Đại diện Ban Chấp hành Công đoàn Trường Tiểu học Tân Nghiệp A, ông Bùi Văn Huệ (email: bivnhu@...) đề nghị cơ quan chức năng giải đáp việc hưởng chế độ phụ cấp thu hút đối với những giáo viên trong trường hợp này.
Cũng liên quan đến chế độ theo Nghị định 116/2010/NĐ-CP, ông Lê Tấn Thái Bình, giáo viên trường THPT Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, được UBND tỉnh cử đi học cao học tại Đại học Cần Thơ từ tháng 5/2009 đến tháng 10/2011, và được hỗ trợ, bồi dưỡng chi phí học tập. Sau khi ông Bình được thanh toán chi phí học tập thì địa phương triển khai thực hiện các chế độ ưu đãi theo quy định tại Nghị định 116/2010/NĐ-CP. Ông Bình hỏi, trường hợp của ông có được hưởng trợ cấp học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ quy định tại Nghị định 116/2010/NĐ-CP không?
Cổng TTĐT Chính phủ đã chuyển thắc mắc của ông Bùi Văn Huệ và ông Lê Tấn Thái Bình đến Bộ Nội vụ xem xét, giải quyết và trả lời.
Một số phản ánh về chế độ của người lao động
Theo phản ánh của bà Phạm Kim Dung (TP. Hà Nội; email: drkim287@...), bà Dung ký hợp đồng lao động với trường Cao đẳng Y tế Hà Nội từ năm 2006. Tháng 8/2008, bà Dung được nhà trường đồng ý cho tham gia khoá học đào tạo thạc sĩ theo hình thức tự túc kinh phí.
Tháng 2/2009, bà Dung được tuyển dụng viên chức và tháng 12/2010, bà Dung hoàn thành khoá học, được nhà trường hỗ trợ 6 triệu đồng kinh phí đào tạo. Tháng 9/2011, bà Dung gửi đơn xin thôi việc trước 45 ngày và được nhà trường đồng ý. Trong thời gian chờ giải quyết thôi việc, bà Dung vẫn tham gia công tác giảng dạy theo phân của nhà trường.
Tuy nhiên, sau đó Ban Giám hiệu nhà trường đã ban hành các quyết định yêu cầu bà Dung đền bù kinh phí đào tạo và nộp phạt vì vi phạm quy định đào tạo bồi dưỡng cán bộ của nhà trường với tổng số tiền 60 triệu đồng. Bà Dung cho rằng việc trường Cao đẳng Y tế Hà Nội yêu cầu bà đền bù kinh phí đào tạo như vậy là không đúng quy định.
Hiện nay trường Cao đẳng Y tế Hà Nội vẫn chưa trả sổ Bảo hiểm xã hội và hoàn thiện các thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động cho bà Dung. Bà Dung đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết thoả đáng quyền lợi của bà.
Trường hợp ông Phạm Văn Tâm (TP. Vĩnh Long, email: phamvantam60@...) là nhân viên trạm thu phí cầu Mỹ Thuận thuộc Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Sửa chữa cầu đường 715. Từ ngày 1/1/2013, trạm thu phí cầu Mỹ Thuận dừng hoạt động. Lãnh đạo Công ty cho biết sẽ giải quyết lương ngừng việc tháng 1/2013 và trợ cấp mất việc làm cho người lao động. Tuy nhiên đến nay người lao động vẫn chưa nhận được các khoản nêu trên. Ông Tâm đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Ông Nguyễn Văn Tấn (tỉnh Tây Ninh; email: tantaitrang@...) phụ trách công tác Lao động - Thương binh và Xã hội tại UBND xã Hiệp Thạnh từ 14/9/1984. Tháng 2/2012, ông Tấn được tuyển dụng vào công chức cấp xã. Mặc dù ông Tấn công tác liên tục từ năm 1984 đến nay nhưng cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện Gò Dầu chỉ tính thời gian công tác có tham gia bảo hiểm xã hội của ông Tấn là 11 năm (từ năm 1998 đến năm 2008) và 1 năm ông đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện (năm 2011).
Ông Tấn đề nghị giải đáp, theo quy định tại Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 8/4/2013 của Chính phủ, khoảng thời gian ông Tấn công tác từ 14/9/1984 đến 31/12/1997 và năm 2009, 2010 có được tính là thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội không?
Cổng TTĐT Chính phủ đã chuyển các phản ánh, kiến nghị trên đến cơ quan chức năng để xem xét, giải quyết và sẽ thông tin đến bạn đọc khi có phản hồi của cơ quan chức năng.
Phòng Thông tin phản ánh của tổ chức, công dân