In bài viết

Giải pháp nào khi nông dân góp 95% chuỗi giá trị cà phê?

(Chinhphu.vn) – Số liệu thực tế cho thấy nông dân đóng góp rất nhiều vào chuỗi giá trị gia tăng ngành cà phê, chiếm tới 94,75%, tiếp đó là doanh nghiệp chiếm 3,94% và người thu mua chiếm 1,31%. Điều này cho thấy chế biến và phân phối vẫn là khâu rất yếu trong chuỗi giá trị cà phê.

09/12/2015 08:53
Nhằm xác định cấu trúc chuỗi giá trị mặt hàng cà phê Việt Nam, đánh giá cách thức tổ chức vận hành thị trường, tình hình thực tế về sản xuất, tiêu thụ và cạnh tranh của mặt hàng cà phê của Việt Nam, từ đó đề xuất một số giải pháp nâng cao chuỗi giá trị cà phê, tác giả bài viết dưới đây đã tiến hành nghiên cứu tổng quan về tình hình sản xuất, sơ chế và tiêu thụ cà phê tại huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai năm 2015. Xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết về vấn đề này.

Thông qua mẫu điều tra của 326 nông hộ trồng cà phê (với hai nhóm khảo sát là nhóm trồng mới và nhóm cho thu nhập ổn định), 8 hộ thu mua, 2 doanh nghiệp thu mua xuất khẩu cho kết quả như sau:

Bảng 1: Diện tích trồng cà phê của nông hộ

Diện tích/hộ

Số hộ

Tỉ lệ %

Dưới 1ha

158

48,47

Từ 1ha đến 3ha

93

28,53

Từ 3ha đến 5ha

47

14,42

Từ 5ha trở lên

28

8,58

Tổng cộng

326

100%

Dựa vào bảng số liệu trên, ta thấy diện tích cà phê của nông hộ chủ yếu là dưới 1ha, chiếm 48,47%, cho thấy sự manh mún trong sản xuất. Diện tích từ 3ha đến 5ha thì chỉ chiếm 14,42% trong tổng mẫu điều tra.

Bảng 2: Nguồn gốc cây giống cà phê

Nguồn gốc giống

Số hộ

Tỉ lệ %

Tự nhân giống

137

42,02

Mua từ nông dân khác

62

19,02

Mua từ cơ sở tư nhân

67

20,56

Mua từ cơ sở ngành nông nghiệp

36

11,04

Từ nguồn khác

24

7,36

Tổng cộng

326

100%

Nguồn gốc giống cây trồng chủ yếu là do người dân tự nhân giống, chiếm 42,02%, một con số khá cao, khiến cây giống ngày càng bị thoái hóa dẫn đến năng suất và khả năng chống chịu sâu bệnh giảm sút. Trong khi lượng cây giống mua từ các cơ sở ngành nông nghiệp chỉ khoảng 7,36%.

Bảng 3: Doanh thu, chi phí, lợi nhuận giai đoạn trồng mới/ha

Đvt: VND

Khoản mục

ĐVT

Thành tiền

Tỉ lệ %

Giống

Cây

7.000.000

4,74

Phân bón

Kg

53.000.000

35,86

Thuốc bảo vệ thực vật

Chai

3.260.000

2,2

Tổng chi phí khấu hao

 

4.000.000

2,71

Công lao động

Ngày công

49.500.000

33,5

Chi phí khác

 

31.000.000

20,9

Tổng cộng chi phí

 

147.760.000

100%

Thực trạng nghiên cứu cho thấy việc trồng mới cà phê tại huyện Chư Prông đều không cho thu nhập vào những năm kiến thiết cơ bản. Qua điều tra nông hộ thì đa số những hộ trồng mới đều có diện tích cà phê trước đó (khoảng 2 ha) và diện tích trồng mới là trồng thêm. Bên cạnh đó cũng có một số hộ tái canh cho vườn cà phê già cỗi, họ cũng không chú trọng lắm đến việc trồng xen kẽ các cây khác trong vườn cà phê.

Việc đầu tư trồng mới cũng tốn khá nhiều vốn ban đầu cho 4 năm, trung bình đầu tư cho 1 ha cà phê có số vốn lên tới khoảng 147tr. Trong đó tiền phân bón và công lao động chiếm tỉ lệ cao nhất, 35,86% và 33,5%.

Bảng 4: Doanh thu, chi phí, lợi nhuận trong giai đoạn cho thu nhập/ha

Đvt: VND

Khoản mục

Giá trị

% trong TR

% trong IC,VA

Doanh thu(TR)

117.860.000

100

 

Chi phí trung gian(IC)

30.340.000

25,80%

100

-Phân bón

26.400.000

 

87,02

-Thuốc BVTV

940.000

 

3,10

-Vật tư khác

1.000.000

 

3,29

- Nhiên liệu, điện

2.000.000

 

6,59

Giá trị gia tăng(VA)

87.520.000

74,20%

100

-Công lao động

40.000.000

 

45,70

-Lãi vay

3.000.000

 

3,43

Lãi gộp(Pr)

44.520.000

 

50,87

-Chi phí duy tu máy móc

1.000.000

 

 

-Chi phí khấu hao

4.000.000

 

 

Lãi ròng(NPr)

39.520.000

33,48%

 

Việc canh tác cà phê của nông hộ trong những năm gần đây diễn ra khá phổ biến, nông dân đã chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất vì vậy năng suất khá ổn định trung bình khoảng 30.5 tạ/ha. Bên cạnh những thành tựu đạt được thì cũng có nhiều khó khăn trong quá trình đầu tư, cụ thể chi phí tăng cao khiến lợi nhuận của người nông dân giảm xuống. Doanh thu cho 1ha cà phê kinh doanh là rất cao, vào khoảng 117.860.000/ha, tuy nhiên sau khi trừ đi chi phí đầu tư thì lợi nhuận ròng chỉ còn khoảng 39.520.000/ha. Chi phí là quá cao, nhất là phần phân bón chiếm 87,02% trong chi phí trung gian. Một thực tế đáng chú ý là nạn phân bón giả gây thiệt hại rất lớn cho người nông dân.

Bảng 5: Doanh thu, chi phí, lợi nhuận của người thu mua tính cho 1 tấn

      Đvt: VND

Khoản mục

Giá trị

% trong TR

% trong IC, VA

Doanh thu (TR)

39.500.000

100

 

Chi phí trung gian(IC)

39.100.000

98,98

100

-Mua cà phê

39.000.000

 

99,74

-Chi phí vận chuyển

100.000

 

0,26

Giá trị gia tăng (VA)

400.000

1,02

100

-Bốc xếp

20.000

 

5,0

-Bao bì

200.000

 

50,0

-Chi phí liên lạc

10.000

 

2,5

-Chi phí khác

10.000

 

2,5

Lãi gộp

160.000

 

40,0

Khấu hoa máy móc

10.000

 

 

Lãi ròng

150.000

0,38

 

Người thu mua được ăn chênh lệch giá từ khi mua hàng từ nông dân đến khi giao cho doanh nghiệp thu mua với lãi ròng khoảng 150.000/tấn. Vấn đề ở đây là nhu cầu về vốn để mua hàng.

Bảng 6: Doanh thu, chi phí, lợi nhuận của doanh nghiệp tính cho 1 tấn

 Đvt: VND

Khoản mục

Giá trị

% trong TR

% trong IC, VA

Doanh thu (TR)

41.000.000

100

 

Chi phí trung gian (IC)

39.800.000

96,83

100

-Mua cà phê

39.500.000

 

99,25

-Chi phí vận chuyển

200.000

 

0,50

-Chi phí bảo quản

100.000

 

0,25

Giá trị gia tăng (VA)

1.200.000

3,17

100

-Bốc xếp

20.000

 

1,67

-Bao bì

40.000

 

3,33

-Chi phí liên lạc

20.000

 

1,67

Chi phí khác

500.000

 

41,66

Lãi gộp

620.000

 

51,67

-Khấu hao máy móc

20.000

 

 

Lãi ròng

600.000

1,46

 

Bảng 7: Phân phối lợi ích giữa các nhóm tác nhân tính cho 1 tấn

   Đvt: VND

Tác nhân

Giá trị gia tăng

% Giá trị gia tăng

Lãi ròng

% Lãi ròng

Giá bán

Nông dân

28.887.000

94,75

13.173.000

94,61

39.000.000

Thu Mua

400.000

1,31

150.000

1,08

39.500.000

Doanh nghiệp

1.200.000

3,94

600.000

4,31

41.000.000

Tổng cộng

30.487.000

100

13.923.000

100

 

Qua bảng số liệu cho thấy nông dân đóng góp vào giá trị gia tăng là rất cao chiếm 94,75%, tiếp đó là doanh nghiệp chiếm 3,94% và người thu mua chiếm 1,31%.

Kết luận

Trong những năm gần đây, diện tích cà phê đã vượt quá quy hoạch, trong khi chất lượng cà phê lại chưa bảo đảm. Do chủ yếu được sản xuất theo phương thức truyền thống tại nông hộ nên việc tiếp cận với các thị trường có yêu cầu cao về chất lượng, giá bán cao và bền vững là rất khó. Đa phần diện tích cà phê người dân khai thác nhiều năm đã trở nên già cỗi, năng suất và sản lượng giảm mạnh. Trong khi các nước trực tiếp cạnh tranh với chúng ta thì lại đầu tư rất bài bản và có quy trình kỹ thuật vào tất cả các khâu từ sản xuất, sơ chế cho đến tiêu thụ.

Dựa vào kinh nghiệm của một số nước về nâng cao chuỗi giá trị như Ethiopia, Colombia, Nhật Bản thì giải pháp tối ưu nhất cho việc nâng cao chuỗi giá trị và mang lại lợi ích cho các khâu từ sản xuất sơ chế cho đến tiêu thụ sản phẩm trong chuỗi là mô hình liên minh hợp tác xã nông nghiệp. Dựa vào các kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất một số giải pháp nâng cao chuỗi giá trị cà phê cho Việt Nam như sau:

Thứ nhất: Xây dựng mô hình tổ hợp sản xuất, ổn định diện tích cà phê.

Bước đầu tiên cho giải pháp này là xây dựng được mô hình liên kết sản xuất cho các nông hộ, thành lập được các hợp tác xã chuyên canh về cây cà phê, vận động người trồng cà phê tham gia vào hợp tác xã đó và cam kết tạo ra giá trị tăng thêm cho cà phê của họ làm ra. Từ đó đưa các mô hình sản xuất bền vững cho cây cà phê như chứng chỉ 4C, VietGap, UTZ… mà các nước đã và đang được áp dụng.

Bước thứ hai, khi đã thành lập được các Hợp tác xã chuyên canh cây cà phê và các hộ nông dân tham gia vào thì từng bước áp dụng các quy chuẩn, áp dụng khoa học kỹ thuật, thành lập được tổ kỹ thuật có trách nhiệm tham gia tập huấn cũng như hướng dẫn nông dân theo quy trình. Việc nông dân sản xuất cà phê nhỏ lẻ và ít áp dụng kỹ thuật vào sản xuất gây thiệt hại về mặt năng suất cũng như tuổi đời của cây cà phê.

Bước cuối cùng là ổn định diện tích trồng cà phê trên mỗi nông hộ, để việc chăm sóc và thu hoạch được diễn ra một cách tốt nhất mang lại hiệu quả cao nhất cho các tác nhân tham gia vào chuỗi giá trị. Chỉ nên mở rộng diện tích khi nhu cầu thị trường tăng và thực hiện việc tái canh khi vườn cà phê già cỗi cho năng suất thấp.

Thứ hai: Cải tiến thương mại và xuất khẩu.

Kiểm soát đầu mối sản xuất cà phê, nhất là doanh nghiệp nhỏ ít vốn, thiếu kinh nghiệm xuất khẩu, không có nhà máy chế biến và kho chứa đủ lớn, thiếu thông tin về ngành cà phê.

Hỗ trợ các doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu cà phê, đào tạo cán bộ có nghiệp vụ chuyên môn giỏi, ngoại ngữ thành thạo, hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, xây dựng website cho doanh nghiệp, làm việc trực tiếp với các nhà rang xay trong nước và trên thế giới.

Khuyến khích các công ty xuất khẩu đầu tư liên kết với các nông hộ trồng cà phê, lập đại lý thu mua, nâng cấp hệ thống kho bãi, nhà máy chế biến cà phê nhân xô hiện đại đạt chất lượng để xuất khẩu trực tiếp với các nhà rang xay quốc tế.

Thứ ba: Dự báo thị trường, chỉ dẫn địa lý cho cà phê Việt Nam.

Công tác dự báo thịtrường là một trong những nghiệp vụ rất khó, đòi hỏi mỗi cá nhân hay tổ chức không những phải có hiểu biết sâu rộng về ngành đang nghiên cứu, mà còn am hiểu những ngành khác để cho ra một dự báo mang tính gần đúng nhất của thị trường.

Thứ tư: Cải tiến kỹ thuật công nghệ, đào tạo nhân lực cho ngành cà phê

Áp dụng tiến bộ kỹ thuật là then chốt

Trong nghề trồng cà phê, vấn đề tạo hình được xem như một biện pháp kỹ thuật bắt buộc với mục đích tạo cho cây cà phê có bộ tán cân đối, khai thác triệt để không gian riêng có của mỗi cây, tạo sự cân bằng giữa sinh trưởng, ra hoa và đậu quả, đồng thời, ổn định được sản lượng của vườn cây. 

Áp dụng tạo hình đơn thân, cây được hãm ngọn. Khi được tạo hình đơn thân, cây cà phê được hãm ngọn ở độ cao khoảng 1.5 mét, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc, cắt cành, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch.

Giống luôn là yếu tố kỹ thuật quan trọng hàng đầu, tạo ra bước đột phá trong việc tăng năng suất, phẩm chất cây trồng cũng như các đặc tính chống chịu sâu bệnh. Từ năm 2000 trở về trước, hầu hết diện tích cà phê của Việt Nam đều trồng bằng hạt, trong đó, phần lớn là người nông dân tự chọn giống là chính. Do trồng bằng hạt không qua quy trình chọn lọc, tỷ lệ cây cho năng suất thấp, hạt bé, bị nhiễm bệnh gỉ sắt trong vườn khá cao, trung bình từ 5% đến 10%.

Những năm gần đây, Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên đã lai tạo, tuyển chọn thành công 16 giống cà phê mới phục vụ tốt yêu cầu phát triển cà phê bền vững. Các giống cà phê mới này không những cho năng suất cao, đạt từ 4,5 đến 7 tấn cà phê nhân/ha, kháng cao với bệnh gỉ sắt, mà còn có kích cỡ hạt được cải thiện​. Khuyến cáo, hướng dẫn cho các nông hộ, các doanh nghiệp kỹ thuật bón phân cân đối dựa vào độ phì của đất và năng suất cây trồng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm chi phí phân bón.

Tưới nước đã trở thành biện pháp mang tính quyết định đến năng suất cà phê ở Tây Nguyên và các nông hộ có khuynh hướng sử dụng lượng nước tưới quá cao so với nhu cầu của cây cà phê. Qua các nghiên cứu, khuyến cáo các nông hộ, các doanh nghiệp chỉ cần tưới 390 lít nước/gốc, với chu kỳ 22 đến 24 ngày/lần tưới. Nếu chu kỳ tưới là 30 ngày, lượng nước tưới tương đương 530 lít/gốc vẫn đạt năng suất bình quân 3,5 tấn cà phê nhân/ha, giảm gần 50% lượng nước tưới so với trước đây.

Nhân rộng việc sản xuất cà phê có chứng nhận, xác nhận như 4C, UTZ Certified, Liên minh rừng mưa (Rainforest Alliance Certified) đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm cà phê nhân, đồng thời thu hoạch tỉ lệ quả chín phải đạt từ 90% trở lên, chế biến theo đúng quy trình để góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê nhân của Việt Nam.

Trồng tái canh cơ hội chuyển đổi giống cà phê mới 

Theo Đề án tái canh cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên, giai đoạn 2014-2020 là khoảng 120.000ha, trong đó, trồng tái canh 90.000ha và ghép cải tạo 30.000ha.

Theo quy trình tái canh cà phê vối, khuyến cáo các nông hộ, doanh nghiệp thực hiện các giải pháp kỹ thuật nghiêm ngặt từ khâu chặt bỏ cà phê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh đến khâu khai hoang, rà rễ, thu gom rễ nhằm loại bỏ nguồn dịch hại trên đồng ruộng, luân canh với các loại cây trồng khác ít nhất 2 năm sau khi nhổ bỏ vườn cà phê già cỗi, sử dụng các giống mới cà phê đã được công nhận để đưa vào trồng. 

Đỗ Đức Yên

Tài liệu tham khảo

1.     Sở Khoa Học và Công Nghệ Kon Tum (2014), Nghiên cứu chuỗi giá trị cà phê của huyện Đăk Hà, Kon Tum.

2.     Onyas W.I., (2012), An analysis of Coffee Global Value Chains , Lancaster University, United Kingdom.

3.     IFAD and the coffee value chain (2014), Small-scale producers in the development of coffee value-chain partnerships,  IFDA International Fund for Agricultural Development, Rome- Italy.

4.     Kaplinsky, R., (2000). “Globalisation and Unequalisation: What can be learned from Value Chain Analysis?”, in Journal of Development Studies, 37(2): 117-46.

5.     Neilson.J., (2008), Global Private Regulation and Value-Chain Restructuringin Indonesian, University of  Sydney, Australia.