiều hướng gia tăng.
Ông Trương Công Đại, Chi cục trưởng Chi cục Môi trường tỉnh Bắc Giang cho biết: Toàn tỉnh hiện có 33 làng nghề, trong đó 14 làng nghề truyền thống và 19 làng nghề đã được UBND tỉnh Quyết định công nhận. Do lịch sử để lại, các làng nghề đều phát triển tự phát, không được quy hoạch nên bộc lộ nhiều yếu kém trong công tác bảo vệ môi trường. Tình trạng ô nhiễm môi trường có chiều hướng gia tăng. Một số nơi tình trạng ô nhiễm đã trở nên nghiêm trọng như: Làng nghề nấu rượu Vân Hà, làng nghề mổ trâu bò Phúc Lâm…
Bà Nguyễn Hoàng Ánh - Cục Kiểm soát ô nhiễm - Tổng Cục Môi trường, một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay là do người dân chưa có ý thức trong việc bảo vệ môi trường. Họ coi việc xử lý ô nhiễm là công việc của chính quyền mà không phải là công việc của các hộ gia đình. Cũng theo bà Ánh, đối với hệ thống pháp luật, chính sách bảo vệ môi trường làng nghề hiện nay đã tương đối đầy đủ, tuy nhiên việc áp dụng cho các loại hình đối tượng khác nhau vẫn chưa rõ ràng. Hiện nay có 23 quy chuẩn quốc gia được xây dựng và ban hành, không thực sự khả thi đối với cơ sở sản xuất làng nghề. Bên cạnh đó, hiện nay vẫn còn nhiều địa phương còn quá coi trọng phát triển kinh tế đã bỏ qua nhiều trách nhiệm về bảo vệ môi trường.
Theo ông Lưu Duy Dần - Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, trong các làng nghề, tỷ lệ người mắc bệnh và triệu chứng bệnh cao nhất là: Tai mũi họng, mắt, da liễu, ung thư… Tác hại do môi trường ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân trong làng nghề ngày càng có xu hướng tăng, tuổi thọ trung bình của người dân trong làng nghề ngày càng có xu hướng giảm (thấp hơn 10 năm so với trung bình cả nước). Ảnh hưởng và tác hại của ô nhiễm môi trường thật sự đang rất đáng lo ngại.
Xử lý ô nhiễm vượt ngoài khả năng của địa phương
Tại các buổi khảo sát thực tế làng nghề như: Các làng nghề nung vôi (xã Hương Vỹ - huyện Yên Thế), làng nghề nấu rượu Vân (xã Vân Hà - huyện Việt Yên) và làng nghề làm bún xã Khắc Niệm, tỉnh Bắc Ninh cho thấy, hiện trạng ô nhiễm làng nghề hiện nay đang là vấn đề hết sức nan giải. Lãnh đạo các địa phương cho biết, đối với vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề hiện nay vượt ngoài khả năng của địa phương. Việc di chuyển quy hoạch thành các khu sản xuất tập trung ở các làng nghề được tính tới nhưng không có tính khả thi.
Từ thực trạng đó, các nhà khoa học đề nghị việc xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề hiện nay cần phải tiến hành đồng bộ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, Bộ, ngành. Việc khắc phục ô nhiễm làng nghề cần có sự tham gia đồng bộ của các tổ chức, đoàn thể và các tổ chức nghề nghiệp…
Trước những tồn tại về ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang đã đưa ra những kiến nghị với các Bộ, ngành Trung ương. Cụ thể là: "Nhà nước cần hỗ trợ những địa phương còn khó khăn như Bắc Giang trong việc quy hoạch làng nghề; hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý rác thải, nước thải". Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang, tỉnh đã đưa ra hai phương án giải quyết ô nhiễm do làng nghề gây ra đó là xây dựng cụm làng nghề tập trung, tạo thuận lợi cho việc quản lý, thu gom, xử lý chất thải, vừa đảm bảo được yêu cầu phát triển bền vững. Tuy nhiên, phương án này đòi hỏi kinh phí đầu tư rất lớn. Giải pháp đầu tư xử lý chất thải ngay tại hộ gia đình cũng được đề xuất nhưng vẫn cần hỗ trợ kinh phí của Nhà nước dù theo quy định, các hộ gia đình phải tự đầu tư xử lý chất thải. Trước mắt, tỉnh sẽ tạo được sự chuyển biến tích cực thực sự về ý thức trách nhiệm của mỗi hộ làm nghề thông qua truyền thông. Riêng 2 làng nghề bị liệt vào danh sách theo Quyết định 64, tỉnh kiến nghị các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải hoàn thành trước năm 2013.
Thu Vân (tổng hợp)