Nâng cao năng lực dự báo nhu cầu lao động theo ngành, nghề làm cơ sở, định hướng đào tạo cho thanh niên |
Nguyên nhân của thực trạng trên do cơ cấu đào tạo chưa hợp lý (đào tạo trình độ đại học nhiều, cao đẳng, trung cấp ít; thừa thầy thiếu thợ; không có sự phân luồng đào tạo giữa các ngành, nghề); chất lượng đào tạo còn thấp, chưa gắn với nhu cầu của thị trường (số sinh viên nhóm ngành kinh doanh, quản lý, khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên chiếm 8-12% số người thất nghiệp, 70-80% thanh niên có trình độ cao đẳng, đại học đến Trung tâm dịch vụ việc làm tìm kiếm việc làm trong các nhóm ngành kinh tế, xã hội, quản lý trong khi thị trường cần nhiều lao động trong lĩnh vực tự động hóa, cơ khí chế tạo, công nghệ sinh học…); công tác dự báo thị trường lao động trong ngắn hạn, trung hạn theo ngành, nghề còn hạn chế; hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh niên, sinh viên còn hạn chế; chưa phân luồng học sinh hiệu quả.
Bên cạnh đó, tâm lý xã hội, gia đình, thanh niên còn khá nặng về bằng cấp, ít quan tâm đến cơ hội việc làm trong tương lai và một bộ phận thanh niên, sinh viên chưa chủ động, nỗ lực trong tìm kiếm việc làm; thiếu kỹ năng trong việc tìm kiếm và duy trì việc làm...
Trong giai đoạn 2011-2016, nhằm đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động nói chung (đặc biệt là lao động thanh niên, thanh niên nông thôn) và bộ đội, công an xuất ngũ nói riêng, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện việc làm cho thanh niên. Một số chính sách có thể kể đến như: Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm; Nghị định số 27/2016/NĐ-CP ngày 6/4/2016 của Chính phủ quy định một số chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ; Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020; Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020; Quyết định số 2474/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020;...
Tháng 10/2017, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ phê duyệt quyết định đề án hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh – sinh viên với mục tiêu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên; đào tạo bồi dưỡng kiến thức kỹ năng khởi nghiệp; tạo môi trường thúc đẩy ý tưởng các dự án khởi nghiệp. Mục tiêu đề án đặt ra đến năm 2020, 100% các trường cao đẳng, đại học, trung cấp phải có kế hoạch hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp; 90% các trường sẽ có kế hoạch cụ thể đào tạo bồi dưỡng kiến thức kỹ năng khởi nghiệp; 70% các trường đại học và 50% các trường trung cấp phát triển và hiện thực hóa 2 dự án khởi nghiệp.
Giải pháp từ Bộ LĐTB&XH
Để giải quyết việc làm cho người lao động nói chung, thanh niên, sinh viên tốt nghiệp nói riêng đòi hỏi sự tham gia tích cực, chủ động của các ngành, các cấp và trực tiếp là các địa phương, trong đó việc đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại địa phương có ý nghĩa quyết định. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã và đang tập trung thực hiện những giải pháp sau:
- Tổ chức thực hiện đồng bộ và có hiệu quả Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo.
- Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp – Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020, tập trung vào các dự án đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, dự án phát triển thị trường lao động và việc làm; Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025; hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp qua Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi khác; nâng cao chất lượng, tăng số lượng lao động trẻ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
- Nâng cao năng lực dự báo nhu cầu lao động theo ngành, nghề làm cơ sở, định hướng đào tạo cho thanh niên; hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập, cập nhật và phổ biến thông tin thị trường lao động.
- Chỉ đạo đẩy mạnh đào tạo nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn đào tạo nghề nghiệp với việc làm; chú trọng xã hội hóa công tác dạy nghề, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề; đổi mới nội dung, chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
- Tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên, thanh niên thông qua hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm công; đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm; nâng tần suất, phạm vi các hoạt động các sàn giao dịch việc làm; xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người – người tìm việc ứng dụng công nghệ thông tin.
- Tăng cường thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên.
Tuấn Dương