Ngày 25/10, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Hợp tác phát triển giáo dục tổ chức Hội thảo "Giáo dục đạo đức cho học sinh phổ thông - Thực trạng và giải pháp".
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phạm Quang Thao nhấn mạnh, đạo đức là nền tảng để phát triển năng lực và các phẩm chất khác của nhân cách. Thực tiễn giáo dục đạo đức cho học sinh trong nhiều năm gần đây đang là vấn đề được toàn ngành giáo dục và cả xã hội quan tâm.
Các vụ việc vi phạm đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật khiến cho dư luận xã hội hết sức lo lắng, bức xúc với tình trạng xuống cấp, suy thoái đạo đức của học sinh. Trong các nhà trường phổ thông hiện nay thường chú trọng dạy văn hóa mà chưa coi trọng đúng mức về giáo dục đạo đức.
Trước thực tế đó, hội thảo được tổ chức nhằm thu thập ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về giáo dục, từ đó đề ra những giải pháp ngăn chặn nguy cơ dẫn đến suy thoái đạo đức của học sinh cũng như những kiến nghị đối với cơ quan chức năng về cơ chế, chính sách và phương thức quản lý, giáo dục để ngăn chặn nguy cơ dẫn đến suy thoái đạo đức của học sinh.
Tại hội thảo, PGS.TS Phạm Viết Vượng (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết, qua các công trình nghiên cứu, các báo cáo của nhà trường, địa phương cũng như tổng kết hàng năm của ngành giáo dục cho thấy học sinh Việt Nam có nhiều phẩm chất quý báu cần được giáo dục phát huy.
Nhiều học sinh có ý thức rèn luyện, phấn đấu, đoạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế. Nhiều học sinh vùng khó khăn, thiếu thốn nhưng biết vượt nghèo, học giỏi. Nhiều học sinh tình nguyện cõng bạn tật nguyệt đến trường không quản ngại mưa nắng hay dũng cảm cứu bạn bị đuối nước...
Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ học sinh phổ thông có những hành vi lệch chuẩn trong đạo đức, lối sống như: Nói năng thiếu lễ độ, đánh nhau, bạo lực học đường, thích đua đòi, ăn diện, vi phạm pháp luật...
Theo PGS.TS Phạm Viết Vượng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hành vi lệch chuẩn trong đạo đức, lối sống của học sinh (do đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi; do nguyên nhân từ phía gia đình; sự phát triển của Internet, mạng xã hội; do cơ chế thị trường, toàn cầu hóa...).
Vì vậy, cần sử dụng các phương pháp và hình thức tổ chức đa dạng, hấp dẫn phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi học sinh. Đặc biệt, nhà trường cần phối hợp với gia đình, chính quyền và các cơ quan, đoàn thể địa phương sớm phát hiện những hành vi lệch chuẩn trong và ngoài nhà trường để cùng tìm ra các biện pháp ngăn chặn, uốn nắn kịp thời.
Đưa ra giải pháp, PGS. TS. Phạm Viết Vượng cho rằng, ngành giáo dục nên biên soạn các tài liệu về giáo dục gia đình, đạo đức, lối sống truyền thống và hiện đại của thế giới văn minh cho học sinh và phụ huynh tham khảo.
Đồng thời, nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường. Khoa học và thực tiễn đều khẳng định, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh tốt nhất là thông qua giảng dạy các môn khoa học nhằm nâng cao năng lực nhận thức và tư duy độc lập cho các em. Đồng thời, nâng cao chất lượng giảng dạy các môn khoa học xã hội, đạo đức, giáo dục công dân, lịch sử…
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng và hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng giáo dục, xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa gia đình, nhà trường và xã hội để phối hợp giải quyết các tình huống có thể xảy ra đối với học sinh.
Bày tỏ quan điểm, PGS.TS Trần Đình Tuấn, Viện Nghiên cứu Hợp tác phát triển giáo dục cho rằng, những năm gần đây, thực trạng vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật của học sinh đã và đang làm cho dư luận xã hội lo lắng. Đặc biệt, tình trạng suy thoái tư tưởng, giảm sút niềm tin, thái độ thờ ơ, vô cảm, lối sống buông thả, lệch chuẩn của một bộ phận học sinh là một nguy cơ nguy hiểm nhất hiện nay.
PGS.TS Trần Đình Tuấn đã đưa ra 5 giải pháp ngăn chặn nguy cơ suy thoái đạo đức của học sinh. Đó là: Xây dựng nhà trường thực sự trở thành trung tâm giáo dục đạo đức cho học sinh; xác định rõ mục đích, chức năng của quá trình giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh trong nhà trường; đổi mới chương trình giáo dục, tăng tỉ lệ thời gian và các môn giáo dục đạo đức trong nhà trường; xây dựng nội dung giáo dục đạo đức cho từng lớp và từng cấp học phù hợp độ tuổi; đa dạng hóa các phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục đạo đức trong nhà trường.
Vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, ngăn chặn nguy cơ suy thoái đạo đức của học sinh phổ thông trong bối cảnh hiện nay là một nhiệm vụ cấp bách của mọi nhà trường phổ thông, của toàn ngành giáo dục.
"Giải pháp gốc để ngăn chặn nguy cơ suy thoái đạo đức trong học sinh là phải quán triệt triết lý giáo dục "Tiên học lễ, hậu học văn", thực sự lấy đức làm gốc trong xây dựng chương trình, nội dung giáo dục phổ thông hiện nay", PGS.TS Trần Đình Tuấn nhấn mạnh.
Hoàng Giang