In bài viết

Giãn cách xã hội toàn tỉnh Đồng Tháp theo Chỉ thị 16/CT-TTg

(Chinhphu.vn) – UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành văn bản 343/UBND-THVX về cách ly xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

13/07/2021 15:30

Theo đó, UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu mở rộng phạm vi cách ly xã hội đối với thành phố Cao Lãnh, thành phố Hồng Ngự và các huyện: Tháp Mười, Tam Nông, Hồng Ngự, Thanh Bình, Tân Hồng theo tinh thần của Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong vòng 15 ngày kể từ 00 giờ ngày 14/7.

Trước đó, UBND tỉnh Đồng Tháp đã quyết định áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại Thành phố Sa Đéc và các huyện: Châu Thành, Lai Vung, Lấp Vò, Cao Lãnh từ 0h ngày 11/7/2021 trong 15 ngày. Thành phố Cao Lãnh, thành phố Hồng Ngự và các huyện: Tháp Mười, Tam Nông, Hồng Ngự, Thanh Bình, Tân Hồng triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 315/UBND-THVX ngày 06/7/2021 của UBND tỉnh với mức "nguy cơ cao" trên địa bàn tỉnh.

Theo văn bản mới, UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu tất cả huyện, thành phố trong tỉnh phải thực hiện nghiêm các nội dung sau:

Thứ nhất, bảo đảm nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, khóm/ ấp cách ly với khóm/ ấp, xã/ phường/ thị trấn cách ly với xã/ phường/ thị trấn, huyện/ thành phố cách ly với huyện/ thành phố.

Thứ hai, thực hiện nhanh việc phát hiện, khoanh vùng, cách ly, lấy mẫu, xét nghiệm đúng quy trình và thời gian quy định.

Thứ ba, tạm dừng tất cả các loại hình kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu.

Thứ tư, UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết nêu tại Công văn số 339/UBND-THVX ngày 10/7/2021.

Trường hợp ra khỏi nhà phải mang khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá 02 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 02 mét.

Thứ năm, dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng, trừ các trường hợp vì lý do công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa. Hạn chế tối đa hoạt động của các phương tiện cá nhân.

Thứ sáu, các cơ sở sản xuất, công trường, công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu,...); ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ... được tiếp tục hoạt động.

Người đứng đầu các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch, trong đó lưu ý các biện pháp sau:

Một là, các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhiều lao động thực hiện nguyên tắc 3 tại chỗ: sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ. Tạm dừng hoạt động đối với doanh nghiệp chưa xây dựng phương án thực hiện nguyên tắc 3 tại chỗ cho đến khi xây dựng hoàn chỉnh.

Hai là, thực hiện nghiêm 5K, đặc biệt là mang khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, đo thân nhiệt, bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư phòng, chống dịch theo quy định, khuyến cáo của cơ quan y tế.

Ba là, yêu cầu người lao động bắt buộc khai báo y tế, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch khi tiếp xúc, giao tiếp.

Bốn là, tạm dừng các hoạt động không cấp bách, giảm mức độ tập trung người lao động.

Thứ bẩy, bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất.

Dừng chợ truyền thống

UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện: Quyết định ngay việc tạm dừng chợ truyền thống, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cụm công nghiệp nếu không bảo đảm an toàn phòng, chống dịch hoặc phát hiện trường hợp F0; thiết lập ngay các chốt và cách ly y tế vùng đối với những vùng dịch diễn biến phức tạp, các yếu tố dịch tễ khó kiểm soát và dịch có nguy cơ lây lan rộng; thiết lập cách ly y tế tập trung tại khu vực, địa điểm có đông người lao động là F1 lưu trú (ký túc xá, nhà trọ tập trung đông công nhân).

Cùng với đó, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, khẩn trương chuẩn bị các phương án cách ly tập trung, bảo đảm các điều kiện tại cơ sở cách ly về nhân lực, vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị… đồng thời phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định; có phương án quản lý chặt chẽ các cụm, điểm công nghiệp; hướng dẫn và thẩm định các phương án 03 tại chỗ đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn; tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ quy định. 

Không để dịch lan rộng, hạn chế thấp nhất người tử vong

Sở Y tế chủ trì, phối hợp các ngành, địa phương tận dụng triệt để 15 ngày cách ly xã hội tăng cường ngăn chặn, khoanh vùng, cách ly triệt để, dập dịch kịp thời, không để dịch tiếp tục bùng phát, lan rộng để bảo vệ sức khỏe nhân dân, hạn chế thấp nhất số mắc và tử vong, giảm thiểu tác động đến phát triển kinh tế, xã hội; chỉ đạo các đơn vị có chức năng thuộc Sở hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện test nhanh kháng nguyên với SARS-CoV-2 theo nhu cầu; tăng cường năng lực y tế, nhất là năng lực xét nghiệm, đảm bảo quy trình thời gian phát hiện, lấy mẫu xét nghiệm và công bố kết quả không quá 18 giờ.

Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng y tế ngành tham gia tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 tại các huyện, thành phố; tăng cường chỉ đạo việc bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, nhất là cơ sở cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến và vùng nông thôn trong thời gian giãn cách xã hội; chỉ đạo Đội trưởng Đội Kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm các biện pháp về phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo tổ chức, sắp xếp, mở rộng các cơ sở cách ly tập trung, bảo đảm  không để lây chéo tại các cơ sở cách ly tập trung; chỉ đạo lực lượng quân y tham gia vào công tác tại các cơ sở cách ly tập trung; phối hợp Sở Y tế tham gia truy vết, lấy mẫu phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Đảm bảo lưu thông hàng hóa, lương thực, thực phẩm

Sở Giao thông vận tải chỉ đạo tạm dừng hoạt động các bến khách ngang sông, bến thủy vận tải hành khách công cộng, trừ phục vụ vận tải hàng hóa; hướng dẫn các huyện, thành phố phân luồng phương tiện giao thông bảo đảm cho việc lưu thông hàng hóa được thuận lợi, thông suốt.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương phối hợp Sở Giao thông vận tải bảo đảm tổ chức tốt việc sản xuất, tiêu thụ; cung cấp lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm trên địa bàn tỉnh.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Liên đoàn lao động tỉnh, các địa phương hướng dẫn các doanh nghiệp có phương án sắp xếp, bố trí lao động sản xuất, kinh doanh phù hợp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh; phối hợp với các sở, ngành tỉnh khẩn trương triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; rà soát, tổ chức cho người lang thang, cơ nhỡ, sống tại nơi công cộng vào Trung tâm bảo trợ xã hội để quản lý, kiểm soát, phòng chống dịch.

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh phối hợp các ngành liên quan và địa phương tăng cường quản lý và hướng dẫn các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 16/CT-TTg; đồng thời, hướng dẫn và thẩm định các phương án 03 tại chỗ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì hoạt động.

Bí thư, Chủ tịch trực tiếp chỉ huy chống dịch

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Tháp và các Tiểu ban giúp việc chỉ đạo khẩn trương thực hiện đúng các nhiệm vụ đã được phân công. Trong đó, thực hiện tốt công tác tổng hợp thông tin để cung cấp và báo cáo theo quy định (sáng, trưa, chiều).

Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Bí thư huyện ủy, thành ủy, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố là người trực tiếp chỉ huy, phân công cán bộ trực chống dịch 24/24 giờ; xử lý ngay các trường hợp phát sinh trong lĩnh vực, địa bàn mình quản lý và chịu trách nhiệm khi để dịch lây lan trên địa bàn quản lý.

Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung công văn này, nhất là công tác thông tin theo yêu cầu của Tiểu ban thông tin, tuyên truyền.

Đã có 632 ca mắc COVID-19

Từ 06 giờ đến 12 giờ ngày 13/7, Đồng Tháp ghi nhận thêm 12 ca mắc mới. Tính từ ngày 24/6 đến nay Đồng Tháp đã ghi nhận tổng cộng 632 ca mắc COVID-19.

Có 05 trường hợp là F1 đang cách ly tập trung, trong đó, 03 trường hợp có địa chỉ Ấp 2 và Ấp 4, xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh - là F1 của BN N.T.T.T.A, liên quan đến công ty chế biến thuỷ sản ở xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh; 01 trường hợp có địa chỉ ấp Long Định, xã Long Thắng, huyện Lai Vung (nhân viên của Xí nghiệp May 6); 01 trường hợp có địa chỉ khóm Tân Mỹ, phường Tân Qui Đông, thành phố Sa Đéc - là F1 của BN20595 (liên quan Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc).

Có 7 trường hợp trong cộng đồng, cụ thể là: 1 trường hợp ở thành phố Sa Đéc, là nhân viên của Chi nhánh Công ty USFEED (đang điều tra dịch tễ); 1 trường hợp ở thành phố Sa Đéc là nhân viên Công ty Thủy sản Cửu Long (đang điều tra dịch tễ); 1 trường hợp ở huyện Cao Lãnh được Bệnh viện Phổi test kháng nguyên nhanh sàng lọc dương tính, xét nghiệm RT-PCR dương tính; 1 trường hợp là tài xế ở huyện Cao Lãnh, bệnh nhân này đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để thực hiện test theo yêu cầu, kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính. 2 trường hợp được phát hiện tại Bệnh viện Tâm Trí, test kháng nguyên nhanh sàng lọc dương tính, xét nghiệm RT-PCR dương tính (01 ca ở thành phố Cao Lãnh và 01 ca ở huyện Tháp Mười). 1 trường hợp là công nhân Công ty Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy sản CADOVIMEX II (đang điều tra dịch tễ).

Khẩn cấp phòng chống dịch bệnh trong khu công nghiệp

Sáng 13/7, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đã làm việc với các doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp Sa Đéc để chỉ đạo khẩn cấp công tác phòng, chống dịch bệnh ngay sau khi phát hiện các ca mắc COVID-19 trong Khu Công nghiệp này.

Ông Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu 03 doanh nghiệp có ca mắc COVID-19 tạm dừng hoạt động để phục vụ công tác phòng, chống dịch; đồng thời tiếp tục phối hợp ngành chức năng, các địa phương khẩn trương điều tra, khoanh vùng, truy vết các F1, F2 bên trong và bên ngoài doanh nghiệp, nơi cư trú của công nhân; thông báo danh sách công nhân tới các địa phương, yêu cầu các trường hợp liên quan nhanh chóng liên hệ cơ quan y tế và chủ động khai báo.

UBND thành phố Sa Đéc rà soát số công nhân tạm trú tại các khu nhà trọ trên địa bàn, quản lý, kiểm soát chặt chẽ, chủ động phương án xử lý khi phát sinh các tình huống.

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh phối hợp các ngành liên quan và địa phương tăng cường quản lý và hướng dẫn các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 16/CT-TTg; đồng thời, hướng dẫn và thẩm định các phương án 03 tại chỗ (sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ), nếu không đảm bảo thì cho tạm ngưng hoạt động.

Khu Công nghiệp Sa Đéc (gồm 03 khu: A1, C, C - mở rộng) hiện có khoảng 30 doanh nghiệp đang hoạt động trên các lĩnh vực: Chế biến thực phẩm, gạo, cá tra, thức ăn chăn nuôi… với khoảng 9.400 công nhân./.