Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết sẽ giám sát chặt chẽ quá trình sửa chữa tàu vỏ thép bị hư hỏng. Ảnh VGP/Thế Phong |
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết, thực hiện Nghị định số 67 của Chính phủ, đến nay, UBND tỉnh đã phê quyệt 21 đợt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện đóng mới và nâng cấp tàu cá, trong đó phê duyệt 13 đợt chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới với 256 tàu (148 tàu vỏ thép, 85 tàu vỏ gỗ, 23 tàu vỏ composite).
Hiện toàn tỉnh đã đóng mới 49 tàu vỏ thép tại 9 cơ sở đóng tàu trên toàn quốc, trong đó có 45 tàu vỏ thép đi vào hoạt động từ 1-9 chuyến biển.
Theo phản ánh của ngư dân, hoạt động sản xuất của tàu cá vỏ sắt bước đầu đem lại hiệu quả. Cụ thể, có 24 tàu sản xuất đạt hiệu quả khá, trung bình lãi 60-80 triệu đồng/tàu/chuyến biển. So với các loại tàu vỏ gỗ cùng công suất thì hiệu quả tàu vỏ thép cao hơn từ 15-20% trong mỗi chuyến biển. 6 tàu hoạt động hòa vốn và 15 tàu sản xuất chưa hiệu quả.
Nguyên nhân các tàu hoạt động chưa hiệu quả là do trong quá trình khai thác, một số tàu bị hư hỏng máy, trang thiết bị khai thác, hầm bảo quản, ngư lưới cụ. Trong số này có 11 tàu nằm trong danh sách có đơn phản ánh về tình trạng chất lượng tàu vỏ thép.
Từ tháng 4 vừa qua, nhiều ngư dân phản ánh tình trạng tàu vỏ thép bị rỉ sét nặng, máy tàu thường xuyên bị sự cố; lưới cuốn chân vịt, trang thiết bị khai thác, hàng hải như máy dò, hầm bảo quản, bóng đèn bị hư hỏng hoặc không hoạt động. Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định đã thành lập đoàn công tác đi kiểm tra và bước đầu phát hiện nhiều tàu có vấn đề như đơn phản ánh của ngư dân. Tỉnh cũng đã tổ chức đối thoại giữa chủ tàu, cơ sở đóng tàu, chính quyền địa phương để tìm hướng khắc phục, nhưng các bên không có sự đồng thuận.
Đến ngày 31/5, tỉnh đã tiếp nhận 18 đơn của chủ tàu phản ánh tình trạng tàu vỏ thép bị hư hỏng, không bảo đảm chất lượng theo hợp đồng. Ngay sau đó, UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác thẩm định chất lượng tàu vỏ thép mới có sự tham của các chuyên gia về tàu vỏ thép để xác định chất lượng vỏ tàu, máy tàu và trang thiết bị hàng hải đối với 17/18 tàu (1 chưa kiểm định được là do tàu khai thác ở ngư trường phía Nam), trong đó có 5 tàu do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng, còn lại là do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng.
Kết quả thẩm định cho thấy, nhiều tàu vỏ thép đóng mới không bảo đảm như cam kết trong hợp đồng về chất lượng thép vỏ tàu, máy tàu không bảo đảm, lực máy tời không đúng với hồ sơ thiết kế, máy dò cá bị hỏng, hầm bảo quản giữ nhiệt kém và rỉ sét ở đáy hầm, bóng đèn cao áp không đúng như hợp đồng và thường xuyên bị cháy…
UBND tỉnh Bình Định vừa báo cáo toàn bộ sự việc lên Thủ tướng Chính phủ, đồng thời kiến nghị: Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với Công an Bình Định điều tra, xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cơ sở đóng tàu có hành vi gian lận trong thực hiện hợp đồng với ngư dân; Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại gia hạn nợ, kéo dài thời gian gia ân nợ đối với các chủ tàu vỏ thép bị hư hỏng phải nằm bờ.
Kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (Tổng cục Thủy sản) kiểm định chất lượng các tàu sau khi đã được các công ty đóng tàu sửa chữa, khắc phục đủ điều kiện tham gia khai thác trên biển.
Tàu cá vỏ sắt của ngư dân Bình Định đang chờ sửa chữa. Ảnh: Báo Bình Định |
Phải khắc phục những hư hỏng trong thời gian sớm nhất
Về phía địa phương, hiện nay, tỉnh Bình Định đang đốc thúc các sở, ngành, địa phương cùng phối hợp triển khai phương án khắc phục. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu đã yêu cầu Công ty TNHH MTV Nam Triệu, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương khẩn trương bàn bạc với các chủ tàu vỏ thép bị hư hỏng do đơn vị mình đóng, căn cứ hợp đồng đã ký kết để xác định rõ những hư hỏng về máy móc, trang thiết bị, vỏ tàu theo kết luận của tổ thẩm định.
Đồng thời lập biên bản cam kết với chủ tàu có sự chứng kiến của Sở NN&PTNT, phải khắc phục những hư hỏng trong thời gian sớm nhất để ngư dân giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, sớm ra khơi bám biển sản xuất. Giao Sở NN&PTNT cử tổ chuyên gia kỹ thuật cùng phối hợp, hướng dẫn và giám sát việc thực hiện; yêu cầu các cơ sở đóng tàu phải hợp tác chặt chẽ với tổ chuyên viên của tỉnh trong quá trình thực hiện.
Các yêu cầu bắt buộc đối với Công ty Nam Triệu và Công ty Đại Nguyên Dương khi sửa chữa là: Phải thay mới toàn bộ máy chính không đồng bộ đã lắp trên tàu vỏ thép; thay thép Trung Quốc ở phần vỏ tàu bằng thép Hàn Quốc bảo đảm thép cấp A và các chỉ số đạt tiêu chuẩn đóng tàu vỏ thép; sơn lại toàn bộ tàu theo đúng quy trình bảo dưỡng tàu vỏ thép; sửa chữa hoặc làm mới hệ thống hầm bảo quản, hệ thống điện khai thác, máy dò ngang…
Ông Phan Trọng Hổ cho biết, hiện nay Sở NN&PTNT tỉnh đang hướng dẫn ngư dân và hai cơ sở đóng tàu trên xây dựng phương án sửa chữa, khắc phục tàu cá bị hư hỏng. Yêu cầu đặt ra đối với quá trình sửa chữa phải có sự giám sát của tổ chuyên viên kỹ thuật của Sở theo dõi quá trình sửa chữa, bảo đảm về mặt giấy tờ đăng kiểm tàu cá.
Bên cạnh đó, đề nghị ngư dân phối hợp giám sát và mời đơn vị giám sát độc lập để kiểm tra chặt chẽ chất lượng, chủng loại máy móc, trang thiết bị đưa vào con tàu, như vậy mới bảo đảm chất lượng cho tàu. Trách nhiệm của ngành nông nghiệp tỉnh sẽ hướng dẫn ngư dân lựa chọn đơn vị tư vấn, giám sát cho phù hợp với từng loại tàu.
Mới đây các đơn vị đóng tàu nói trên đã trình phương án sửa chữa, khắc phục tàu cá hư hỏng, tuy nhiên chưa phù hợp với yêu cầu của UBND tỉnh.
Đối với phần vỏ tàu, tỉnh yêu cầu phải thay thép Trung Quốc bằng thép Hàn Quốc bảo đảm cấp A và các chỉ số đạt tiêu chuẩn đóng tàu vỏ thép. Tuy nhiên, doanh nghiệp đóng tàu đề nghị kiểm tra tổng thể mẫu thép vỏ tàu, nếu thép Trung Quốc đạt cấp A thì giữ lại, vị trí nào không đạt cấp A thì mới thay thế bằng thép Hàn Quốc đạt cấp A. Về vấn đề này, Sở NN&PTNT cho biết đang xin ý kiến chỉ đạo của Bộ NN&PTNT.
Cùng với chỉ đạo hướng xử lý đối với tàu vỏ thép kém chất lượng, UBND tỉnh Bình Định cho biết tiếp tục triển khai Nghị định 67. Nhiều ngư dân đang gửi đơn đề nghị và tỉnh tiếp tục xét, hướng dẫn ngư dân chú ý chọn cơ sở đóng tàu có uy tín và có sự giám sát chặt chẽ trong quá trình triển khai nhằm bảo đảm chất lượng con tàu trước khi ra khơi.
Thế Phong