In bài viết

Giảm để tăng trong nông nghiệp, hướng đến một tương lai xanh và bền vững

(Chinhphu.vn) - Trước đây, nông nghiệp Việt luôn đi theo chiều hướng gia tăng số lượng sản phẩm để "đủ ăn". Bước vào thị trường lương thực sôi động hiện nay, tư duy đó dần thay đổi, chuyển hướng sang số lượng ít đi, chất lượng nâng cao, đáp ứng nhu cầu "ăn ngon, ăn chất lượng" của người tiêu dùng.

11/02/2024 14:58
Giảm để tăng trong nông nghiệp, hướng đến một tương lai xanh và bền vững- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Giảm phát thải, tăng giá trị

Tại Hội nghị COP28 – hội nghị lớn nhất trong lịch sử của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu - tổ chức tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất), lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ Việt Nam giới thiệu với toàn thế giới về Kế hoạch phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp của Việt Nam. Trong lúc đó, ở cánh đồng mênh mông xứ Đồng Tháp Mười, những lão nông của Hợp tác xã Dịch vụ thương mại nông nghiệp Cây Trôm bắt đầu gieo những hạt giống cho mùa mới với một tiêu chí "giảm" cũng rất mới: Giảm phát thải.

Với những lão nông cả đời chỉ biết thương cây lúa, cùng cây lúa trải qua bao thăng trầm ở xứ Đồng Tháp Mười như ông Phan Văn Thủ, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Dịch vụ thương mại nông nghiệp Cây Trôm (xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, Long An), khái niệm "trồng lúa giảm phát thải" có vẻ khá mới mẻ nhưng thực chất đã hình thành từ chính những thay đổi mang tính cách mạng trong quy trình sản xuất của Hợp tác xã khi cả già cả trẻ cùng nhau sản xuất theo quy trình an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn của châu Âu.

Theo đó, các thành viên Hợp tác xã đã kiểm soát rất tốt lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất tiết kiệm nước để đáp ứng các tiêu chuẩn nhập khẩu của thị trường châu Âu. Đây là những điều kiện rất thuận lợi để những nông dân xứ Đồng Tháp Mười quản lý chặt hơn nữa quy trình sản xuất, sử dụng hài hòa các vật tư đầu vào, áp dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến để giảm phát thải khí nhà kính.

Cùng tham gia Hội nghị COP28, lắng nghe lời giới thiệu đầy tự hào của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về lần đầu tiên trên thế giới, Việt Nam sẽ sản xuất lúa giảm phát thái khí nhà kính, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, rất nhiều đối tác quốc tế quan tâm đến Đề án sản xuất 1 triệu hecta lúa chất lượng cao giảm phát thải của Việt Nam. Quan tâm là bởi từ trước đến nay lúa gạo là một trong những ngành hàng phát thải ra khí methane nhiều nhất do một thời gian dài thâm dụng vật tư đầu vào.

"Ngành nông nghiệp phải có đóng góp để giảm phát thải khí nhà kính, trong đó có ngành hàng lúa gạo. Bối cảnh đặt ra buộc chúng ta phải thay đổi cả quy trình canh tác để thích ứng với xu thế tiêu dùng xanh. Chúng ta hướng đến mục tiêu hạt gạo đưa ra thị trường phải là hạt gạo không gây ra hiệu ứng nhà kính, đồng thời thông qua ngành hàng lúa gạo lan toả sang các ngành hàng khác để chuyển đổi sang tăng trưởng xanh", Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

Ngành sản xuất lúa gạo của Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt lớn, cơ hội đã thấy bởi trong bối cảnh biến đổi khí hậu, các quốc gia đã tìm đến Việt Nam như một nguồn đảm bảo an ninh lương thực. Kể từ năm 1989, khi những hạt gạo Việt đầu tiên được định vị trên thị trường thế giới, đến năm 2023, kỷ lục xuất khẩu gạo đầu tiên đã được xác lập với khoảng 8 triệu tấn, trị giá hơn 4,5 tỷ USD. Đó là một kỳ tích! Không chỉ vậy, gạo Việt còn được định vị ở những phân khúc cao cấp, lúa không chỉ là thực phẩm mà còn là sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, trồng lúa còn có thể bán tín chỉ carbon. Có nghĩa lúa không chỉ là hạt gạo mà là ngành kinh tế đa giá trị.

Kỳ tích là bởi, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, chúng ta có diện tích sản xuất nông nghiệp không nhiều, quy mô sản xuất đất lúa trên một nông hộ thuộc diện thấp nhất thế giới nhưng vẫn có sản lượng xuất khẩu, đóng vai trò quan trọng trong an ninh lương thực. "Ngồi từ trên máy bay nhìn xuống thấy những thửa ruộng của chúng ta như những miếng vá nhưng chúng ta vẫn là cường quốc xuất khẩu lúa gạo. Chúng ta chứng minh được với thế giới chúng ta chủ động thay đổi sản xuất có trách nhiệm. Đồng bằng sông Cửu Long là 1 trong 5 đồng bằng trên thế giới chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu nhưng nếu làm thành công 1 triệu hecta lúa chất lượng cao thì chúng ta sẽ chứng minh được trong khó khăn, thách thức ấy chúng ta vẫn thay đổi, kiên cường đi lên", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Trở thành "bếp ăn" của thế giới

Có thể thấy, nông sản Việt ngày càng được định vị ở những vị trí vững chắc trên thị trường thế giới. Điều đó thể hiện ở con số kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2023 vẫn đạt trên 53 tỷ USD, thặng dư thương mại toàn ngành đạt trên 11 tỷ USD (mức cao nhất trong những năm gần đây và chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước), trong đó đóng góp nhiều nhất vào kim ngạch xuất khẩu là hai mặt hàng trái cây và lúa gạo. Trong bối cảnh khủng hoàng tài chính, lạm phát khiến cả thế giới thắt chặt chi tiêu thì đó là con số ẩn chứa sức mạnh mềm của nông sản Việt và đó cũng là cách để định vị vị trí, vai trò của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Bên cạnh hai mặt hàng có mức tăng trưởng đáng mơ ước là rau quả và gạo, các ngành hàng như cà phê, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ cũng nỗ lực về đích khi nằm trong nhóm có kim ngạch hơn 3 tỷ USD. Trong điều kiện biến động về kinh tế-chính trị, lạm phát gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới ảnh hưởng đến người tiêu dùng thì việc duy trì kim ngạch xuất khẩu ổn định là điểm đáng ghi nhận đối với các ngành hàng này.

Gia tăng lượng và giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp là một minh chứng rõ ràng cho thấy nông sản Việt đang được đón nhận trên nhiều thị trường của thế giới. Không chỉ vậy, sản xuất lương thực của Việt Nam đang ngày càng minh bạch và có trách nhiệm. Đó là cách thức nông nghiệp Việt xây dựng thành một "bếp ăn toàn cầu".

Năm 2023, lần lượt nhiều Nghị định thư về xuất khẩu nông sản chính ngạch sang Trung Quốc được ký kết giữa Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc như với sầu riêng, tổ yến,… Đó là kết quả của nỗ lực đàm phán của lãnh đạo hai Đảng, Nhà nước, nỗ lực đàm phán kỹ thuật trong thời gian dài giữa ngành chức năng hai bên để ngày càng chuẩn hóa quy trình, chuẩn hóa chất lượng, chuẩn hóa thông tin.

Và dù mới ký Nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc được vài tháng nhưng dự kiến trong năm 2024, xuất khẩu sầu riêng sang thị trường này sẽ vượt mốc 2 tỷ USD, tăng 480,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tại lễ xuất khẩu lô tổ yến đầu tiên sang thị trường Trung Quốc sau 5 năm đàm phán với nhiều đòi hỏi về kỹ thuật, một doanh nghiệp Trung Quốc đã tiết lộ: "Tổ yến của Việt Nam và các sản phẩm chế biến từ tổ yến rất ngon, chất lượng, được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng vì sự tiện dụng nên chúng tôi nắm bắt ngay cơ hội khi Nghị định thư về xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc được ký kết".

"Việc ngày càng có nhiều nông sản Việt Nam chinh phục được các thị trường, mở ra những cánh cửa mới còn giúp vị thế, hình ảnh đất nước được nâng lên, niềm tin của khách hàng với nông sản Việt cũng cải thiện theo. Chủ trương của Đảng, Nhà nước là xem nông sản như một hình ảnh quốc gia, truyền đi thông điệp Việt Nam là quốc gia sản xuất nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm, bền vững", Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

Nông sản Việt xuất hiện ngày càng nhiều trên các bàn đàm phán giữa các nguyên thủ quốc gia, trong các chuyến thăm của các nguyên thủ quốc gia đến Việt Nam và trong các chuyến công du của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta ra thế giới. Còn gì tự hào hơn khi món quà của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta tặng bạn bè thế giới là hộp trà được hái từ những cây trà mọc trên ngọn núi cao, kết tinh bao nắng mưa của đất trời nước Việt! Còn gì tự hào hơn khi lần đầu tiên ở một hội nghị về biến đổi khí hậu lớn nhất của Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Chính phủ trịnh trọng tuyên bố với cả thế giới, Việt Nam sẽ sản xuất giảm phát thải ở một ngành hàng đang nỗ lực giảm phát thải nhiều nhất! Đó là mục tiêu, là cam kết của ngành nông nghiệp, của Việt Nam, hướng đến một tương lai xanh và bền vững.

Đỗ Hương