Tham gia hội thảo có đại diện của 10 tỉnh, thành phố và các cơ quan Trung ương cũng như các chuyên gia trong nước và quốc tế trong lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị, tài nguyên môi trường.
Hiện nay, các đô thị ở Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức ngày càng nghiêm trọng hơn từ hiểm họa thiên tai và biến đổi khí hậu (BĐKH) xuất hiện ngày càng nhiều và bất thường. Trong bối cảnh đó, sự tăng cường khả năng chống chịu phục hồi và thích ứng với BĐKH cho các đô thị Việt Nam trở thành một mối quan tâm lớn của các cấp chính quyền trung ương và địa phương.
Điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng của Thủ tướng Chính phủ về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong bối cảnh yêu cầu phát triển đô thị bền vững, thông minh và có khả năng thích ứng cao.
Ngay trong tháng 12 vừa qua, AFD và Liên minh châu Âu (EU) đã tài trợ dự án mới “Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho 4 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ”...
Để góp phần hỗ trợ cho những nỗ lực này, với sự hỗ trợ của nhóm các nhà tài trợ châu Âu, AFD và Cục Phát triển đô thị phối hợp tổ chức hội thảo về khả năng chống chịu và phục hồi với BĐKH của các đô thị Việt Nam.
Mục tiêu của hội thảo là xác định những thách thức và khó khăn lớn mà các tỉnh/thành phố tham gia hội thảo phải đối mặt trên phương diện tăng cường khả năng chống chịu, phục hồi và thích ứng với BĐKH, cùng chia sẻ và đề xuất các giải pháp cụ thể trong việc vận dụng khái niệm về đô thị có khả năng chống chịu và phục hồi với BĐKH tại Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo " Giải pháp xây dựng khả năng chống chịu cho các đô thị Việt Nam". Ảnh: VGP/ Toàn Thắng |
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS. Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị cho biết: Hệ thống đô thị Việt Nam đã và đang không ngừng phát triển với tốc độ cao cả về lượng cũng như về chất. Cả nước đã có 862 đô thị với tỉ lệ đô thị hoá đạt khoảng 40%. Khu vực đô thị đã và đang là động lực phát triển kinh tế - văn hoá- xã hội hết sức quan trọng của các vùng miền.
“Với nhiệm vụ là đầu tàu thúc đẩy sự phát triển của đất nước, đòi hỏi cấp thiết các đô thị phải có khả năng ứng phó, chủ động chống chịu trước các tác động bất lợi cũng như khả năng phục hồi”, ông Thái nhấn mạnh.
Báo cáo cũng chỉ ra, năm 2020 là năm có rất nhiều thách thức mới như dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại các đô thị đã cho thấy nguy cơ tiềm ẩn của định cư đô thị. Năm 2020 cũng là năm BĐKH trên toàn cầu có những dấu hiệu ngày càng cực đoan, khó dự báo với các mức nhiệt độ cực đoan mới xuất hiện trên đất liền, trên biển và đặc biệt ở Bắc Cực. Sự biến mất của các con sông băng, cháy rừng, số lượng kỷ lục các cơn bão, lũ lụt ở các khu vực châu Phi và Đông Nam Á. Việt Nam cũng không ngoại lệ với 8 cơn bão đổ bộ vào đất liền trong 5 tuần. Các tỉnh ven biển miền Trung đã phải gánh chịu ảnh hưởng nặng nề.
Đại diện Cục Phát triển đô thị cho biết, theo nghiên cứu mới được Ngân hàng Thế giới công bố, các ngành kinh tế chủ chốt là nền tảng cho phát triển và thịnh vượng trong tương lai đang phải đối mặt với các rủi ro thiên tai trầm trọng.
“Tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống cơ sở hạ tầng sẽ đảm bảo nền tảng cho sự phát triển kinh tế liên tục và thịnh vượng của Việt Nam. Trì hoãn hành động 10 năm sẽ phải chi thêm 4,3 tỷ đô la Mỹ để khắc phục thiệt hại về kinh tế do ảnh hưởng của thiên tai”, đại điện Cục Phát triển đô thị dẫn ra nghiên cứu mới được Ngân hàng Thế giới công bố.
Nhận thức rõ tính nghiêm trọng của BĐKH, các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã phê duyệt Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu tại hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia công ước khí hậu COP 21 năm 2015. Trong lĩnh vực đô thị, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2012-2020 (Đề án 2623).
Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được ban hành tháng 7 năm 2020 đã tiếp tục nhấn mạnh vai trò trách nhiệm của Bộ, ngành, các địa phương trong nỗ lực chung thực hiện cam kết quốc gia ứng phó với BĐKH.
Trong khuôn khổ của Hội thảo, tại phiên buổi sáng, tham luận của các bộ, ngành liên quan tập trung vào các nội dung phát triển đô thị và tính dễ bị tổn thương với hiểm họa thiên tai, BĐKH của các đô thị Việt Nam.
Các phiên thảo luận chuyên đề tập trung vào 3 chủ đề chính: Phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh đô thị hóa nhanh và BĐKH; xây dựng khả năng chống chịu cho khu vực đô thị thông qua các giải pháp dựa vào thiên nhiên và xây dựng khả năng chống chịu với các rủi ro liên quan đến BĐKH khu vực đô thị thông qua giải pháp công trình.
Toàn Thắng