Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 31, ngày 15/3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp với 102 lượt ý kiến.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội tại cuộc làm việc ngày 21/2/2024, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp tục tổ chức nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến ĐBQH và kết luận của Chủ tịch Quốc hội.
Ngày 7/3, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã chủ trì buổi làm việc với Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh và các cơ quan có liên quan về các nội dung lớn của dự thảo luật để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, Luật Đấu thầu và Nghị định số 32/2019/NĐ-CP đã có quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.
Tuy nhiên, các văn bản này không áp dụng đối với lĩnh vực sản xuất quốc phòng an ninh, các sản phẩm quốc phòng an ninh theo quy định hiện hành không thuộc danh mục sản phẩm, dịch vụ công.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh chỉnh lý lại Điều 12 và Điều 13 dự thảo Chính phủ trình thành 3 điều, Điều 14, 15 và Điều 16, quy định tách bạch, cụ thể các nội dung về giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu sản xuất, cung cấp sản phẩm quốc phòng an ninh.
Đối với hoạt động đấu thầu, dự thảo luật dẫn chiếu quy định Luật Đấu thầu với hình thức đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu và lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt.
Về nguồn vốn cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị quy định chính sách "Nhà nước ưu tiên ngân sách đầu tư, có các cơ chế, chính sách đặc thù bảo đảm cho công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp".
Cũng với mục đích giúp các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt là doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính, Thường trực cơ quan thẩm tra nhận định, việc hình thành một quỹ tài chính để hỗ trợ ngân sách nhà nước phục vụ cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh là giải pháp phù hợp, là cơ chế đặc thù, vượt trội, có ý nghĩa chiến lược.
Tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý; góp ý trực tiếp vào dự thảo luật; nghe thành viên Chính phủ báo cáo làm rõ hơn một số nội dung của dự thảo luật…
Trên cơ sở các ý kiến phát biểu tại phiên họp, Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, cho biết qua tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội và ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo đã phối hợp làm việc kỹ lưỡng, tổ chức những hội thảo khoa học để tham khảo ý kiến chuyên gia, tiếp thu đầy đủ các ý kiến, chỉnh lý dự thảo luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về việc luật được chỉnh lý đã tiếp thu đầy đủ và giải trình thuyết phục đối với các ý kiến của đại biểu Quốc hội, thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về các vấn đề như: Áp dụng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; quản lý hoạt động sản xuất quốc phòng, an ninh; ổ hợp công nghiệp quốc phòng; chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp; chế độ, chính sách trong công nghiệp quốc phòng, an ninh; hệ thống tổ chức công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh...
Hải Liên