In bài viết

Giảm TNGT bằng “lấp lỗ hổng” chính sách

(Chinhphu.vn) - Kết quả phân tích các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng cho thấy một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn là do sự buông lỏng trong công tác quản lý Nhà nước về vận tải.

19/07/2013 11:03

Trong công tác quản lý Nhà nước và thực thi pháp luật ở lĩnh vực giao thông đường bộ (lĩnh vực chiếm phần lớn số vụ TNGT nói chung và số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm chết nhiều người thời gian qua), Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng thừa nhận còn nhiều vấn đề góp phần dẫn đến TNGT.

8 vấn đề nổi cộm

Đó là (1) buông lỏng quản lý công tác cấp giấy phép kinh doanh vận tải, chấp thuận mở tuyến, khai thác tuyến; (2) thực hiện chưa nghiêm quy định về chất lượng thiết bị giám sát hành trình, đơn vị kinh doanh vận tải không tổ chức bộ phận theo dõi ATGT; (3) buông lỏng công tác quản lý Nhà nước tại các bến xe, đầu mối hàng hóa nên xảy ra hiện tượng bến xe khách thông đồng với các nhà xe cho xe không đăng ký kinh doanh vào đón khách; (4) nhiều quy định về công tác đào tạo sát hạch lái xe thực hiện chưa nghiêm (nhất là không thực hiện đầy đủ nội dung chương trình đào tạo lái xe, đặc biệt là phần thực hành lái hiện trường); (5) còn để xảy ra hiện tượng chủ xe, lái xe thuê phụ tùng để qua đăng kiểm, sau đó sử dụng lại phụ tùng cũ khi vận hành phương tiện; (6) điều kiện cơ bản về kết cấu hạ tầng chưa đảm bảo, biển báo, tín hiệu ở nhiều đoạn đường chưa hợp lý, các đường lánh nạn chưa được bố trí đủ; (7) hiệu quả công tác tuần tra vi phạm, kiểm soát xử lý vi phạm tại nhiều địa phương, nhiều tuyến đường còn chưa cao, vẫn còn tình trạng vi phạm nhiều xử lý ít; (8) công tác giáo dục đạo đức tư tưởng  đối với người thi hành nhiệm vụ  chưa tốt, còn để xảy ra hiện tượng thông đồng, bao che, dung túng với những vi phạm về điều kiện kinh doanh vận tải, bến xe, đầu mối hàng hóa…

Từ đánh giá về thực trạng này, Bộ GTVT đã đưa ra một số giải pháp nhằm phòng ngừa và kéo giảm TNGT.

Hoàn thiện quy định pháp luật về quản lý vận tải

Trước hết, trong tháng 7 này, Bộ GTVT ban hành Thông tư  quy định về tổ chức, quản lý hoạt động  vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ nhằm khắc phục ngay những kẽ hở dễ phát sinh tiêu cực trong quy định về quản lý vận tải hành khách và hàng hoá bằng xe ô tô (như: lập và công bố quy hoạch mạng lưới vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh, nội tỉnh; quy hoạch về vận tải taxi; quy định về lập điểm đón trả khách dọc hành trình tuyến vận tải hành khách cố định…).

Bên cạnh đó là Thông tư quy định về xếp hàng hóa lên ô tô, trong đó quy định cụ thể về cách thức sắp xếp và định vị hàng hóa trên xe để bảo đảm đúng các quy định về trọng tải cầu đường, tải trọng phương tiện sẽ được ban hành trong tháng 8/2013.

Cũng trong năm 2013, Bộ sẽ ban hành Thông tư bổ sung sửa đổi Thông tư 46/2012/TT-BGTVT quy định về thủ tục khám sức khoẻ  tại chỗ đối với thí sinh trước khi tiến hành sát hạch cấp giấy phép lái xe và đối với những người làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe hạng D,E và FC...

Đặc biệt trong năm 2013 Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ kế hoạch xây dựng Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh  vận tải đường bộ thay thế Nghị định 91/2009/NĐ-CP và Nghị định 93/2012/NĐ-CP để ban hành vào đầu năm 2014.

Theo Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Khuất Việt Hùng, điểm đáng chú ý của Nghị định mới là mở rộng đối tượng yêu cầu bắt buộc phải gắn thiết bị giám sát hành trình, đặc biệt là phương tiện vận tải hàng hoá (hiện nay chỉ quy định xe chở khách, xe container phải gắn thiết bị này, còn tới đây, tất cả các phương tiện vận  tải hàng hoá, từ xe có tải trọng 5 tấn trở lên đều phải lắp thiết bị giám sát hành trình).

Bộ GTVT sẽ tiếp thu ý kiến của Hiệp hội Vận tải Ô tô để có quy định chặt chẽ hơn về điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ, đảm bảo các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này phải có quy trình quản lý hoạt động vận tải đáp ứng yêu cầu về an toàn, tiện lợi trong công tác phục vụ hành khách.

Siết chặt quy định về thiết bị giám sát hành trình

Vụ Vận tải và một số cơ quan liên quan đang xây dựng một dự án thí điểm tích hợp dữ liệu các thiết bị hành trình. Sau khi đánh giá kết quả thí điểm tích hợp sẽ lựa chọn kết quả tối ưu để bổ sung, hoàn thiện nội dung Thông tư quy định về quản lý  và khai thác dữ  liệu giám sát hành trình xe

Theo Chánh Thanh tra Bộ GTVT Nguyễn Văn Huyện, ngay trong tháng 7, Bộ sẽ tổ chức kiểm tra việc lắp đặt, sử dụng thiết bị giám sát hành trình. Nếu thiết bị của xe nào không triết xuất được thông tin sẽ bị tước ngay phù hiệu. Ngoài ra, một đoàn công tác của Bộ sẽ đến làm việc với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, nếu doanh nghiệp nào có 20% số xe vi phạm tốc độ hoặc 5% số xe vi phạm hành chính sẽ bị tước giấy phép.

Theo ông Huyện, sau 2 năm triển khai lắp thiết bị giám sát hành trình, đến nay, đã có hơn 200.000 xe ô tô lắp thiết bị này (trong khi chỉ có 48.600 xe thuộc diện bắt buộc phải lắp đặt). Điều này cho thấy các doanh nghiệp đã ý thức được sự cần thiết của việc lắp thiết bị giám sát hành trình. Mặc dù vậy, các thiết bị có triết xuất được thông tin hay không vẫn là vấn đề còn bị để ngỏ.

Ông Nguyễn Văn Huyện cho rằng hiện nay các văn bản pháp lý liên quan đã đầy đủ, do vậy các doanh nghiệp cần nghiêm túc chấp hành quy định của Bộ GTVT về thiết bị giám sát hành trình.

Đan Lê