Phát biểu tại Hội thảo, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA chia sẻ, GS.VS, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa là một người tiêu biểu trong lớp trí thức Việt Nam, người mang trong mình tình yêu vô bờ với khoa học và Tổ quốc, người đã biến tình yêu thành sức mạnh, sức chiến đấu mãnh liệt, góp phần không nhỏ vào công cuộc cách mạng giải phóng đất nước và cống hiến cho sự phát triển của nền khoa học nước nhà.
GS.VS Trần Đại Nghĩa (1913-1997) là một nhà khoa học kiệt xuất, được mệnh danh là cha đẻ của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Trải qua hai cuộc kháng chiến cứu nước, tên tuổi của ông trở thành huyền thoại đối với nhiều thế hệ người Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế. Những đóng góp của GS.VS Trần Đại Nghĩa đối với công cuộc cách mạng Việt Nam vô cùng to lớn, nhưng cuộc đời ông lại hết sức bình dị, khiêm nhường.
Với những cải tiến, sáng chế được tạo bởi Trần Đại Nghĩa, vũ khí của Việt Nam đã có sức công phá lớn, trở thành nỗi khiếp sợ của quân thù. Các loại súng lớn, súng phóng bom, các loại mìn nổ chậm… với thương hiệu "made in Vietnam", "made by Tran Dai Nghia" đã gây cho kẻ thù biết bao sửng sốt, bất ngờ, khiếp vía, kinh hoàng, giới vũ trang, quân sự quốc tế vô cùng ngạc nhiên, thán phục.
Càng trong gian khó, tài năng về chế tạo vũ khí của Trần Đại Nghĩa càng tỏa sáng. Với những đóng góp to lớn của ông cho ngành quân giới nước nhà, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng ông danh hiệu "Ông Phật làm súng".
Ngày 20/11/1948, ông được phong quân hàm Thiếu tướng trong đợt đầu tiên, khi ấy ông 35 tuổi. Năm 1952, tại Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất, ông là đại biểu trí thức được phong danh hiệu Anh hùng Lao động đợt đầu tiên của Việt Nam. Đó cũng chính là năm ông được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô - danh vị cao nhất của những người làm công tác khoa học.
Năm 1996, GS.VS Trần Đại Nghĩa đã vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về Cụm công trình nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo (Bazoca, súng không giật SKZ, đạn bay) trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954). Ông còn được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất...
Trong suốt cuộc đời cống hiến cho khoa học, ông luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đặc biệt tin tưởng, giao nhiều chức vụ quan trọng.
Đại hội lần thứ nhất của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vào ngày 26/3/1983 đã bầu GS.VS Trần Đại Nghĩa làm Chủ tịch. Ông trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp Hội Việt Nam, tổ chức với vai trò tập hợp, phát huy sức sáng tạo và cống hiến của đội ngũ các nhà khoa học, trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam góp phần phát triển khoa học, xây dựng đất nước.
Từ những ngày đầu gian khó, Liên hiệp Hội Việt Nam chỉ có 15 thành viên, không quản ngại khó khăn, vất vả, GS.VS Trần Đại Nghĩa đã dành toàn bộ tâm huyết và sức lực từng bước xây dựng và phát triển tổ chức ngày càng lớn mạnh, góp phần không nhỏ trong tiến trình phát triển chính trị, xã hội, khoa học và kinh tế của Việt Nam.
GS.VS Trần Đại Nghĩa đã được các nhà khoa học, các hội thành viên suy tôn làm Chủ tịch danh dự nhiệm kỳ II, nhiệm kỳ III và danh hiệu đó cũng đã theo ông đến cuối cuộc đời (1988-1997).
Thượng tướng Phạm Hòa Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chia sẻ: "Trên cương vị công tác, đồng chí luôn tận tụy, đức độ, bản lĩnh, cống hiến tài năng, trí tuệ để góp phần xây dựng ngành kỹ thuật quân sự và công nghiệp quốc phòng, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ từng bước hiện đại, làm nòng cốt cho toàn dân tiến hành hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược giành thắng lợi và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa".
Nói về những đóng góp của GS.VS Trần Đại Nghĩa với nền khoa học công nghệ (KHCN) Việt Nam, PGS.TS Trần Tuấn Anh, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam chia sẻ, một trong những chủ trương quan trọng của Viện trưởng Trần Đại Nghĩa là thực hiện dân chủ tập trung trong nghiên cứu khoa học.
Xây dựng chiến lược nghiên cứu của Viện Khoa học Việt Nam với 3 nguyên tắc mà Viện trưởng Trần Đại Nghĩa đề ra đó là: Ưu tiên những vấn đề cấp bách rất cần cho đất nước nhưng phải lượng sức, không đề ra viển vông; ưu tiên những đề tài phát huy thế mạnh của Việt Nam, những vấn đề sở trường ta có tiềm năng, có thực lực; giành một lực lượng đi vào hiện đại, đón đầu xu thế phát triển của thế giới trong tương lai.
"Để vinh danh và ghi nhận những đóng góp quý báu của GS.VS Trần Đại Nghĩa, nhằm thúc đẩy công tác ứng dụng KHCN vào thực tiễn, năm 2016, lần đầu tiên Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam ban hành quy chế Giải thưởng Trần Đại Nghĩa và tổ chức trao tặng Giải thưởng Trần Đại Nghĩa với chu kỳ 3 năm/lần", PGS.TS Trần Tuấn Anh cho biết thêm.
Hội thảo là dịp để tuyên truyền, giáo dục cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ học tập, rèn luyện theo tấm gương đạo đức cách mạng của thế hệ đi trước để nêu cao ý chí tự lực tự cường, đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.
Hoàng Giang