Do Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam) tổ chức, “Chương trình giới thiệu, trưng bày di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi" (Chương trình) diễn ra từ nay đến hết tháng 12/2023.
Tại buổi lễ khai mạc chương trình diễn ra tối 1/12, hai di sản văn hóa phi vật thể là Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên và Nghệ thuật Xòe Thái đã được giới thiệu và trưng bày. Qua đó, truyền tải tới công chúng câu chuyện về hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận hiện nay đang được cộng đồng thực hành ra sao ở địa phương và mong muốn bảo tồn, phát huy các giá trị di sản như thế nào thông qua tiếng nói của chính những nghệ nhân đang thực hành di sản.
Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết: "Du lịch di sản văn hóa được xác định là một trong những dòng sản phẩm chủ đạo của du lịch Việt Nam và là một thành tố cốt lõi tạo nên thương hiệu du lịch Việt Nam. Trong ba năm 2019, 2020, 2022, Việt Nam đã vinh dự được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) trao tặng danh hiệu "Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới", cho thấy những giá trị nổi bật toàn cầu và sức hấp dẫn của di sản văn hóa Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.
"Thông qua chương trình này, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam mong muốn các địa phương, điểm đến, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, lữ hành và cộng đồng sẽ tiếp tục chung tay bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, tăng cường thu hút khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm các giá trị quý giá của di sản văn hóa đất nước ta" - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh.
Đến với Chương trình, bên cạnh những thước phim đặc sắc về di sản, du khách còn được trực tiếp giao lưu với nghệ nhân, thưởng thức những màn biểu diễn độc đáo của đoàn nghệ nhân dân gian người Thái đến từ thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái và đoàn nghệ nhân dân gian người Bana đến từ huyện Kbang, tỉnh Gia Lai.
Trong khuôn khổ Chương trình còn có các gian hàng của các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm đặc trưng của địa phương, giới thiệu thông tin về các chương trình tour tuyến du lịch hấp dẫn đến với vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đại ngàn, chương trình giao lưu trải nghiệm ẩm thực đặc sắc của địa phương…
Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên trải khắp 5 tỉnh ở Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng với các chủ thể là hơn mười dân tộc sinh sống từ lâu đời tại đây, như Bana, Xơđăng, Giarai, Êđê, Mnông, Cơho, Mạ… Năm 2005, UNESCO công nhận Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên là Kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại. Đến năm 2008, di sản này được chuyển sang Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cồng chiêng được sử dụng nhiều và tập trung nhất trong lễ cúng ăn trâu và tang ma. Ngày nay, cồng chiêng còn được sử dụng trong các sinh hoạt văn hóa đời thường.
Nghệ thuật Xòe Thái phổ biến ở các tỉnh Tây Bắc như Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La... Chủ thể là dân tộc Thái, nhưng đã được nhiều dân tộc trong khu vực tiếp thu và thực hành. Năm 2021, UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hiện nay, Nghệ thuật Xòe Thái là một trong những điểm nhấn đặc sắc thu hút du khách đến với vùng Tây Bắc.
Thiện Tâm