In bài viết

Giáo dục thường xuyên: Chủ động, linh hoạt, thích ứng với điều kiện mới

(Chinhphu.vn) - "Năm học mới 2021-2022 tiếp tục diễn ra trong điều kiện rất nhiều thách thức, dịch bệnh COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Vì vậy, việc thực hiện nhiệm vụ năm học không chỉ cần “chủ động”, “linh hoạt” và còn thêm từ khóa “thích ứng”, sẵn sàng xây dựng kịch bản để đạt được mục tiêu: Hoàn thành chương trình, an toàn phòng chống dịch và bảo đảm chất lượng", Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.

19/08/2021 14:45
Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học mới đối với giáo dục thường xuyên

Ngày 19/8, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2021-2022 đối với giáo dục thường xuyên với trên 900 điểm cầu trên cả nước.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhận định đây là năm học nhiều khó khăn, thách thức và rất nhiều cảm xúc, với từ khóa là “chủ động” và “linh hoạt”. Tuy trong điều kiện khó khăn nhưng các cơ sở giáo dục thường xuyên vẫn tăng hơn 700 cơ sở, số lượng người học cũng tăng so với năm học trước. Chất lượng giáo dục thường xuyên từng bước ổn định. Riêng học sinh lớp 12 hệ giáo dục thường xuyên đã hoàn thành chương trình và thi tốt nghiệp THPT đạt 90,32%.

"Năm học mới 2021-2022 tiếp tục diễn ra trong điều kiện rất nhiều thách thức, dịch bệnh COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Vì vậy, việc thực hiện nhiệm vụ năm học không chỉ cần “chủ động”, “linh hoạt” và còn thêm từ khóa “thích ứng”, sẵn sàng xây dựng kịch bản để đạt được mục tiêu: Hoàn thành chương trình, an toàn phòng chống dịch và bảo đảm chất lượng", Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên Hoàng Đức Minh cho biết, hiện nay quy mô và mạng lưới các cơ sở giáo dục thường xuyên tại các địa phương về cơ bản được duy trì ổn định trong các năm. Mạng lưới cơ sở giáo dục nói chung, cơ sở giáo dục thường xuyên nói riêng được củng cố và phát triển đáp ứng nhu cầu học tập của mọi lứa tuổi, góp phần quan trọng trong xóa đói giảm nghèo, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ của người lao động. Cơ bản đến nay, điều kiện cơ sở vật chất các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên bảo đảm cho việc giảng dạy các chương trình giáo dục thường xuyên.

Tổng số cơ sở giáo dục thường xuyên trên cả nước hiện là 18.239 trung tâm. Trong đó, có 625 trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên (giảm 56 trung tâm so với năm học 2019-2020); 6.188 trung tâm ngoại ngữ-tin học (tăng 606 trung tâm so với năm học 2019-2020); 10.555 trung tâm học tập cộng đồng (giảm 2 trung tâm so với năm học 2019-2020), đạt tỷ lệ 99,53% xã/phường/thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng. Có 871 cơ sở, trung tâm thực hiện giáo dục kỹ năng sống (tăng 240 trung tâm so với năm học 2019-2020).

"Nhận thức của cán bộ và người dân về lợi ích của học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập đã chuyển biến tích cực. Việc phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức trong quá trình xây dựng xã hội học tập được tăng cường. Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã ban hành các văn bản để chỉ đạo thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập", Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên chia sẻ.

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng nhận định rằng giáo dục thường xuyên vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đó là nhận thức về công tác xây dựng xã hội học tập ở một số địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang chưa đúng mức. Công tác quản lý nhà nước về giáo dục thường xuyên còn có vấn đề bất cập; công tác kiểm tra, thanh tra chưa được thường xuyên, chưa có được những biện pháp phù hợp, tích cực để nâng cao chất lượng dạy học. Chất lượng giáo dục thường xuyên cấp THPT vẫn còn hạn chế, các điều kiện bảo đảm chất lượng dạy học của giáo dục thường xuyên chưa đáp ứng được yêu cầu.

Hoạt động của nhiều trung tâm cộng đồng kém hiệu quả. Số người mù chữ ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều. Việc bồi dưỡng kỹ năng sống cho người dân, nhất là công nhân, lao động nông thôn chưa được coi trọng...

Bộ GD&ĐT cho biết, trong năm học 2021-2022, giáo dục thường xuyên tập trung triển khai các giải pháp phù hợp trong tổ chức các hoạt động dạy và học để chủ động thích ứng với tình hình dịch bệnh COVID-19; duy trì hoạt động dạy và học của các cơ sở giáo dục thường xuyên bảo đảm đủ thời lượng, kiến thức, kỹ năng cho học viên để hoàn thành chương trình năm học và bảo đảm yêu cầu của công tác phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030" và Chỉ thị số 14-CT/TW của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030.

Năm học 2021-2022, Bộ sẽ chú trọng đổi mới công tác quản lý đối với các cơ sở giáo dục thường xuyên; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát theo hướng đẩy mạnh phân cấp quản lý quyền tự chủ của các đơn vị gắn với trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện các chương trình giáo dục trong các cơ sở giáo dục thường xuyên; tiếp tục đổi mới và thực hiện các phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học viên;  nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cộng tác viên trong các cơ sở giáo dục thường xuyên.
Nhật Nam