Giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài chính phải có thời gian hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực tài chính từ đủ 5 năm trở lên |
Dự thảo cũng nêu rõ về tiêu chuẩn giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc. Theo đó, công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ các tiêu chuẩn sau đây có thể được xem xét bổ nhiệm giám định viên tư pháp: Có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật Giám định tư pháp và không thuộc trường hợp không được bổ nhiệm giám định viên tư pháp theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Luật Giám định tư pháp.
Có trình độ đại học trở lên do cơ sở giáo dục của Việt Nam đào tạo theo quy định của pháp luật hoặc do cơ sở giáo dục nước ngoài đào tạo và được công nhận để sử dụng tại Việt Nam.
Có thời gian hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực tài chính từ đủ 5 năm trở lên, tính từ ngày bổ nhiệm ngạch công chức, viên chức hoặc ký hợp đồng lao động.
Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ các tiêu chuẩn quy định nêu trên có thể được lựa chọn làm người giám định tư pháp theo vụ việc.
Trường hợp người không có trình độ đại học, nhưng được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về lĩnh vực quy định và có ít nhất 5 năm kinh nghiệm thực tiễn trở lên ở lĩnh vực đó thì có thể được lựa chọn làm người giám định tư pháp theo vụ việc.
Thời hạn giám định tư pháp tối đa không quá 3 tháng đối với một nội dung quy định. Trường hợp vụ việc giám định có tính chất phức tạp, hoặc khối lượng công việc lớn (bao gồm cả trường hợp giám định vụ việc có từ 2 nội dung giám định khác nhau trong lĩnh vực tài chính trở lên), liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân thì thời hạn giám định tối đa không quá 4 tháng.
Thời hạn giám định tư pháp có thể được gia hạn theo quyết định của cơ quan trưng cầu giám định, nhưng không quá 1/2 thời hạn giám định tối đa nêu trên.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Lan Phương