In bài viết

Giảm nghèo từ xoá mù chữ

(Chinhphu.vn) - Tác động của công tác xoá mù chữ không chỉ đem đến kiến thức văn hoá cho những người mà còn góp phần tích cực trong công tác xoá đói giảm nghèo ở nhiều địa phương.

08/10/2015 17:26

Lớp học xóa mù chữ. Ảnh: VGP/Ngọc Du.

Đó chính là hiệu quả quan trọng mà chương trình “Giáo dục với phát triển cộng đồng” (Reflect) do Tổ chức Actionaid Vietnam (AAV) triển khai tại hơn 10 tỉnh, thành phố trong cả nước suốt 13 năm qua.

Biết chữ, biết tính toán làm ăn

Chị Thập Thị Chính, người dân tộc Khmer tại xã Mỹ Hoà, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh cho biết, đến năm 38 tuổi chị vẫn chưa biết một chữ nào. Bắt đầu từ năm 2003, dự án của AAV bắt đầu triển khai, được sự động viên của Hội Phụ nữ xã và cán bộ dự án, chị mạnh dạn đến học chữ và biết chữ.

Giờ chị đã biết tính toán, biết phân tích các kiến thức trong chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế gia đình. Năm 2009, nhờ vốn vay (15 triệu đồng) từ chương trình hỗ trợ của AVV, chị đã nuôi gà theo phương pháp mới và trồng lúa giống mới. Kinh tế gia đình được cải thiện rõ rệt và ngày một phát triển theo từng năm.

Chị Lâm Thị Dấu, ấp Đồng Cò, xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh chia sẻ, đến năm 2005, khi gần 40 tuổi chị mới biết đến con chữ như thế nào. Từ chỗ bán mấy bó rau mà tính toán mãi không ra, đến nay chị Dấu đã biết lên kế hoạch cho từng vụ mùa sản xuất. Thu nhập hằng năm từ nuôi bò và trồng rau của gia đình chị ổn định với mức từ 50-70 triệu đồng.

Tác động của chương trình

Bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng đại diện AAV tại Việt Nam cho biết, do không biết chữ, không được học tập, tập huấn mở mang kiến thức nói chung và kiến thức trong chăn nuôi, trồng trọt nói riêng nên đại đa số những bà con không biết chữ thường là những hộ nghèo triền miên. Bên cạnh thói quen canh tác chủ yếu có con nào nuôi con đó, trồng cây nào có sẵn thì việc chưa có đủ kiến thức về văn hoá, kỹ năng khiến bà con không thể tính toán phát triển kinh tế gia đình.

Nếu chỉ hỗ trợ vốn hằng năm, hỗ trợ về kỹ thuật mà bản thân bà con không hiểu và không nhận thức được phải làm thế nào để thoát nghèo thì việc xoá đói giảm nghèo cũng chỉ tạm thời, không thể lâu dài và bền vững được.

Từ những thông tin và kiến thức thu thập được trong các lớp học của Chương trình Refect, bà con đã biết tính toán, làm ăn, biết lập kế hoạch để phát triển kinh tế gia đình, góp phần tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, có nhiều người đã vững vàng, tự tin tham gia các tổ chức đoàn thể và có khả năng hướng dẫn người khác, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

Ông Nguyễn Ngọc Du, Phó Trưởng Phòng Giáo dục huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh cho biết, tại huyện Cầu Ngang, từ năm 2013-2015, sau khi hoàn thành các lớp xoá mù chữ và phát triển cộng đồng, các học viên tiếp tục sinh hoạt ở 15 nhóm tại 4 xã của chương trình với tổng số gần 500 người. Các nhóm này bên cạnh học thêm văn hoá sẽ liên kết với các nhóm khác như trồng trọt, chăn nuôi để chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ các hoạt động. Cũng chính từ những buổi sinh hoạt này mà nhiều ý tưởng sản xuất hiệu quả hình thành và phát triển đạt kết quả tốt.

Bên cạnh đó, một số thành viên có năng lực của chương trình sau khi tham gia các lớp học của Reflect đã được cộng đồng tín nhiệm đề cử vào các tổ chức của địa phương như Hội đồng nhân dân xã, Hội Phụ nữ hoặc tham gia vào các hoạt động xã hội truyền thông dân số kế hoạch hóa gia đình, phòng chống HIV/AIDS...

Thanh Thuỷ