In bài viết

Giải pháp phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp Việt Nam

Đối với nông nghiệp Việt Nam, phát triển kinh tế xanh cần được xem như là một trong những giải pháp quan trọng cho sự phát triển bền vững ở khu vực này. Sự phát triển kinh tế xanh trong ngành nông nghiệp không những góp phần sử dụng hơp lý, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường mà còn làm thay đổi cơ cấu sản xuất và tiêu dùng, mang lại hiệu quả kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao đời sống cho người dân.

30/01/2012 13:55
* Hiện trạng nền nông nghiệp xanh
Việc phát triển theo hướng kinh tế xanh trong nghiệp hiện nay còn nhiều hạn chế và đứng trước không ít những trở ngại. Nền nông nghiệp vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng, dựa vào khai thác các lợi thế về tài nguyên và lực lượng lao động tập trung cao ở khu vực này, trong khi các nguồn tài nguyên có hạn và đang có xu hướng suy thoái. Tình trạng thoái hóa đất, suy thoái/ô nhiễm tài nguyên nước; suy thoái các hệ sinh thái và suy giảm đa dạng sinh học... đang diễn ra ở nhiều nơi. Đa số các nông hộ, trang trại chưa được tuyên truyền, phổ biến những kiến thức và hiểu biết về phát triển "kinh tế xanh" và những lợi ích to lớn của nó. Việc sử dụng phân bón và hóa chất bảo vệ thực vật chưa đúng kỹ thuật đã gây tồn dư nhiều hóa chất độc hại trong môi trường đất và nước. Điều này sẽ tác động đến các hệ sinh thái nông nghiệp và có thể gây đột biến gen đối với một số loại cây trồng. Từ đó sẽ gây nên hậu quả khôn lường cho sức khỏe con người. Do vậy, việc tập huấn kỹ thuật, bồi dưỡng kiến thức về phân bón và hóa chất bảo vệ thực vật cho nông dân là một yêu cầu cấp bách.
Cơ cấu cây trồng chưa hợp lý vì hiện nay việc thâm canh tăng vụ để tăng sản lượng đang diễn ra ở khắp các địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, việc nyaf cũng chịu nhiều rủi ro về sâu bệnh và làm suy giảm độ phì nhiêu của đất. Thế nên việc chọn lựa mô hình sản xuất nông nghiệp nào cho phù hợp với điều kiện của từng địa phương, từng vùng là điều quan trọng. Nhiều vùng chăn nuôi tập trung chưa có hệ thống thu gom và xử lý chất thải. Do không có sự quy hoạch ban đầu, nhiều xí nghiệp chăn nuôi, lò mổ, xí nghiệp chế biến thực phẩm còn nằm lẫn trong khu dân cư, sản xuất chăn nuôi còn nhỏ, manh mún, phân bố rải rác trong khi sản xuất nông nghiệp có lợi nhuận thấp, giá cả bấp bênh, thị trường ít ổn định.
Nông dân còn thiếu vốn để đầu tư sản xuất, trong khi nhu cầu về tăng lượng sản xuất nông nghiệp và nhu cầu mưu sinh tiếp tục thôi thúc họ mở rộng khai thác các tài nguyên và nguồn lợi tự nhiên cho phát triển sản xuất, bất chấp những hệ quả to lớn làm suy thoái tài nguyên, môi trường. Tác động của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu... vẫn là mối đe dọa thường xuyên và gây tổn thất không ít cho phát triển nông nghiệp nói chung cũng như phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững.
* Mô hình "kinh tế xanh"
Góp phần vào sự phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp, một số mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm và bảo vệ môi trường cần được khuyến khích phát triển và nhân rộng như làng kinh tế sinh thái ở Lào Cai, canh tác cà phê bền vững ở Gia Lai, trồng su su ở Sa Pa, chăn nuôi lợn thịt, nuôi trồng thủy sản ở Hải Dương...
Mô hình làng sinh thái được Viện Kinh tế sinh thái nghiên cứu và thử nghiệm xây dựng từ năm 1993. Đến nay, nhiều cơ quan, tổ chức, ban ngành đã xây dựng thành công nghiều dự án Làng sinh thái lựa chọn tại 3 loại vùng sinh thái đặc thù, kém bền vững, từ vùng đồng bằng ngập úng nước, vùng cát hoang hóa ven biển cho đến những vùng đất trống đồi trọc.
Mô hình canh tác cà phê bền vững ở Gia Lai là một dạng của hệ thống nông lâm kết hợp, được áp dụng nhiều ở vùng Tây Nguyên. Người trồng cà phê thường trồng xen cây cà phê với sầu riêng, tiêu, điều hoặc muồng đen, hoặc trồng thêm cây lạc dại để che phủ đất, bảo vệ tầng đất mặt, giúp chống xói mòn và rửa trôi ở vùng đất dốc. Cà phê là cây ưa bóng nên trồng xen cây sầu riêng trong vườn không chỉ cho thu nhập thêm từ thu hoạch sầu riêng mà còn có tác dụng che bóng và chăn gió, giữ ẩm cho cây cà phê, giúp cà phê sinh trưởng và phát triển tốt hơn.
Nhiều hộ dân ở xã Cộng Hòa (Hải Dương) đầu tư mở rộng chăn nuôi lợn thịt, mỗi năm thu lợi 70 triệu đồng sau chi phí. Bên cạnh đó, người dân còn tận dụng nguồn phân lợn và xử lý chất thải, tránh ô nhiễm môi trường, các hộ gia đình còn đầu tư xây dựng hầm biogas với mục đích làm chất đốt. Sau một thời gian, người dân lấy phần chất thải còn lại trong hầm biogas trộn với vôi và lân, trát bùn lên phía trên, để từ 1 đến 2 tháng bón cho cây trồng. Như vậy, mô hình này vừa mang lại lợi ích kinh tế, giảm chi phí đầu tư cho phân bón cây trồng, tạo việc làm cho lao động địa phương, không lảm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước cũng như môi trường xung quanh.
* Giải pháp phát triển
Để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp, theo PGS.TS Phan Sĩ Mẫn cùng cộng sự thuộc Viện nghiên cứu Môi trường và Phát triển bền vững (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) cần có nhiều giải pháp từ truyền thông, chính sách tín dụng, khoa học công nghệ, thị trường...
Việt Nam cần có những chính sách tín dụng vốn đầu tư phù hợp với các hộ gia đình để họ đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Trong các nguồn lực để phát triển kinh tế xanh thì vốn là nguồn lực quan trọng. Việc hình thành và phát triển các mô hình sản xuất theo hướng "xanh" đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn hơn so với mô hình sản xuất thông thường, do đó cần có sự hỗ trợ nguồn vốn cho việc phát triển. Bên cạnh đó, phương thức, thủ tục cho vay, thu nợ cần phù hợp với đặc điểm của từng loại mô hình sản xuất. Các thủ tục phải đơn giản, thuận tiện, cơ chế cho vay và thu nợ theo thời vụ của cây trồng, vật nuôi giúp nông dân yên tâm sản xuất.
Về khoa học, công nghệ, các giải pháp nên tập trung nâng cao kiến thức, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho dân thông qua mạng lưới khuyến nông, giúp dân chủ động trong sản xuất dựa trên những kiến thức của bản thân; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học mới vào sản xuất. Giải pháp về thị trường tập trung tạo điều kiện tốt nhất cho nông dân trong việc tiêu thụ nông sản hàng hóa. Thực tế hiện nay, việc tiêu thụ nông sản của nông dân gặp rất nhiều khó khăn do chưa tạo dựng được thương hiệu, bị tư thương ép giá, chưa có một đầu mối thu mua sản phẩm... vì vậy, nếu được đảm bảo về mặt đầu ra thì người nông dân sẽ yên tâm để đầu tư sản xuất.
Sản xuất nông nghiệp có tính rủi ro cao do những tác động của các yếu tố thời tiết, khí hậu, vì vậy để giảm thiểu rủi ro cần có chính sách về bảo hiểm cho nông nghiệp. Đây là một lĩnh vực mới đối với cả nông dân và các tổ chức bảo hiểm nên Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các tổ chức thực hiện bảo hiểm nông nghiệp; đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, thông tin, tuyên truyền về phát triển nông nghiệp xanh, nâng cao nhận thức, ý thức về kinh tế xanh cho hộ nông dân, các chủ trang trại, các nhà sản xuất và kinh doanh trong nông nghiệp.
Minh Nguyệt