Cứ đến mùa hè, đảo Lý Sơn lại rơi vào tình trạng thiếu nước ngọt để tưới tiêu, sinh hoạt, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân nơi đây.
Ông Nguyễn Văn Định, sinh sống ở xã An Hải, huyện Lý Sơn cho hay, người dân trên đảo chủ yếu sống bằng nghề trồng trồng hành, tỏi… nên cần lượng nước ngọt lớn để tưới tiêu. Tuy nhiên, việc đào nhiều giếng để khai thác nước ngọt khiến mạch nước ngầm suy kiệt.
Trên cánh đồng đầu hè nắng gắt, bà Phạm Thị Trường cùng với nhiều nông dân sống trên đảo chật vật tìm nguồn nước tưới cho cây trồng.
"Lo ngại thiếu nước cho sản xuất, tôi đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây hành sang trồng bắp để tiết kiệm nước khi vào mùa hè, thế nhưng, nước cũng không đủ để duy trì cho cây phát triển. Một số người dân không có giếng thì phải đi nhờ nước từ các giếng của các hộ lân cận, trung bình họ phải trả khoảng 120.000 đồng/giờ để chạy nước tưới cho đồng ruộng", bà Trường cho hay.
Theo UBND huyện Lý Sơn, tình trạng nước nhiễm mặn đã lan rộng toàn đảo Lý Sơn khiến 325 ha diện tích đất nông nghiệp và hơn 22.000 dân trên đảo phải chịu cảnh "khát" nước ngọt.
Bên cạnh đó, việc hàng năm Lý Sơn đón khoảng 165.000-230.000 khách, cao điểm những ngày cuối tuần có khoảng 1.100-1.300 khách cũng là nguyên nhân gây áp lực rất lớn cho mạch nước ngầm.
Toàn huyện có 1 hồ chứa nước Thới Lới, 2 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Năm 2014 chỉ có 546 giếng, thì nay đã lên tới 2.149 giếng; số lượng giếng nước càng tăng thì đảo Lý Sơn lại càng khát.
Năm 2016, tỉnh Quảng Ngãi cấm đào, khoan giếng mới để bảo vệ túi nước ngọt trên đảo Lý Sơn, nhưng tình trạng khoan giếng trái phép vẫn còn tái diễn. Hằng năm, chính quyền địa phương phát hiện, xử phạt nhiều trường hợp lén lút khoan giếng lấy nước trồng hành, tỏi.
Tìm giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nước
Theo tính toán của ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi, với hơn 10 km2 diện tích lưu vực, ước tổng lượng nước mưa trên đảo khoảng 9 triệu m3/năm. Nếu trừ lượng nước thấm vào đất và bốc hơi, lượng nước mưa còn lại khoảng 3 triệu m3 chảy tràn ra bề mặt, sau đó đổ ra biển.
Để tận dụng nguồn nước mưa phục vụ sản xuất và nước sinh hoạt, ngành NN&PTNT đang lập phương án xây dựng hệ thống kênh mương và các bể chứa tập trung cho huyện đảo.
Ông Võ Quốc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho hay, Sở đã phối hợp với chính quyền địa phương đi thực tế khảo sát thực trạng thiếu nước sinh hoạt trên đảo Lý Sơn và tìm giải pháp để khắc phục. Sau khảo sát, sẽ cùng các đơn vị liên quan hoàn chỉnh báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét chủ trương.
Theo phương án này, để tận dụng nguồn nước mưa phục vụ nông nghiệp, ngành sẽ dựa vào địa hình có độ dốc tại huyện đảo để tạo các rãnh dẫn nước về những bể ở vị trí thấp nhấp, từ các bể đó sẽ xử lý và phục vụ lại nhu cầu của người dân và trong sản xuất.
Theo tính toán của nghành nông nghiệp, với hệ thống kênh mương xung quanh đảo và bể trữ tập trung, dự án sẽ thu gom khoảng 1 triệu m3 nước mưa, trong đó 600.000 m3 dùng cho nông nghiệp và phát triển thủy sản, số còn lại dùng cho sinh hoạt và phát triển dịch vụ, du lịch… góp phần bù đắp nguồn nước còn thiếu trên địa bàn.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cũng đã đi kiểm tra dự án hệ thống trữ nước sinh hoạt kết hợp tưới tiết kiệm cho nông nghiệp đảo Lý Sơn có mức đầu tư 75 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 45 tỷ đồng. Dự án triển khai từ năm 2017 đến tháng 4/2020 đạt khoảng 21% khối lượng.
Hiện dự án đang tạm dừng thi công. Nguyên nhân do bể chứa nước 2A tại chân núi Giếng Tiền, nằm trong khu vực bảo vệ của di tích thắng cảnh núi Giếng Tiền. Hiện huyện Lý Sơn đang chờ phê duyệt đồ án quy hoạch để tiến hành làm các bước điều chỉnh dự án.
Qua kiểm tra, ông Đặng Văn Minh yêu cầu địa phương phải có báo cáo tổng thể, toàn diện và làm rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan trước ngày 30/5. Đồng thời, giao Sở KH&ĐT phối hợp với các sở, ngành rà soát, tham mưu UBND tỉnh để giải quyết vướng mắc của dự án theo hướng kết thúc hoặc điều chỉnh thời gian và mục tiêu thực hiện dự án này.
Huyện đảo Lý Sơn được hình thành từ quá trình phun trào của núi lửa hàng triệu năm trước, phần lớn diện tích là đồi núi. Hàng trăm năm trước, những cư dân trên đảo đã dò tìm mạch nước, đào giếng bên bờ biển.
Từ những miệng giếng đầu tiên phục vụ sinh hoạt, giếng nước xuất hiện càng lúc càng nhiều để phục vụ sản xuất.
Lưu Hương