In bài viết

Giao Dự án trồng cây cao su, cây lâm nghiệp trên đất rừng tự nhiên ở Hàm Tân (Bình Thuận): Muốn giữ lại cánh rừng đang tái sinh

Từ khi có Quyết định của UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt Dự án trồng cây cao su, cây lâm nghiệp trên đất rừng tự nhiên thuộc địa phận xã Sông Phan, huyện Hàm Tân thì cả người dân và cán bộ của huyện đều muốn giữ lại cánh rừng này.

14/06/2011 11:37
Theo Quyết định của UBND tỉnh ký ngày 31/5/2011, tổng diện tích dự án giao cho Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Hàm Tân (Công ty Lâm nghiệp Hàm Tân) là 983,6ha, gồm các tiểu khu 386B, 387, thuộc rừng tự nhiên ở xã Sông Phan. Mục tiêu của dự án là trồng cây cao su và cây lâm nghiệp khác theo phương án cải tạo rừng đã được phê duyệt, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp, hiệu quả sản xuất kinh doanh của Công ty Lâm nghiệp Hàm Tân. Theo dự án có 342 ha trồng cây cao su, 623,2 ha trồng keo lai…Chi phí đầu tư và nguồn vốn thực hiện gần 46 tỷ đồng, thời gian cải tạo và hoàn thành trồng mới trong 2 năm (2011 – 2012).
Như vậy, nếu muốn trồng cao su thì phải “bóc trắng” rừng cũ để tái tạo rừng mới. Nhưng nhiều luồng dư luận cho rằng, đây không phải là rừng nghèo kiệt, mà là rừng non đang tái sinh. Ông Nguyễn Quốc Hưng, Bí thư và Chủ tịch UBND xã Sông Phan cho biết: Theo Quyết định phê duyệt phương án cải tạo rừng tự nhiên của UBND tỉnh, thì tổng diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt là rừng sản xuất đạt tiêu chí cải tạo nằm trên địa bàn xã Sông Phan là 1.616 ha. Đây cũng là diện tích mà Nhà nước giao khoán bảo vệ rừng cho 50 hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số của xã theo Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy gần 10 năm nay. Khi có quyết định giao lại cho Công ty lâm nghiệp Hàm Tân, số hộ trên không còn được nhận giao khoán nữa.
Một câu hỏi đặt ra là, nếu là rừng nghèo kiệt thì trước đây các ngành chức năng đã không giao khoán cho bà con bảo vệ. Rừng tự nhiên ở Sông Phan đã thực sự nghèo kiệt để cải tạo chưa, hay vẫn còn xanh tốt và sau 2 năm cải tạo theo phương án trồng cây cao su, keo lai thì toàn bộ diện tích rừng đó có bằng rừng tự nhiên như hiện trạng không? Trong khi phần lớn diện tích rừng nằm trên tầng đất đồi dốc, đá ngầm này. Khi đã “bóc trắng” một cánh rừng đang tái sinh đi rồi thì bao nhiêu năm nữa mới có lại được màu xanh bằng rừng tự nhiên đã tồn tại hàng chục năm? Một cán bộ hưu trí của huyện Hàm Tân bức xúc: Đây là dự án mà người ta làm từ trên xuống, có thuê cơ quan chức năng khảo sát hẳn hoi. Nhưng thực tế rừng này là rừng non, rừng còn xanh tốt. Quan điểm của huyện Hàm Tân là muốn giữ khu rừng này lại, ngay cả Thường vụ của huyện lúc đó cũng muốn giữ lại. Quan điểm của tôi cũng như nhiều cán bộ và nhân dân huyện Hàm Tân là muốn giữ lại khu rừng tái sinh này sẽ hay hơn là trồng cao su.Trao đổi với một lãnh đạo đương nhiệm của huyện Hàm Tân, ông cho biết: Lúc đầu huyện Hàm Tân không “mê” phương án này, nhưng Trung ương và UBND tỉnh có chủ trương cải tạo rừng nghèo kiệt chuyển sang trồng cây lâm nghiệp thì huyện phải chấp hành.
Chủ trương chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo kiệt sang trồng cây lâm nghiệp là chủ trương đúng đắn của tỉnh. Tuy nhiên, cũng cần phải xem xét từng trường hợp cụ thể, chuyển đổi có đạt được hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường bền vững hay không so với hiện tại? Nhân ngày Môi trường Quốc tế với chủ đề “bảo vệ rừng” (5/6), nên cân nhắc lại thật kỹ quyết định này.
PL