In bài viết

Giữ gìn tinh hoa nhạc ngũ âm Khmer trong trường học

(Chinhphu.vn) - Câu chuyện bảo tồn dàn nhạc ngũ âm của người Khmer không chỉ giới hạn trong phum sóc, trong những lễ hội đặc trưng có ý nghĩa, mà nay được chính những em học sinh gìn giữ dưới mái trường.

17/10/2017 15:47

Các em học sinh biểu diễn trong dàn nhạc ngũ âm Khmer. Ảnh: Báo Giáo dục và Thời đại

Từ hoạt động vui chơi, giải trí…

Cuộc đời mỗi người dân Khmer luôn gắn bó với những tiếng nhạc ngũ âm. Vì vậy, được biểu diễn dàn nhạc ngũ âm, đối với nhiều học sinh ở Bạc Liêu không chỉ là hoạt động vui chơi, giải trí mà còn có tác động lớn đến việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống người Khmer.

Giữ gìn tinh hoa trong âm nhạc truyền thống, thăng hoa qua từng giai điệu là cách để các em bồi dưỡng tình yêu quê hương, yêu đồng bào, phát huy giá trị kết tinh của văn hóa dân tộc.

Từ năm 2015, Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu đã hỗ trợ Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Bạc Liêu 
một dàn nhạc ngũ âm với các loại nhạc cụ chính thuộc 5 nhóm âm thanh là đồng, sắt, gỗ, da và hơi. Đội chơi nhạc của trường đến nay đã thu hút được rất nhiều em học sinh yêu thích nhạc ngũ âm đăng kí tham gia, bên cạnh đội chơi chính gồm 15 thành viên.

Trong nhóm biểu diễn, mỗi em nhận chơi 1 loại nhạc cụ phải thành thạo về cách chơi, biết cách phối hợp ăn ý với nhau ở mỗi bài hát, cũng như hiểu được cách hòa phối ghép bài của mỗi loại nhạc cụ.

Sau giờ học và buổi tối sau 21h, các em dành khoảng 30 phút để tập bài mới, ôn luyện bài cũ, không gian sinh hoạt, học tập nội trú khá thuận lợi để các em thực hành.

Đây là sân chơi âm nhạc bổ ích dành cho tất cả học sinh, giáo viên, đem tiếng nhạc cổ truyền từ mái chùa, mái nhà đến mái trường.

Đến phát huy, bảo tồn văn hóa truyền thống

Nhận thấy được ý nghĩa đó, Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Bạc Liêu rất chú trọng khuyến khích các em học sinh tham gia và duy trì dàn nhạc ngũ âm của nhà trường.

Thầy Lâm Thanh Nhã, giáo viên phụ trách phong trào văn nghệ của trường cho biết: “Để mở rộng thành viên chơi đàn ngũ âm, sắp tới trường sẽ thành lập câu lạc bộ hoạt động có nề nếp, giáo viên sẽ sắp xếp thời gian hợp lí để tổ chức những buổi hướng dẫn cho những em đam mê học đàn.

Những thành viên đã đàn nhuần nhuyễn sẽ tiếp tục hướng dẫn cho những bạn chưa biết hoặc rèn kỹ năng cho những bạn còn đàn yếu.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng tạo điều kiện để con em người Khmer đem tiếng đàn ngũ âm phục vụ những dịp lễ lớn của trường như: Lễ khai giảng, kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, các lễ hội truyền thống của người Khmer…

Theo giáo viên và học sinh trong đội chơi đàn, điểm khó nhất chính là phải dưỡng tâm tính ôn hòa thì mới có thể lĩnh hội được trọn vẹn giá trị văn hóa đặc biệt của mỗi loại nhạc cụ trong dàn nhạc. Sự vội vàng nôn nóng sẽ khiến những người chơi đàn khó lòng thành công. Vì vậy, luyện tập đàn nhạc ngũ âm thường xuyên cũng là cách nuôi dưỡng tâm hồn hữu hiệu, giảm bớt tính nóng nảy, luôn suy nghĩ tích cực.

Ngoài việc quy tụ đầy đủ bộ nhạc, dàn nhạc ngũ âm còn có thể kết hợp thêm sáo trúc, bộ gõ, đàn kéo dây… Vì vậy, ngoài chơi những bài hát của người Khmer, các em còn tập những bài hát khác về đất nước, con người Việt Nam và những bài hát nhạc trẻ hiện hành có giai điệu trẻ trung.

(theo Báo Giáo dục và Thời đại)