Xin ông cho biết một số giá trị, tiềm năng của Vườn Quốc gia Pù Mát?
Ông Nguyễn Thanh Nhàn: Vườn Quốc gia Pù Mát (VQGPM) có diện tích 94.400 ha với hệ động thực vật rất phong phú và đa dạng, đồng thời cũng là vùng lõi, vùng trung tâm của Khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) miền Tây Nghệ An.
Đây là khu rừng đặc dụng có diện tích rừng nguyên sinh lớn nhất miền Bắc Việt Nam và đại diện cho hệ sinh thái rừng nhiệt đới lá rộng vùng Bắc Trường Sơn. Tính đa dạng sinh học được thể hiện ở sự có mặt của hơn 2500 loài thực vật bậc cao có mạch, 120 loài thú lớn nhỏ, 83 loài cá, 75 loài lưỡng cư và bò sát, 395 loài chim và hàng ngàn loài côn trùng. Trong đó có 80 loài thú, 70 loài thực vật được ghi vào sách đỏ Việt Nam và thế giới.
Hầu hết, các loài thú lớn, quý hiếm mới phát hiện ở Việt Nam trong thế kỷ XX đều có mặt ở đây như: Sao la, Mang lớn, Thỏ vằn Trường Sơn…Đây cũng là nơi trú ngụ của quần thể Voi châu Á được đánh giá là lớn nhất Việt Nam về quy mô đàn, là nơi duy nhất từ trước đến nay ở Việt Nam chụp được ảnh của loài Hổ ngoài tự nhiên.
Vườn Quốc gia cũng là nơi có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch sinh thái. Với bảy dân tộc sinh sống trên địa bàn đã tạo nên một không gian bản sắc văn hóa dân tộc. Những đặc trưng giá trị văn hóa thể hiện nỗi bật trong cộng đồng dân tộc Thái với những giá trị bản địa rất đặc sắc.
VQG Pù Mát là địa điểm cuốn hút các du khách đến tham quan, du lịch, khám phá những điều bí ẩn của tự nhiên và các di tích văn hóa, lịch sử quốc gia. Đặc biệt ở vùng này có tộc người Đan Lai (Ly Hà) chỉ còn lại khoảng hơn 300 hộ gia đình, UBND huyện Con Cuông đang thực hiện Dự án: Bảo tồn tộc người Đan lai ở Vùng lõi của VQG Pù Mát.
Theo ông, việc bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên Pù Mát thời gian qua có thuận lợi, khó khăn, vướng mắc nào như thế nào ?
Ông Nguyễn Thanh Nhàn: Được sự quan tâm của TƯ, của UBND tỉnh và cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn, rừng của VQG Pù Mát đang được bảo vệ tương đối tốt. Diện tích lớn rừng mưa nhiệt đới nguyên sinh còn lại tại Pù Mát là một di sản hết sức quý giá sau rất nhiều biến cố của chiến tranh, đặc biệt là trong điều kiện kinh tế của Nghệ An còn rất khó khăn mà hầu hết sinh kế của người dân địa phương miền Tây Nghệ An đều phụ thuộc vào nguồn tài nguyên rừng.
Đồng thời điều này cũng nói lên nỗ lực bảo vệ rừng của nhân dân và chính quyền địa phương, của cán bộ, công chức, viên chức VQG Pù Mát trong bối cảnh chung rừng bị khai thác kiệt quệ ở một số vùng khác trong cả nước phục vụ cho các mục đích phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, công tác quản lý bảo vệ rừng hiện tại còn rất nhiều khó khăn, phức tạp và vướng mắc.
Diện tích rừng lớn, trong khi lực lượng thì vô cùng mỏng (quy định của Chính phủ là tối đa 500ha có một kiểm lâm nhưng VQG Pù Mát là gần 1.500 ha có một kiểm lâm).
Đời sống vật chất, tinh thần của công chức, viên chức thì vô cùng khó khăn trong khi giá cả miền núi rất đắt đỏ. Chế độ đãi ngộ chưa tương xứng và không đáp ứng cuộc sống bình thường nhất.
Trang thiết bị phục vụ công tác QLBVR thiếu thốn, đặc biệt là trang thiết bị phòng chống và chữa cháy rừng. Ngân sách (ngoài lương) cho công tác QLBVR rất ít. Áp lực của cộng đồng để vào rừng là rất lớn. Từ xưa tới nay, họ đã sống dựa vào rừng nên để thay đổi thói quen, tập quán đó không hề đơn giản.
Mặt khác lợi nhuận cao từ việc khai thác trái phép, buôn bán lâm sản làm cho lâm tặc không từ thủ đoạn nào để lôi kéo người dân vào khai thác, chống đối người thi hành công vụ.
Thẩm quyền của công chức, viên chức quản lý bảo vệ rừng chưa đủ để trấn áp lâm tặc. Hệ thống văn bản pháp lý về quản lý bảo vệ rừng còn nhiều vướng mắc, chồng chéo, chưa tạo được sức mạnh tổng hợp.
Từ thực trạng đó, và với vị thế mới quan trọng của VQG Pù Mát, ông có kiến nghị, đề xuất gì?
Ông Nguyễn Thanh Nhàn: Nói đề xuất thì rất nhiều, tuy nhiên, trong điều kiện đất nước cũng như Nghệ An còn nhiều khó khăn nên tôi chỉ kiến nghị, đề xuất mấy nội dung sau:
1- Sắp xếp lại hệ thống các cơ quan, đơn vị chuyên môn về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, tạo vị thế và sức mạnh cho họ.
2- Trang bị cho lực lượng quản lý bảo vệ rừng sức mạnh pháp lý thực sự trong thực thi công vụ (lực lượng kiểm lâm có trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, nhưng quyền lực thực tế không có nên rất ít khi được sử dụng, kể cả trong trường hợp rất cần thiết. Lâm tặc rất hiểu điều đó nên sẵn sàng chống đối.
3- Có chế độ đãi ngộ ít nhất cũng tương xứng với điều kiện đang rất khó khăn, vất vả của những người làm công tác bảo vệ rừng nói chung và đặc biệt là lực lượng công chức, viên chức ở các khu rừng đặc dụng. Nếu so với các ngành khác thì có thể khập khiễng nhưng thực sự, những người làm công tác bảo tồn thiên nhiên ở các khu rừng đặc dụng vô cùng vất vả, về cả vật chất lẫn tinh thần.
4- Ưu tiên đầu tư, phát triển vùng nông thôn miền núi, nhất là vùng đệm của các khu rừng đặc dụng. Tạo công ăn, việc làm, thu nhập bền vững cho họ để giảm bớt áp lực ngày càng lớn vào rừng.
Xin cảm ơn ông
Theo Nhân dân