Theo đánh giá của tỉnh Hòa Bình, thời gian qua, EVN đã bảo đảm cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trong tỉnh. Trong đó, điện thương phẩm giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng bình quân 9,75%/năm. Giai đoạn 2021-2022, tăng trưởng thương phẩm đạt 9,63%/năm.
EVN và EVNNPT cũng đã đầu tư nhiều công trình lưới điện truyền tải, cụ thể như dự án cải tạo đường dây 220 kV Hòa Bình-Hà Đông (2x62 km) trong năm 2020; nâng công suất TBA 220 kV Hòa Bình và dự án cải tạo đường dây 220 kV Sơn Tây-Hòa Bình (50,7 km) năm 2021; dự án TBA 220 kV Yên Thủy và đấu nối và dự án cải tạo đường dây 220 kV Hòa Bình-Chèm có chiều dài 74 km trong năm 2022.
Hiện đang triển khai đầu tư đường dây 500/220 kV Nho Quan-Phủ Lý-Thường Tín. Trong đó chiều dài đường dây 500 kV gần 45 km và đường dây 220 kV gần 50 km đi qua địa bàn huyện Lạc Thủy.
Đối với lưới điện 110 kV trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai đầu tư theo Quy hoạch để cấp điện cho phụ tải cũng như nâng cao năng lực và tạo mạch vòng lưới điện 110 kV phục vụ đấu nối các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Cường, Thành viên HĐTV EVN cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện công tác đầu tư xây dựng, EVN và các đơn vị thành viên gặp phải các khó khăn, vướng mắc về công tác quy hoạch, về chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư thực hiện dự án.
Để thực hiện được chương trình đầu tư các dự án điện theo quy hoạch được duyệt, hoàn thành nhiệm vụ cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, EVN và các đơn vị trực thuộc đề nghị UBND tỉnh Hoà Bình tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ EVN và các đơn vị thành viên trong công tác đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2016-2025 có xét đến năm 2035.
Đối với dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng, đề nghị UBND tỉnh Hoà Bình chỉ đạo các sở, ban ngành, TP. Hòa Bình tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ, giải quyết các vướng mắc trong việc thực hiện đầu tư xây dựng.
Đối với các dự án lưới điện, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương, các đơn vị của ngành điện trong công tác lập, trình, thẩm định Quy hoạch tỉnh và xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Hòa Bình (trong đó có danh mục các dự án điện, kế hoạch sử dụng đất,...) trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để có căn cứ thực hiện, trong đó đề xuất các có cơ chế để thuận tiện trong quá trình triển khai, hạn chế phải điều chỉnh quy hoạch.
Hỗ trợ EVNNPT, EVNNPC trong công tác chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư đối với các dự án lưới điện theo quy định của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14.
EVN cũng kiến nghị UBND tỉnh Hòa Bình tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện tạo điều kiện và hỗ trợ EVNNPT/EVNNPC trong công tác thỏa thuận hướng tuyến đường dây và vị trí TBA, bồi thường giải phóng mặt bằng theo mục tiêu tiến độ yêu cầu, bảo đảm đủ quỹ đất cho các công trình điện để thực hiện đầu tư theo quy hoạch được duyệt.
Ông Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cảm ơn EVN và các đơn vị thành viên đã quan tâm, đầu tư phát triển hệ thống điện, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Đối với những đề xuất kiến nghị của EVN, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cam kết chỉ đạo, điều phối và giao cho Sở Công thương cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình làm đấu mối, phối hợp chặt chẽ với ngành điện để giải quyết kịp thời, nhanh chóng mọi vướng mắc, bảo đảm triển khai công tác xây dựng nguồn và lưới điện trên địa bàn theo đúng kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Toàn Thắng