In bài viết

Giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên trong thời kỳ hội nhập

(Chinhphu.vn) - Trong suốt cuộc đời cách mạng vẻ vang của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng vai trò, vị trí của thanh niên và đặc biệt quan tâm chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Tư tưởng đó của Bác đang và sẽ tiếp tục dẫn dắt chúng ta trong sự nghiệp “trồng người”; bảo đảm xây dựng đội ngũ kế cận tài đức cho cách mạng trong giai đoạn hiện nay.

31/08/2019 08:12

Trong Di chúc để lại, ngay sau phần nói về Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành một phần quan trọng để nói về vai trò của thanh niên và công tác thanh niên của Đảng. Người viết: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”.

Lời dạy đó đến nay càng khẳng định giá trị, nhất là trong bối cảnh đất nước hội nhập mạnh mẽ. Điều này đặt ra cho công tác giáo dục chính trị đối với thanh niên những thách thức cần thay đổi cả về phương pháp truyền đạt lẫn nội dung phong phú, hấp dẫn.

Em Võ Thị Thuỳ Nhung, sinh viên Đại học Kinh tế Đà Nẵng chia sẻ, các môn học giáo dục chính trị có vẻ hơi khó hiểu cũng như là hơi khó tiếp thu so với em. Trong giờ học thì thầy cô đã giảng, truyền đạt nội dung của môn học, mặc dù có lắng nghe những em khó có thể hình dung cũng như hiểu những căn bản trong đó... 

Theo Ths. Lê Văn Thao, Khoa Lý luận Chính trị, Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng: “Khi đi dạy không phải lúc nào mình cũng chỉ sử dụng một phương pháp, thuyết trình hay là giảng dạy hay là thảo luận, nêu vấn đề... mà tùy vào từng đơn vị kiến thức tùy vào đối tượng, ví dụ như cho sinh viên của mỗi ngành có thể khác nhau, học viên cao học thì phải khác nhau. Yêu cầu quan trọng của phương pháp là tính tương tác, hiện nay năng lực tự học tự chủ của người học rất cao nên quan trọng trong phương pháp là làm thế nào người học có nhu cầu chiếm lĩnh tri thức”.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, người dạy không nhất thiết phải nhồi nhét khối kiến thức hàn lâm, khổng lồ cho thanh niên, mà cần khơi dậy niềm tự hào dân tộc, nguyên nhân và lý tưởng của con đường mà Đảng và Nhà nước đã lựa chọn, cho thấy được những thành quả đạt được cả về vật chất lẫn uy tín trên trường quốc tế bằng những ví dụ sinh động, mới thu hút được sự hứng khởi của giới trẻ. Nếu người truyền lửa có đủ năng lượng, thì người tiếp nhận lý tưởng sẽ hưởng ứng mạnh mẽ.

TS. Nguyễn Thị Hoài Phương, Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện chính trị Khu vực III chia sẻ: “Chúng tôi rất cảm động khi thấy các em rất say sưa nghe giảng, đặc biệt khi nghe nói đến tấm gương đạo đức vì nước vì dân đến hơi thở cuối cùng của Bác. Theo tôi để việc học tập lý luận chính trị, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh có hiệu quả hơn, bên cạnh những kiến thức về lý luận, tư tưởng của Bác, của chủ nghĩa Mác - Lênin thì chúng ta có thể lồng vào thực tiễn, liên hệ thực tiễn thì chúng tôi thấy là việc học sẽ có hiệu quả”.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng đánh giá: “Đối với những môn khoa học chính trị, giáo dục chính trị tư tưởng, thì có thể nói là Nhà nước đầu tư rất lớn cho việc này. Hàng năm các giảng viên giảng dạy các môn này được Bộ Giáo dục và Đào tạo tập huấn rất chu đáo. Ngoài tập huấn của Bộ thì chúng tôi cũng chú trọng nâng cao trình độ cho các thầy, tạo điều kiện cho các thầy học tập, nghiên cứu và mới đây thì chúng tôi đã làm đề án mở ngành thạc sĩ về thống kê, Mác – Lênin”.

Bên cạnh sự giáo dục của nhà trường, cần có sự phối của gia đình, đoàn thể và xã hội trong đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ toàn diện về mọi mặt; tạo điều kiện để tuổi trẻ được trải nghiệm, phấn đấu và trưởng thành. Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng cùng chăm lo giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống cho thanh niên./.

Thế Phong