Hệ thống canh tác tôm – lúa được đánh giá là mô hình canh tác bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao và thân thiện môi trường. Nhiều năm qua, diện tích canh tác tôm – lúa không ngừng gia tăng ở các tỉnh, riêng tỉnh Kiên Giang hằng năm diện tích canh tác tôm – lúa đạt khoảng 110.000 ha.
Năm nay, do ảnh hưởng của El Nino nên diễn biến khí hậu dự báo rất bất thường, do vậy, để canh tác lúa - tôm hiệu quả, bà con nông dân cần được trang bị tốt kỹ thuật canh tác từ đầu vụ. Chính vì vậy, Công ty CP Phân bón Bình Điền phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang và doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang (đơn vị cung ứng giống lúa ST) tổ chức hội thảo nói trên.
Hội thảo diễn ra trong 2 ngày (2 - 3/7/2023) thu hút gần 900 lượt nông dân các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận tham dự.
Thông qua các buổi hội thảo, bà con nông dân đã được GS.TS Nguyễn Bảo Vệ (giảng viên cao cấp, nguyên Trưởng Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng Trường Đại học Cần Thơ), KS. Hồ Quang Cua (Anh hùng Lao động, tác giả giống lúa ST) cùng với lãnh đạo và cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang, Công ty CP Phân bón Bình Điền hướng dẫn nhiều giải pháp canh tác cũng như giải đáp nhiều thắc mắc của bà con nông dân.
Theo đó, những giải pháp quan trọng để tăng hiệu quả canh tác lúa trên nền đất nuôi tôm tại Kiên Giang là cần lưu ý về lịch thời vụ, xuống giống đúng lịch gieo sạ của ngành nông nghiệp tỉnh để tránh mặn cuối vụ.
Về chuẩn bị đất, cần rửa mặn, phèn trong đất, dùng nước ngọt kết hợp sử dụng các sản phẩm như vôi, phân Đầu Trâu mặn phèn để rửa mặn nhanh kết hợp hạ phèn; kiểm tra chất lượng nước ruộng để đảm bảo độ mặn từ 1 phần nghìn trở xuống và độ pH từ 5,5 trở lên trước khi gieo sạ; thực hiện đánh rãnh nước (rộng 20 cm, sâu 20 cm, 6-9 m/rãnh) để rửa phèn mặn, tránh dồn phèn và độc chất trong ruộng lúa.
Về giống lúa nên sử dụng giống xác nhận ST24, ST25 và các giống lúa phù hợp với điều kiện canh tác lúa trên nền đất nuôi tôm.
Riêng khâu bón phân, các chuyên gia cho biết phân bón có vai trò quan trọng trong quá trình sinh trưởng của cây lúa và từ đó quyết định tới năng suất, chất lượng gạo. Vì vậy, bà con nên bón lót (trước sạ) từ 100 – 150 kg/ha Đầu Trâu mặn phèn; bón thúc 1 (7-10NSS) cần 80-100 kg/ha Đầu Trâu lúa tôm; bón thúc 2 (18-22NSS) từ 100-120 kg/ha Đầu Trâu lúa tôm và bón đón đòng từ 80-100 kg/ha Đầu Trâu lúa tôm...
Hồ Huy