Giáo sư LeCun nổi tiếng với những công trình nghiên cứu về AI, học máy, thị giác máy tính, robot và khoa học thần kinh tính toán… Đặc biệt, ông đã có những đóng góp to lớn cho lĩnh vực học sâu và mạng nơ-ron tích chập (CNN). CNN chính là nền tảng của nhiều sản phẩm và dịch vụ do các "gã khổng lồ" công nghệ toàn cầu, như Facebook, Google, Microsoft, Baidu, AT&T… triển khai và được hàng tỷ người trên trái đất sử dụng được mỗi ngày.
- Xin chúc mừng Giáo sư cùng với 4 nhà khoa học đã nhận giải thưởng cao nhất - Giải thưởng Chính VinFuture 2024 vì "Những đóng góp đột phá để thúc đẩy sự tiến bộ của học sâu". Giáo sư có thể chia sẻ cảm xúc sau khi nhận giải thưởng?
GS. LeCun: Tôi rất vinh dự khi nhận giải thưởng này và ấn tượng với sự đón tiếp nhiệt tình, nồng hậu của Việt Nam. Là một quốc gia có dân số trẻ, Việt Nam đang tràn đầy năng lượng và triển vọng phát triển nhanh chóng.
Mặc dù đây là lần đầu tiên đến Việt Nam, nhưng tôi đã cảm nhận được sự năng động và khát vọng tiến bộ của đất nước này. Sự nhiệt tình của giới trẻ tại đây rất đáng khích lệ.
Giải thưởng VinFuture cũng là minh chứng cho thấy Việt Nam đang sẵn sàng tạo nền tảng vững chắc để thúc đẩy khoa học và công nghệ.
Những điều này làm tôi cảm thấy hào hứng và tin tưởng vào những bước tiến mạnh mẽ của Việt Nam trong tương lai.
- AI đang phát triển rất nhanh trên thế giới. Theo Giáo sư, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để bắt kịp xu thế?
GS. LeCun: Đúng là AI đang phát triển rất nhanh chóng trên thế giới và tốc độ phát triển của AI chủ yếu nhờ sự đóng góp của các ngành công nghiệp. Tuy nhiên, công nghệ vẫn còn nhiều giới hạn.
Điều này cũng mở ra cơ hội nghiên cứu và phát triển thế hệ AI tiếp theo, không chỉ cho các công ty lớn mà còn cho các sinh viên, nhà khoa học trẻ tại Việt Nam.
- Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA vừa ký thỏa thuận hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về AI của NVIDIA và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam. Giáo sư nhận định thế nào về cơ hội hợp tác quốc tế này?
GS. LeCun: Đây là tín hiệu rất tích cực, bởi sự phát triển của công nghệ phụ thuộc lớn vào sự hợp tác giữa các trường đại học, các công ty và các tổ chức nghiên cứu.
Khi các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) được thiết lập tại Việt Nam, chúng sẽ thúc đẩy việc xây dựng hệ sinh thái công nghệ, từ đó hỗ trợ các start-up và ứng dụng công nghệ vào cuộc sống.
Chúng tôi đã thấy các trung tâm R&D về AI được thiết lập tại các quốc gia đang phát triển. Hay ở châu Âu, hiện tại có hai khu vực phát triển về AI rất mạnh, đó là các phòng nghiên cứu tại Paris và Luân Đôn.
- Một số quốc gia, như ở châu Âu, các bộ luật AI đang được áp dụng để điều chỉnh sự phát triển công nghệ. Theo Giáo sư, Việt Nam có nên áp dụng các quy định tương tự?
GS. LeCun: Tôi nghĩ vấn đề quan trọng nhất là chúng ta phải hiểu rõ về bản chất của AI, liệu AI có nguy hiểm cho loài người hay không.
Tại Meta, chúng tôi coi AI thực ra là một kho chứa đựng kiến thức của toàn thể nhân loại và cần được tồn tại và phát triển trên nền tảng mã nguồn mở. Chúng tôi ủng hộ việc cung cấp nền tảng AI mã nguồn mở. Điều này sẽ có thể giúp cho các quốc gia như Việt Nam có thể tận dụng nền tảng này để phát triển AI, bảo đảm quyền tự chủ về AI.
- Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức để phát triển AI. Theo Giáo sư, giải pháp nào sẽ hiệu quả?
GS. LeCun: Việt Nam có lợi thế lớn nhờ dân số trẻ và sự nhiệt huyết với công nghệ, điều mà tôi nhận thấy rõ trong thời gian ngắn tại đây. Đó là điều khác với một số quốc gia ở Bắc Mỹ hoặc châu Âu, nơi mọi người luôn luôn nghi ngờ, thận trọng và thậm chí là lo sợ AI.
Để vượt qua thách thức, Chính phủ và ngành giáo dục cần tạo cho người trẻ các cơ hội học tập hay đào tạo về công nghệ. Đồng thời, việc xây dựng các cơ hội việc làm trong ngành công nghệ và hỗ trợ các start-up tiếp cận nguồn vốn đầu tư cũng rất quan trọng.
- Giáo sư từng nhận định rằng các phát kiến AI chủ yếu đến từ các Big Tech. Giáo sư đánh giá thế nào về vai trò của các start-up?
GS. LeCun: Dù các công ty lớn thường dẫn đầu về phát kiến AI, nhưng các start-up đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra đổi mới đột phá. Việt Nam cần phát triển các start-up AI bằng cách xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa nghiên cứu học thuật và thị trường.
Bản thân tôi dành nửa thời gian làm việc cho cho trường đại học và nửa thời gian tại Meta và hai môi trường này bổ trợ cho nhau. Ý tưởng từ phòng nghiên cứu của các trường đại học có thể được doanh nghiệp biến thành hiện thực và đôi khi là ngược lại.
Tương lai Việt Nam cũng có thể có các công ty nước ngoài đến để thiết lập các phòng thí nghiệm ở Việt Nam ví dụ như là Meta hay Google. Tuy nhiên, yếu tố chính để họ có thể quyết định đặt phòng thí nghiệm là nguồn nhân lực của quốc gia đó. Do đó, phát triển nhân tài là nhiệm ưu tiên tại Việt Nam.
- Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Hoàng Giang