In bài viết

Giữ gìn và phát triển nghệ thuật truyền thống dân tộc giữa đời sống đương đại

(Chinhphu.vn) - Bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số không chỉ cần được bảo tồn mà còn phải được “đánh thức” để sống động giữa đời sống đương đại.

19/04/2025 11:52
Giữ gìn và phát triển nghệ thuật truyền thống dân tộc giữa đời sống đương đại - Ảnh 1.

Đoàn Rô-băm Reasmei Bưng Chông đã có tuổi đời hơn 200 năm. Ảnh: VGP/Văn Hiền

 Gìn giữ và lan tỏa những tinh hoa văn hóa dân tộc

Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) không chỉ là dịp để tôn vinh những giá trị trường tồn của bản sắc dân tộc, mà còn là cơ hội để nhắc nhớ về những con người đang ngày ngày giữ lửa di sản trong âm thầm và bền bỉ.

Trong đời sống hiện đại, anh La Si Nươl (đồng bào Khmer, tỉnh Sóc Trăng) và anh Sầm Văn Đạo (đồng bào Cao Lan, tỉnh Tuyên Quang) là hai gương mặt tiêu biểu của thế hệ trẻ, đang góp phần nối dài mạch nguồn văn hóa dân tộc bằng chính đam mê, trách nhiệm và hành động thiết thực mỗi ngày.

Không chỉ đơn thuần là sự tiếp nối, hành trình của La Si Nươl - hậu duệ đời thứ năm của đoàn nghệ thuật Rô-băm Reasmei Bưng Chông đã mở ra hy vọng cho giấc mơ văn hóa Khmer rực rỡ sống lại trên sân khấu.

Theo Si Nươl, Múa Rô-băm không giống như các loại hình sân khấu đối thoại, nơi lời nói dẫn dắt kịch bản. Ở đây, từng động tác, dáng đứng, ánh nhìn là ngôn ngữ. Những bước chân chậm rãi rồi bất ngờ dứt khoát, cái xoay người hay cú lắc hông đều mang tính biểu đạt riêng biệt. "La Si Nươl không chỉ là người tiếp nối, mà là người tiếp lửa", Nghệ nhân Lâm Thị Hương nhận xét.

Với sự kiên định và đam mê, anh đã mở lớp dạy múa Rô-băm tại địa phương, kết nối nghệ thuật với thế hệ trẻ. Trong những dịp có chương trình văn hóa được hỗ trợ từ ngân sách, anh được mời về hướng dẫn, đào tạo các em nhỏ là những hạt giống cho tương lai của sân khấu truyền thống Khmer. Cùng với các cộng sự, Si Nươl còn đưa Rô-băm lan tỏa tới TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác, góp phần đưa nghệ thuật từ làng quê bước ra không gian đô thị.

Thế nhưng, khi thời đại công nghệ số 4.0 phát triển, Rô-băm có thời điểm được cho là đi lùi về những miền ký ức."Tôi chưa từng nghĩ sẽ bỏ đoàn. Vì khi mình diễn, mình như sống thêm một cuộc đời khác, cuộc đời của các nhân vật cổ xưa, đầy khí phách và nhân nghĩa. Đó không chỉ là diễn, mà là truyền lại ký ức", Si Nươl bày tỏ.

Giữ gìn và phát triển nghệ thuật truyền thống dân tộc giữa đời sống đương đại - Ảnh 2.

Không chỉ biểu diễn, La Si Nươl cùng các thành viên trong đoàn nghệ thuật còn tích cực truyền dạy điệu múa, làn điệu cổ truyền cho thế hệ kế cận, góp phần giữ gìn hồn cốt văn hóa. Ảnh: VGP/Văn Hiền

Dù vẫn miệt mài dựng vở, truyền nghề, Si Nươl không giấu nổi nỗi niềm về sự chưa trọn vẹn. Nhiều lần, Nghệ nhân Ưu tú Lâm Thị Hương đã đề xuất công nhận danh hiệu nghệ nhân cho thế hệ kế cận trong đó có chính anh nhưng vẫn chưa được hồi đáp.

Ước mơ lớn nhất của La Si Nươl là xây dựng một không gian sinh hoạt chung một "nhà tổ" cho đoàn nghệ thuật, nơi có thể lưu giữ đạo cụ, ảnh kỷ niệm, video các vở diễn từ trước đến nay. Không cần sang trọng, chỉ cần đủ chỗ cho nghệ sĩ được tập luyện, cho du khách ghé qua tìm hiểu về nghệ thuật dân gian Khmer.

Không cần những ồn ào sân khấu lớn, không cần ánh đèn hào nhoáng, tình yêu của La Si Nươl dành cho Rô-băm là lời thề bền bỉ. Một tình yêu không lay chuyển, một sứ mệnh không ngừng nghỉ. Nhờ có những người như Si Nươl mà nghệ thuật cung đình Khmer không chìm vào quên lãng, mà tiếp tục sống mãnh liệt giữa dòng chảy hiện đại.

Bảo tồn, tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc

Lớn lên trong một gia đình có cha là Nghệ nhân Nhân dân Sầm Văn Dừn - báu vật sống nắm giữ đầy đủ nghi lễ truyền thống Cao Lan ở Tuyên Quang, anh Sầm Văn Đạo đã được nuôi dưỡng giữa những đêm lễ dài, những bài văn cúng bằng chữ Hán – Nôm và cả những điệu múa nghi lễ của đồng bào Cao Lan truyền từ đời này sang đời khác.

Suốt gần 20 năm miệt mài thực hành di sản văn hóa phi vật thể, anh Sầm Văn Đạo đã tổ chức rất nhiều đêm diễn văn nghệ cộng đồng và các lớp dạy hát dân ca, múa dân vũ của đồng bào Cao Lan cho thế hệ trẻ. Trên các sân khấu nhỏ giữa bản làng hay trong không gian lễ hội, tiếng trống tang sành do anh chế tác vẫn đều đặn vang lên như nhịp thở văn hóa của người Cao Lan chưa bao giờ ngưng nghỉ.

Giữ gìn và phát triển nghệ thuật truyền thống dân tộc giữa đời sống đương đại - Ảnh 3.

Anh Đạo cùng cha là NNND Sầm Văn Dừn bảo tồn những nghi lễ truyền thống của người Cao Lan. Ảnh: VGP/Văn Hiền

Ít ai biết, năm 2002, Sầm Văn Đạo từng là thí sinh của chương trình "Đường lên đỉnh Olympia", một sân chơi dành cho học sinh giỏi toàn quốc. Thế nhưng, khi đứng trước ngã rẽ cuộc đời, anh từ chối giấc mơ đại học, chọn ở lại quê hương để gắn bó với nếp sống, tập tục dân tộc mình.

Từ những ngày đầu tập múa cùng thiếu niên trong thôn, đến khi trở thành đạo diễn dàn dựng các chương trình lớn cho các câu lạc bộ dân gian, Sầm Văn Đạo luôn trung thành với một triết lý: "Giữ văn hóa là giữ lấy cội rễ dân tộc".

Không dừng lại ở học hỏi, anh Sầm Văn Đạo tích cực thực hành và truyền dạy văn hóa dân tộc. Anh hiện đang nắm giữ trên 30 cuốn sách cổ chép tay bằng chữ Hán - Nôm liên quan đến các nghi lễ tín ngưỡng và Sình ca. Để giới trẻ dễ tiếp cận, anh đã tự mình dịch sang tiếng Việt, chú giải và tập hợp thành tài liệu giảng dạy.

Anh Đạo cho biết, hiện nay anh đã thành lập đội văn nghệ tại xã, hướng dẫn thanh thiếu niên các điệu múa "Múa chim gâu", "Múa xúc tép", "Múa tam nguyên", "Múa khai đao phát lộ" … gắn liền với sản xuất nông nghiệp và tín ngưỡng bản địa, các điệu múa này được anh dàn dựng bài bản, có hệ thống động tác rõ ràng, dễ học, dễ truyền dạy. Nhờ đó mà các em học nhanh và rất thích, nhưng nếu không có người hướng dẫn thì những điệu múa này sẽ mất đi chỉ sau một thế hệ.

Theo lời kể của anh Đạo, trống tang sành là loại trống đặc biệt, làm từ đất nung, dùng trong các nghi lễ và hát múa truyền thống. Việc làm trống yêu cầu tay nghề cao và sự kiên nhẫn. Tính đến nay, anh Đạo đã làm được gần 40 chiếc trống tang sành và trao tặng cho các đội văn nghệ, bảo tàng, nhà trường và các đoàn biểu diễn. Anh cũng hướng dẫn cho nhiều học viên cách làm trống nhằm nhân rộng nghề truyền thống. "Âm thanh của trống sành không lẫn với bất kỳ loại trống nào. Nó gắn liền với ký ức, với lễ hội, với hồn vía của người Cao Lan. Nếu không gìn giữ, âm thanh ấy sẽ chỉ còn trong dĩ vãng", anh Đạo chia sẻ.

Ngoài dạy hát, múa, làm trống, Sầm Văn Đạo còn trực tiếp tham gia và chủ trì các nghi lễ dân tộc, như lễ cầu mùa, lễ cấp sắc, lễ hội truyền thống của người Cao Lan ở địa phương. Anh được xem là một trong số ít người còn nắm vững toàn bộ quy trình nghi lễ cổ, bao gồm lời văn, bài cúng, đạo cụ và nghi thức thực hành.

Nhờ những đóng góp tích cực và bền bỉ, Sầm Văn Đạo đã được vinh danh trong nhiều chương trình và hội thi văn hóa dân gian. Năm 2023, anh được UBND tỉnh Tuyên Quang công nhận là "Nghệ nhân tiêu biểu trong bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số". Hiện nay, anh đang hoàn thiện hồ sơ để được xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Giữ gìn và phát triển nghệ thuật truyền thống dân tộc giữa đời sống đương đại - Ảnh 4.

Các buổi truyền dạy hát Sình ca, trình diễn múa dân gian anh Sầm Văn Đạo tổ chức đã tiếp thêm lửa đam mê cho thế hệ trẻ. Ảnh: VGP/Văn Hiền

"Tôi luôn tâm niệm, nếu mình không làm, sẽ không còn ai làm. Vì vậy, tôi luôn dành thời gian, công sức, tiền bạc để sưu tầm, phục dựng và truyền dạy văn hóa dân tộc mình. Miễn sao lớp trẻ còn hát, còn múa, còn hiểu về truyền thống, là tôi thấy mình làm đúng", anh Đạo bộc bạch.

Trong thời đại hiện nay, khi nhiều giá trị truyền thống đang dần mai một, những người nghệ nhân như anh Sầm Văn Đạo, Na Si Nươl và những nghệ nhân khác chính là người gìn giữ ký ức văn hóa cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa bản sắc dân tộc và sự phát triển bền vững của cộng đồng.

Họ âm thầm gìn giữ và lan tỏa những tinh hoa văn hóa dân tộc khắp mọi miền đất nước. Họ không đơn độc trên hành trình tiếp lửa truyền thống, mà đang góp phần tạo nên một thế hệ kế cận đầy tự tin, trách nhiệm, tiếp nối mạch nguồn văn hóa cha ông bằng chính tài năng, tình yêu và lòng tự hào dân tộc. Trong nhịp sống hiện đại, mỗi bước chân của họ chính là một lời nhắc nhở đầy xúc động rằng: Di sản chỉ thực sự sống khi được trao truyền bằng trái tim người ở lại.

Văn Hiền - Minh Thư