In bài viết

Giáo viên dạy thực nghiệm được thanh toán 100–135 nghìn đồng/tiết

(Chinhphu.vn) – Tại dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn nội dung và mức chi đặc thù Dự án “Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông”, vay vốn WB, liên Bộ Tài chính – Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất thanh toán thù lao cho giáo viên dạy thực nghiệm trong Dự án này theo số tiết dạy thực nghiệm thực tế, đơn giá giờ dạy thực nghiệm từ 100.000 – 135.000 đồng/tiết tùy cấp học.

25/04/2016 11:12

Ảnh minh họa

Cụ thể, giáo viên dạy thực nghiệm được thanh toán thù lao theo số tiết dạy thực nghiệm thực tế, đơn giá giờ dạy thực nghiệm: Tiểu học: 100.000 đồng/tiết; trung học cơ sở: 120.000 đồng/tiết; trung học phổ thông: 135.000 đồng/tiết.

Bên cạnh đó, trường phổ thông có dạy học thực nghiệm được hỗ trợ công tác quản lý dạy học thực nghiệm, bao gồm: Thù lao cho người phân công giáo viên, xếp thời khoá biểu, quản lý học sinh, tổ chức lấy ý kiến góp ý; các khoản chi hành chính phát sinh (tiền điện, nước, điện thoại, mạng internet, văn phòng phẩm...).

Dự thảo nêu rõ, kinh phí chi hỗ trợ công tác quản lý dạy học thực nghiệm của nhà trường được tính bằng 5% tổng kinh phí thù lao cho giáo viên dạy thực nghiệm tại trường và được thanh toán theo phương thức khoán gọn; Ban quản lý Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông ký hợp đồng và thanh lý hợp đồng với các trường theo số giờ dạy thực nghiệm thực tế.

Tổ chức trại xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất hướng dẫn tổ chức trại xây dựng chương trình, trại biên soạn sách giáo khoa, trại thẩm định chương trình, trại thẩm định sách giáo khoa (trại). Cụ thể: Thời gian trại làm việc tập trung do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, quyết định nhưng không quá 5 ngày/một lần tổ chức trại.

Nội dung chi, mức chi tổ chức trại được thực hiện theo quy định về tổ chức hội nghị, hội thảo tại Thông tư số 219/2009/TT-BTC ngày 19/11/2009 của Bộ Tài chính quy định một số định mức chi tiêu áp dụng cho các dự án/chương trình sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và Thông tư số 192/2011/TT-BTC ngày 26/12/2011 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 219/TT-BTC.

Chi thù lao cho thành viên các Hội đồng Quốc gia thẩm định chương trình, Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa trong thời gian tham gia trại thẩm định được đề xuất như sau: Chủ tịch Hội đồng: Tối đa 200.000 đồng/buổi; Phó Chủ tịch Hội đồng, uỷ viên, thư ký: Tối đa 150.000 đồng/buổi.

Chi thù lao đọc thẩm định cho các thành viên Hội đồng Quốc gia thẩm định chương trình, Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa, Hội đồng thẩm định tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình như sau: Đọc thẩm định chương trình: Tối đa 25.000 đồng/tiết/người; đọc thẩm định sách giáo khoa: Tối đa 35.000 đồng/tiết/người; đọc thẩm định tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình: Tối đa 30.000 đồng/tiết/người.

Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) do Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chủ quản. Dự án được thực hiện từ 2015 – 2020.

Dự án gồm 4 thành phần: 1- Hỗ trợ phát triển chương trình giáo dục phổ thông (chương trình); 2- Hỗ trợ biên soạn sách giáo khoa theo chương trình; 3- Hỗ trợ phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông và khảo thí ngoại ngữ; 4- Quản lí, giám sát, đánh giá Dự án.

Tổng vốn của Dự án: 80 triệu USD, trong đó vốn vay ODA của WB là 77 triệu USD và vốn đối ứng trong nước là 3 triệu USD (do ngân sách nhà nước cấp qua cơ quan chủ Dự án là Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý dự thảo trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Tuệ Văn