Chiều 22/11, Ban Tổ chức Diễn đàn Mekong Connect 2022, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Trường Cán bộ Quản lý NN&PTNT 2, Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&TNT) phối hợp tổ chức diễn đàn "Ổn định chất lượng và đảm bảo tiêu chuẩn nông sản của các hợp tác xã nông nghiệp".
Tại diễn đàn, nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ các thông tin về ứng dụng khoa học công nghệ kiểm soát và giữ ổn định chất lượng nông, lâm, thủy sản, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu. Cùng với đó là thông tin từ các đơn vị quản lý trong lĩnh vực kiểm soát chất lượng nông sản xuất khẩu.
TS. Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện nay, nhiều thị trường đã yêu cầu các vùng trồng và cơ sở đóng gói của nước xuất khẩu phải được giám sát chặt chẽ và được cấp mã số định kỳ.
Các vùng trồng và cơ sở đóng gói cần đảm bảo việc tuân thủ yêu cầu của từng quốc gia, từng thị trường. Cùng một mặt hàng nông sản nhưng mỗi thị trường sẽ có quy định khác nhau.
Bên cạnh đó, các vùng trồng và cơ sở đóng gói sẽ được đăng ký trên tinh thần tự nguyện, sau đó sẽ được kiểm tra, đánh giá định kỳ và phải được công nhận bởi các nước nhập khẩu, giám sát bởi cơ quan quản lý.
Bà Hiền cũng thông tin về 5 bước yêu cầu thiết lập vùng trồng. Đó là: Xác định diện tích; sử dụng thống nhất một quy trình sản xuất trong vùng trồng; kiểm soát các sinh vật gây hại thuộc danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật của các nước; có nhật kí canh tác; thực hành nông nghiệp tốt, tối thiểu là theo quy trình VietGAP.
Chia sẻ về những khó khăn trong việc phát triển mã số vùng trồng, TS. Phan Thị Thu Hiền nêu thực trạng hiện nay việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói mới triển khai chủ yếu đối với cây ăn quả, chưa triển khai được nhiều với các sản phẩm có khối lượng xuất khẩu lớn như lúa, chè, hồ tiêu, cà phê… Đặc biệt, vẫn còn tình trạng mạo danh mã số vùng trồng, sử dụng không đúng mã số để xuất khẩu, ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam.
Bà Hiền nêu ý kiến:"Các doanh nghiệp cần chủ động các biện pháp bảo vệ mã số của mình, kịp thời thông báo tới các cơ quan quản lý hàng hóa xuất khẩu khi phát hiện những vi phạm liên quan đến sử dụng mã số để có sự phối hợp, xử lý. Đồng thời cần chủ động vùng nguyên liệu bằng cách liên kết với các địa phương để cấp mới, liên kết các vùng trồng đã được cấp mã số để giữ vững và nâng cao chất lượng nông sản".
Ông Bùi Phước Hòa, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, tiêu chuẩn là chuẩn mực chung nhằm xác định và giảm thiểu rủi ro dọc theo chuỗi cung ứng của khách hàng, với các hoạt động, quy trình, hệ thống, con người hoặc năng lực.
Tuy nhiên, hiện nay quá trình xây dựng tiêu chuẩn cho nông sản đang gặp phải một số khó khăn. Đầu tiên là vấn đề chi phí, trong đó bao gồm chi phí xây dựng tiêu chuẩn, chi phí trang thiết bị và cơ sở hạ tầng, chi phí kiểm nghiệm, giám định và các chi phí quản lý. Cùng với đó các khó khăn về thời gian kiểm soát các công đoạn theo tiêu chuẩn, lập và lưu trữ hồ sơ, mô hình quản lý theo quy mô hộ gia đình, chưa tách biệt rõ vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của đội ngũ nhân sự…
Trước thực trạng này, đại diện Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đề xuất một số giải pháp. Cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước cần nhất quán về chính sách, tạo ra những quy định xuyên suốt giữa các bộ ngành, tổ chức đào tạo hoặc hỗ trợ chi phí đào tào về tiêu chuẩn. Trong khi đó, người nông dân cần đẩy mạnh liên kết và minh bạch hóa trách nhiệm đi cùng với lợi ích. Họ cũng cần có người dẫn đường có tầm và có tâm để giúp họ hiểu được lợi ích khi tuân thủ tiêu chuẩn và ổn định chất lượng sản phẩm.
Đỗ Hương