In bài viết

Giữ 3,8 triệu ha đất lúa – Hiểu thế nào cho đúng?

(Chinhphu.vn) - Nông dân có thể sử dụng đất trồng lúa để trồng cây khác có lợi hơn và đảm bảo không làm suy thoái đất lúa. Đó chủ trương đúng đắn, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nông dân.

20/11/2013 17:49

Bộ trưởng Cao Đức Phát đã khẳng định điều này tại nghị trường khi một vị đại biểu băn khoăn rằng chính sách cố định đất lúa đã hạn chế thu nhập của nông dân.

Ông Cao Đức Phát khẳng định: Hiện vẫn còn một số nơi hiểu không chính xác tư tưởng đó nên không ủng hộ việc nông dân chuyển sang trồng một số cây mà bà con nghĩ rằng có thể có lợi hơn cho mình. 

Nhớ lại năm 2011, khi Quốc hội thảo luận về quy hoạch đất tới 2020 và kế hoạch sử dụng đất tới 2015, dư luận đã e ngại khó giữ chỉ tiêu 3,8 triệu ha đất trồng lúa vào năm 2020 vì nhiều lý do khác nhau, để đảm bảo an ninh lương thực.

Tuy nhiên qua thực tiễn thực hiện, việc giữ 3,8 triệu ha đất lúa không có nghĩa là phải giữ cho diện tích đó lúc nào cũng phải trồng lúa, khi có nơi, cây lúa không làm cho dân ấm no hơn bằng trồng những cây khác.

Thực tế trên khắp cả nước đã chứng minh điều này. Tại huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, thời gian qua địa phương này đã chuyển đổi 850 ha đất trồng lúa nương và sắn sang để trồng ngô với giá 5.000 đồng/kg ngô, cao hơn nhiều so với giá lúa ở khu vực này. 

UBND tỉnh Yên Bái cho biết đời sống bà con Trạm Tấu đã thay đổi khi chuyển sang trồng ngô, nhiều hộ gia đình đã mua được xe máy. Năm nay Trạm Tấu hy vọng sản lượng ngô sẽ tăng lên 7.000 tấn.

Ngay tại vùng đồng bằng phù sa của Hà Nội, người nông dân xã Hạ Mỗ, huyện  Đan Phượng đã có thu nhập gần 2 tỷ đồng/ha/năm khi trồng hoa thay vì trồng lúa. Gia đình nông dân Nguyễn Văn Xuân hiện đang chăm sóc 6 sào hoa loa kèn, hoa ly, mỗi sào cho doanh thu 400-500 triệu đồng/năm, trừ chi phí thì gia đình anh thu nhập 40-50 triệu đồng/sào/năm, cao hơn rất nhiều so với trồng lúa.

Một lãnh đạo huyện Đan Phượng cho biết nhiều diện tích đất lúa đã được huyện cho chuyển sang trồng các cây khác có lợi hơn, tuy nhiên một khi Nhà nước huy động trồng lúa thì huyện vẫn có thể chuyển đổi được ngay lập tức.

Trong khi đó ở Tây Nam Bộ, một số địa phương đã có trường hợp người nông dân tự chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa sang trồng các loại hoa màu khác như ngô, đậu nành có hiệu quả hơn.

Thậm chí một doanh nghiệp là Công ty Dekalb Việt Nam và trung tâm khuyến nông tại Đồng Tháp, An Giang hỗ trợ cho nông dân chuyển đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô vào năm nay. Kết quả sau 3 tháng, người nông dân có lãi từ 11-17 triệu đồng/ha, cao gấp 2,5-4 lần so với trồng lúa. Hiện An Giang và Đồng Tháp đã chuyển đổi 2.200 ha trồng lúa sang trồng ngô.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, Phó Ban Chỉ đạo Trung ương sơ kết Nghị quyết 26 về tam nông cũng đã nhiều lần khẳng định rằng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp ở nông thôn là vấn đề lớn, có ý nghĩa quan trọng trong nâng cao đời sống nhân dân. Nhưng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng không có nghĩa là làm mất diện tích đất lúa mà có thể sẵn sàng huy động đất để trồng lúa khi cần thiết.

Thống nhất quan điểm này và vì lợi ích của nông dân, Bộ NNPTNT cũng vừa ban hành Thông tư số 47 hướng dẫn việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, kết hợp với nuôi trồng thủy sản trên đất lúa. Thời gian có hiệu lực là từ ngày 1/1/2014.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho biết thêm trong trường hợp nhân dân muốn chuyển hẳn sang đào ao thả cá, trồng cây lâu năm thì Luật Đất đai của chúng ta vẫn cho phép, nhưng phải xin phép hoặc làm theo quy hoạch để không ảnh hưởng đến những người khác, không ảnh hưởng đến lợi ích lớn của quốc gia.

Thành Chung