Ảnh minh họa |
Hiện cả nước có 322/457 bến xe ô tô khách loại 4 trở lên, đảm bảo phục vụ vận tải hành khách liên tỉnh theo quy định của Bộ Giao thông vận tải. Như vậy, bình quân mỗi địa phương có 7 bến xe, phục vụ cho khoảng 2.500 tuyến vận tải hành khách liên tỉnh.
Các bến xe này có diện tích và trang thiết bị tuy đảm bảo quy chuẩn nhưng mới chỉ dừng ở mức độ phục vụ được nhu cầu tối thiểu của hành khách. Nhiều bến xe chưa quan tâm xây dựng và tổ chức các dịch vụ phụ trợ cho hành khách như giải trí, giao thông tiếp cận, lưu trú qua đêm …
Ngoài các TP lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Hải Phòng… thì tỷ lệ các bến xe được xây dựng quy mô, hiện đại còn thấp; hành khách ít được tiếp cận với thông tin về thời gian biểu xuất-nhập bến, giá vé, chất lượng dịch vụ …
Quy hoạch bến xe tại các địa phương chưa sát với yêu cầu và sự phát triển thực tế. Cụ thể, theo quy hoạch, đến năm 2010, Bình Định phải có 10 bến xe. Nhưng thực tế, đến nay (2014), địa phương này đang có 6 bến xe, mà đều chưa phục vụ hết công suất. Tại Thái Bình, theo quy hoạch đến năm 2020 sẽ có 20 bến xe. Nhưng đến nay, 14 bến xe đang hoạt động tại tỉnh, ngoài bến xe trung tâm TP, còn lại đều có lượng xe xuất bến thấp, hoạt động kém hiệu quả.
Trong khi đó, tại hai TP lớn là Hồ Chí Minh và Hà Nội, các bến xe quá tải, công tác quản lý kém gây ảnh hưởng lớn đến tổ chức giao thông công cộng của đô thị.
Bên cạnh đó, tại một số địa phương khác, quy hoạch bến không kết nối được với các phương thức vận tải công cộng khác; vị trí nhiều bến xe cận nhau; qui hoạch không ổn định …
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, xã hội hóa bến xe khách là yêu cầu tất yếu trong quá trình phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong thời gian tới.
Phan Hiển