Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 21/4, trên thế giới đã ghi nhận ít nhất 169 trường hợp viêm gan cấp tính ở trẻ em từ 1 tháng tuổi đến 16 tuổi tại 12 quốc gia, trong đó đã có 1 bệnh nhi tử vong và 17 bệnh nhi phải ghép gan. Các trường hợp bệnh tập trung chủ yếu tại Anh (114 ca), Tây Ban Nha (13), Israel (12), Mỹ (9) và một số quốc gia châu Âu. Khu vực châu Á cũng đã ghi nhận ca bệnh đầu tiên tại Nhật Bản vào ngày 25/4.
Các trường hợp được xác định là viêm gan cấp tính này có biểu hiện như đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa và men gan tăng cao rõ rệt. Hầu hết các trường hợp được báo cáo đều không bị sốt và không phát hiện nhiễm các loại virus phổ biến gây viêm gan virus cấp tính (như virus viêm gan A, B, C, D và E).
WHO và Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh châu Âu cho biết, hiện nguyên nhân chính xác gây viêm gan ở những bệnh nhi này vẫn chưa được tìm ra. Các cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục.
Để chủ động giám sát các ca bệnh viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân và kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Bộ Y tế đề nghị sở y tế các địa phương tập trung tăng cường lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân tại cơ sở y tế.
Nếu phát hiện các trường hợp bất thường, không rõ nguyên nhân, đề nghị các sở y tế báo cáo ngay về Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) để theo dõi, chỉ đạo kịp thời.
Bộ Y tế cũng đề nghị các sở y tế chỉ đạo tăng cường triển khai bao phủ tiêm vaccine viêm gan B cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng tại các cơ sở y tế đạt tỉ lệ đề ra và đảm bảo an toàn, không để tồn tại các khu vực có tỉ lệ tiêm chủng vaccine viêm gan B cho trẻ em đạt thấp, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh.
Đồng thời, thực hiện tốt việc khám, sàng lọc phát hiện sớm các trường hợp nhiễm virus viêm gan để điều trị, quản lý kịp thời hạn chế biến chứng; chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị y tế trên địa bàn thực hiện tốt các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế trong việc dự phòng, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân viêm gan virus.
Hiền Minh