In bài viết

Giải pháp phát huy tiềm năng, lợi thế Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ

(Chinhphu.vn) - Ngày 5/2, tại Bình Định, Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được tổ chức.

05/02/2023 16:08
Giải pháp phát huy tiềm năng, lợi thế vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ  - Ảnh 1.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cho rằng miền Trung cần phát huy tối đa lợi thế để phát triển kinh tế biển - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu tại Hội nghị này, lãnh đạo một số địa phương đã nêu một số giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.

Phát huy tối đa lợi thế từ mặt tiền biển

Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho rằng Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ có nhiều thuận lợi, tiềm năng, lợi thế lớn, là cửa ngõ ra biển, là khu vực có bờ biển dài và đẹp nhất Việt Nam với hệ sinh thái biển đa dạng, phong phú, giá trị kinh tế cao.

Để đưa toàn Vùng phát triển, ông Hồ Quốc Dũng đề nghị Chính phủ sớm hoàn thành Quy hoạch Tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, đồng thời có cơ chế, chính sách đồng bộ thống nhất cho cả Vùng nhằm tạo động lực thống thúc đẩy phát triển; thúc đẩy liên kết trong nội vùng, tiểu vùng, trong quy hoạch vùng nên hình thành các tiểu vùng theo hướng đa chức năng.

Theo ông Dũng, hiện nay các địa phương trong Vùng còn quỹ đất ven biển rất lớn, lợi thế nhiều, vì vậy cần tạo sự đột phá trong phát triển nhanh hơn về hạ tầng giao thông đường biển, đường cao tốc Bắc Nam; các tuyến kết nối phía đông với phía tây; phát triển hạ tầng sân bay, cảng biển… nhằm phát huy lợi thế là cửa ngõ hướng ra biển của các tỉnh trong vùng, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế biển.

Khi tuyến đường động lực ven biển hình thành kết nối liên vùng, đề nghị Chính phủ chỉ đạo quy hoạch xây dựng hình thành trục kinh tế ven biển thống nhất, trong đó ưu tiên tập trung phát triển các khu kinh tế làm nòng cốt thúc đẩy hỗ trợ sự phát triển kinh tế biển; chỉ đạo rà soát tổng thể, điều chỉnh sự phát triển các các phân khu vực chức năng trong các khu kinh tế bảo đảm sự hỗ trợ lẫn nhau, tránh tình trạng cạnh tranh với nhau giữa các khu kinh tế.

“Nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Vùng, sớm đưa Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống, đề nghị Trung ương bổ sung quy hoạch cấp phép dự án trọng điểm có sức lan tỏa do các địa phương đề xuất gồm các dự án năng lượng gió ngoài khơi, các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái, đô thị biển mang tầm khu vực, các trung tâm logistics kết nối sân bay, cảng biển nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đề xuất.

Giải pháp phát huy tiềm năng, lợi thế vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ  - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nêu một số giải pháp phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại theo định hướng của Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nêu một số giải pháp phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại gắn với phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai, góp phần cùng các địa phương trong Vùng thực hiện thắng lợi Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị.

Ông Lê trí Thanh cho biết Quảng Nam là địa phương có thế mạnh về phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp ô tô tại Khu kinh tế mở Chu Lai. Trong thời gian tới, để thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, tỉnh tập trung một số lĩnh vực, trọng tâm là phát triển công nghiệp ô tô trên cơ sở nền tảng của cơ khí chính xác và tự động hóa, tăng tỉ lệ nội địa hóa, giảm giá thành để nâng cao sức cạnh tranh, đặc biệt đối với các dòng xe du lịch, đồng thời có lộ trình chuyển đổi từ xe xăng dầu sang xe điện phù hợp.

Thứ hai, phát triển công nghiệp phụ trợ và cơ khí. Xây dựng hệ sinh thái công nghiệp thế hệ mới; hình thành cụm liên kết công nghiệp phụ trợ ngành cơ khí với các doanh nghiệp trên địa bàn cả nước, dẫn dắt các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng phát triển tham gia chuỗi toàn cầu. Hình thành trung tâm công nghiệp cơ khí đa dụng và công nghiệp phụ trợ cơ khí tại Chu Lai. Nội dung này đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất trong chuyến làm việc tại tỉnh Quảng Nam năm 2022.

Thứ 3, phát triển công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp từ Lào, Campuchia và vùng Tây Nguyên. Tập trung đầu tư chế biến sâu các sản phẩm từ trái cây, bò thịt tại Chu Lai để xuất khẩu, tạo nguồn hàng đối lưu hai chiều, qua đó giảm chi phí logistics đường biển. 

Để thực hiện mục tiêu trên, hiện nay tỉnh Quảng Nam đang hoàn thiện đề án đầu tư luồng cảng biển mới cho tàu 5 vạn tấn tại cảng Chu Lai và nâng cấp, mở rộng tuyến đường kết nối với cửa khẩu quốc tế Nam Giang.

"Quảng Nam và các địa phương khu vực miền Trung có nguồn dược liệu phong phú sinh trưởng dưới tán rừng nguyên sinh trên dãy núi Trường Sơn, đây là nguồn nguyên liệu quý để phát triển công nghiệp chế biến thuốc, hóa mỹ phẩm, thực phẩm và nhiều sản phẩm hỗ trợ sức khỏe khác. 

Vì vậy, Quảng Nam tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ nguồn dược liệu thiên nhiên. Thành lập trung tâm chế biến dược liệu quốc gia, chủ lực là cây sâm Ngọc Linh tại Khu kinh tế mở Chu Lai", ông Lê Trí Thanh cho hay.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam còn nêu một số vấn đề liên quan đến phát triển khu vực sân bay Chu Lai có vị trí nằm giữa Khu kinh tế mở Chu Lai và Khu kinh tế Dung Quất, với kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vu hàng không, trung chuyển hàng hóa quốc tế; sữa chữa bảo dưỡng các loại máy bay, thiết bị bay; sản xuất cung ứng vật tư linh kiện hàng không; là nơi xuất khẩu các loại hàng hóa chất lượng cao, cần thời gian nhanh, an toàn.

Nhật Anh