In bài viết

Giữa khói lửa đạn bom tình yêu vẫn nở hoa

(Chinhphu.vn) - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tình yêu của những cán bộ cách mạng được chưng cất, hòa quyện với tình yêu lý tưởng, tình yêu quê hương đất nước, khát khao độc lập, tự do cho dân tộc và giấc mơ hạnh phúc gia đình.

30/04/2025 14:56
Giữa khói lửa đạn bom tình yêu vẫn nở hoa- Ảnh 1.

Bà Trần Thị Huệ và ông Nguyễn Xuân Lập trong kháng chiến chống Mỹ

Chuyện tình của bà Trần Thị Huệ và ông Nguyễn Xuân Lập là một trong những mối tình như thế.

Nơi tình yêu bắt đầu

Bà Trần Thị Huệ (bí danh Tám Hoa) và ông Nguyễn Xuân Lập (bí danh Năm Bình) gặp và quen nhau khi cùng hoạt động trong phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh Sài Gòn năm 1968. Ông Lập là Chủ tịch Đoàn sinh viên Phật tử Sài Gòn còn bà Huệ là Phó Chủ tịch ngoại vụ. Trong những năm tháng đấu tranh thống nhất đất nước, cũng như bao thanh niên, trí thức yêu nước khác, không nề hà gian khổ, nguy hiểm họ dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng, tích cực tham gia vào các cuộc đấu tranh của tuổi trẻ Sài Gòn bất chấp dùi cui, lựu đạn cay, phi tiễn đàn áp của địch. Địch càng khủng bố thì những cuộc đấu tranh của tuổi trẻ Sài Gòn càng quyết liệt, bất khuất. Cùng chung lý tưởng cách mạng, kề vai sát cánh bên nhau, năng nổ, xông xáo trong phong trào đấu tranh, tình yêu đôi lứa nảy nở một cách tự nhiên và trở thành nguồn động lực, sức mạnh tinh thần to lớn để họ cùng dốc lòng cho sự nghiệp chung của cả dân tộc đánh thắng giặc Mỹ và tay sai, giành hòa bình, thống nhất đất nước.

Năm 1971, sau cuộc ứng cử dân biểu hạ nghị viện Sài Gòn (đại diện cho Phật giáo), ông Lập bị lộ thế công khai phải thoát ly vào chiến khu. Bà Huệ ở lại nội đô, vừa đi học, vừa đi dạy để có tiền trang trải cuộc sống, vừa tích cực hoạt động trong phong trào sinh viên Văn Khoa và Đoàn sinh viên Phật tử Sài Gòn. Mùa hè năm 1972, địch ra sức bắt bớ, đàn áp phong trào sinh viên, học sinh. Nhiều thủ lĩnh và cán bộ phong trào bị bắt. Bà Huệ nhận được thư của ông Lập và được móc nối vào chiến khu. Nhưng trên đường đi, bà bị địch bắt. Với sự nhanh nhạy, với tấm thẻ sinh viên Văn Khoa mang theo trong người, bà Huệ một mực khẳng định mình là sinh viên đi khảo sát ở đồng bằng Sông Cửu Long. Nhưng khi địch điều tra phát hiện bà có tên trong danh sách những sinh viên yêu nước tham gia hoạt động cách mạng, chúng đã nhốt bà vào biệt giam, tra tấn với nhiều hình thức tàn bạo nhưng bà một mực kiên định không khai báo để giữ an toàn cho tổ chức, cho người mình yêu. Trong tù, bà cùng đồng đội tiếp tục đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù, giữ vững khí tiết của người cán bộ cách mạng. 

Giữa khói lửa đạn bom tình yêu vẫn nở hoa- Ảnh 2.

Thiệp chúc mừng và quà mừng đám cưới của ông Lập và bà Huệ

Những lá thư nối hai đầu nỗi nhớ

Sau hiệp định Pari năm 1973, bà Huệ có tên trong danh sách tù nhân chính trị được trao trả tại Lộc Ninh. Trong thắng lợi chung của dân tộc có niềm hạnh phúc vô bờ của ông Lập và bà Huệ khi được gặp lại nhau. Dẫu vậy, họ vẫn chưa được gần nhau vì chiến tranh chưa kết thúc, bà Huệ vẫn ở Lộc Ninh, còn ông Lập công tác tại Thành Đoàn đóng tại Củ Chi. Vì nhiệm vụ nên những lần gặp nhau cũng rất ít ỏi và ngắn ngủi. Những lá thư trở thành cây cầu nối bến bờ xa cách, nhớ thương. Những lá thư thời chiến họ viết cho nhau trên những tờ giấy tận dụng được với nhiều kích cỡ khác nhau, có khi chỉ là một tờ lịch, chữ viết nhỏ và dày chi chít để tiết kiệm còn phong bì tự gấp giấy.

Xa mặt nhưng không cách lòng, khoảng cách chỉ càng khiến cho tình yêu thêm nồng nàn, khăng khít. Tình yêu trở thành sức mạnh và động lực to lớn để họ vượt qua những thử thách, khó khăn, chiến đấu và nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ. Lá thư đề ngày 4/8/1973, ông Lập xúc động bày tỏ: "Xa nhau, mỗi khi gặp khó khăn, em cũng như anh, chúng mình nhớ nhau, nhớ đến hạnh phúc của nhau thì sẽ không có việc gì mà hai đứa mình không thể vượt qua như trong quá khứ. Xa nhau chúng mình càng nhớ nhau nhiều nhưng càng thương nhớ nhau chúng ta càng giữ lời dặn cho nhau, càng cố gắng làm cho công tác tốt hơn. Chúng mình sẽ biểu lộ tình yêu với nhau qua cuộc sống, chiến đấu cho thật tốt. Đó cũng là cách duy nhất xây dựng hạnh phúc lâu dài của chúng mình đó em ạ".

Chiến tranh thật khắc nghiệt, có những khi họ gần nhau nhưng lại chẳng thể gặp nhau. Lá thư ông Lập gửi bà (viết ngày 4/8/1973) trong thời gian bà Huệ cùng đồng đội đang tham gia đấu tranh trao trả tù nhân chính trị ở Lộc Ninh ghi: "Anh có lên phi trường Lộc Ninh lúc 8h30. Anh có nhìn thấy em và chị Lan cũng như các anh chị khác. Anh muốn trực tiếp gặp mặt để thăm anh chị em nhưng vì lý do công tác sắp đến nên đành đứng ở xa mà nhìn. Thương em rất nhiều và nhớ em cũng rất nhiều. Em cố giữ sức khỏe và chiến đấu tốt nhé".

Còn bà Huệ cũng rất tiếc nuối vì "gặp hụt" người mà mình ngày đêm mong nhớ: "Em tới từ giã anh nhưng anh tới chưa kịp, em không thể ở lại chờ anh được, em phải về gấp. Anh trở lại không gặp em chắc anh buồn lắm, cũng như em. Nhưng em hy vọng chúng mình sẽ gặp lại nhau một ngày gần đây" (lá thư không đề thời gian).

Xa cách nhưng trái tim họ luôn hướng về nhau và dành cho nhau sự quan tâm, chăm sóc giản dị, chân thành, ấm áp. Bà Huệ với sự đảm đang, tháo vát, khéo léo của một người con gái đã tự cắt may đồ cho người yêu: "Em đang may cho anh cái foula rồi đấy, kỳ này em sẽ gửi cho anh luôn, cả hai bộ đồ nữa đấy nhé anh. Trời lạnh, anh nhớ lấy ra mà quấn vô, hoặc đêm ngủ áo quấn cổ cho ấm đỡ khỏi cảm cúm anh nhé" (trích thư bà Huệ viết ngày 22/10/1973).

Trong trái tim bà Huệ không chỉ có tình yêu thương mà còn là sự hy sinh, luôn muốn dành cho người mình yêu những điều tốt đẹp nhất. Lá thư gửi cho ông Lập ngày 10/10/1973, bà Huệ viết: "Em gửi tặng anh quyển lịch giải phóng quân vì anh cần hơn em. Em đang đan cho anh cái khăn quấn cổ, nếu kịp em sẽ gửi anh Hai đem về cho anh. Chú Ba Phong nghe nói em bị đánh trong tù nhiều nên chú gửi cho em chai thuốc bổ, chai sữa ong chúa em gửi cho anh uống. Em thấy anh ốm quá cần thuốc bổ hơn em…"

Đáp lại tình cảm sâu sắc của bà Huệ, ông Lập cũng luôn dành cho người mình yêu sự quan tâm chu đáo qua những lời dặn dò, nhắn gửi: Anh đã mua cho em chai thuốc nhỏ mắt hiệu Murit, đã chép cho em xong cuốn tập hát, đã làm cho em 1 cái rút dép râu… có dịp anh sẽ gửi lên cho em (trích thư viết ngày 18/8/1973).

Em nhớ lời 2 đứa mình mà giữ gìn sức khỏe nhất là uống thuốc ngừa hết sốt em nhé, nghe em bị sốt lúc em ở trong tù làm anh lo lắng cho em nhiều (trích thư viết ngày 10/11/1973).

Trong khói lửa chiến tranh, tình yêu lứa đôi luôn đi cùng với nỗi lo lắng cho sự an nguy của người mình yêu, cho đồng bào, đồng đội dưới mưa bom bão đạn. Mất mát, đau thương càng nung nấu thêm lòng căm thù, thôi thúc ý chí quyết tâm cống hiến cho sự nghiệp chung: "Em nghe tin đánh ở Thiện Ngôn. Tụi địch ngoan cố dội bom và đánh phá ở Củ Chi dữ lắm, bên ta cũng thiệt hại nhiều phải không anh. Em lo cho anh và các bạn mình quá đi thôi. Càng lo em lại càng căm thù cái bọn sát nhân nhiều anh ạ, như vậy càng thấy sự đóng góp của mình cho công cuộc giải phóng đất nước là rất cần thiết anh nhỉ…"(trích thư bà Huệ viết ngày 10/10/1973).

Ông Lập cũng không quên căn dặn và làm công tác tư tưởng cho người mình yêu. Trong thư ngày 4/8/1973, ông viết: "Em cũng phải luôn luôn cố gắng học tập, trau dồi khả năng cách mạng của mình để phục vụ công tác tốt hơn nữa, phải tin tưởng tuyệt đối vào lý tưởng và sự tất thắng của cách mạng mà chúng mình đã, đang và sẽ chọn, chiến đấu cho hướng đi đó".

Giữa khói lửa đạn bom tình yêu vẫn nở hoa- Ảnh 3.

Bà Trần Thị Huệ luôn sát cánh bên người bạn đời, người đồng chí tri kỷ, ông Nguyễn Xuân Lập

Đám cưới bất ngờ

Tháng 1/1974, theo sự sắp xếp của tổ chức, ông Lập và bà Huệ ra Bắc chuẩn bị sang Pháp để hình thành lực lượng thứ ba. Cũng như bao đôi lứa khác, họ đã từng mơ về ngày chung đôi nhưng đất nước còn chiến tranh, họ không những sẵn sàng chấp nhận sống xa nhau để công tác, chiến đấu mà còn thống nhất "gác" lại chuyện hôn sự chờ ngày đất nước hòa bình sẽ về Sài Gòn tổ chức đám cưới. Nhưng rồi lễ tuyên bố (đám cưới) lại được tổ chức ở miền Bắc ngoài dự định. 

Bà Huệ bồi hồi nhớ lại: Khi ra Bắc, chúng tôi có học ở trường Nguyễn Ái Quốc 4 một thời gian ngắn và được ban lãnh đạo nhà trường quan tâm chu đáo. Trong một chuyến đi về Cao Bằng thăm chú Phạm Văn Đồng, chú có hỏi thăm và biết được chuyện tình yêu của chúng tôi. Chú khuyên sang bên đó công tác mỗi người một nơi không biết lúc nào gặp lại vì thế nên làm lễ tuyên bố trước khi đi. Ngày 1/6/1974, chú Phạm Văn Đồng gửi quà mừng cưới về trường khiến ban lãnh đạo nhà trường rất bất ngờ vì chưa thấy chúng tôi báo cáo. 

Ngay trong ngày hôm đó, ban lãnh đạo nhà trường cho chuẩn bị 2 chai rượu, thiệp cưới, 1 bó hoa lay ơn. Sau khi nghe chúng tôi giải thích ban lãnh đạo nhà trường mới hiểu tường tận sự việc. Chúng tôi thống nhất xin được tổ chức lễ tuyên bố vào ngày 6/6/1974 và được chấp thuận. Để giữ bí mật trong hoạt động cách của chúng tôi sau này nên trong lễ tuyên bố không được chụp hình. Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in về lễ tuyên bố giản dị nhưng trang trọng, ấm áp tại trường Nguyễn Ái Quốc có sự tham dự của đại diện gia đình hai bên ở ngoài Bắc, của ban lãnh đạo trường và các bạn bè trong miền Nam đang học ở đây. Chúng tôi rất xúc động trước sự quan tâm của tổ chức, trong sự nghiệp chung của dân tộc vẫn không quên chăm lo, vun đắp cho hạnh phúc lứa đôi ngay cả khi đất nước còn chiến tranh.

Khúc ca hòa bình

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 toàn thắng, đất nước ca khúc khải hoàn, non sông thống nhất. Bà Trần Thị Huệ và ông Nguyễn Xuân Lập tiếp tục cùng nhau hòa mình vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước sau chiến tranh.

Với bà Huệ, người phụ nữ kiên trung từng xông pha nơi mưa bom bão đạn, nếm trải đắng cay của những ngày tháng tù đày khắc nghiệt trong lao tù đế quốc, ký ức về chiến tranh không chỉ là những trang sử. Đó là nỗi đau, là mất mát hằn sâu, là tinh thần đoàn kết, bất khuất, là sự hy sinh cao cả của biết bao đồng bào, đồng chí, đồng đội đã khắc cốt ghi tâm. Chính sự thấu hiểu sâu sắc ấy, sau thời gian công tác tại Hội Trí thức yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh, bà dồn hết tâm huyết vào công việc tại Bảo tàng Cách mạng Thành phố Hồ Chí Minh trên cương vị Giám đốc. Bà không chỉ miệt mài tổ chức sưu tầm, nâng niu, gìn giữ từng kỷ vật kháng chiến quý giá, mà còn không ngừng trăn trở, đổi mới cách trưng bày, biến Bảo tàng thành một không gian sống động. Bà mong muốn nơi đây sẽ là cầu nối thiêng liêng, giúp các thế hệ mai sau cảm nhận được sự hào hùng và cả những đau thương của quá khứ, từ đó khơi dậy niềm tự hào, phát huy sức mạnh dân tộc để cùng nhau hàn gắn vết thương chiến tranh, dựng xây đất nước trong hòa bình.

Sát cánh bên người bạn đời, người đồng chí tri kỷ, ông Nguyễn Xuân Lập, một trí thức, một dược sĩ, cũng mang trọn nhiệt tâm hòa vào công cuộc tái thiết đất nước. Từ Hội Trí thức yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh, đến UBND Thành phố Hồ Chí Minh và sau này là Giám đốc Công ty Dược phẩm Thành phố cho đến ngày nghỉ hưu, ông luôn là một hình mẫu về sự nỗ lực, tận tụy, trách nhiệm. Ở bất kỳ vị trí nào, ông đều miệt mài đem trí tuệ và sức lực của mình, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự hồi sinh, phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và của đất nước nói chung.

Đã hơn nửa thập kỷ trôi qua với biết bao thăng trầm, đổi thay của cuộc sống, tình yêu lứa đôi và tình yêu đất nước vẫn luôn hòa quyện, nồng thắm, sâu đậm trong trái tim bà Trần Thị Huệ và ông Nguyễn Xuân Lập. Ông bà đã nắm chặt tay nhau vượt qua mọi khó khăn, thử thách, sống bình yên, hạnh phúc bên nhau, chăm sóc nhau lúc tuổi già bóng xế. Những lá thư thời chiến, tấm thiệp chúc mừng, những món quà cưới đầy ý nghĩa… ông bà luôn nâng niu và dày công giữ gìn. Đó chính là những vật chứng cho một tình yêu thủy chung, son sắt được nảy mầm trong phong trào đấu tranh cách mạng, được thử thách trong khói lửa chiến tranh và đã đơm hoa kết trái ngọt lành không chỉ bằng tình yêu thương và sự tự nguyện gắn bó của hai trái tim mà còn được dựng xây, vun đắp bằng sự quan tâm của gia đình, đồng đội, tổ chức và cả những giá trị tốt đẹp được hun đúc từ ngàn đời: lòng yêu nước, đức hy sinh vì nghĩa lớn, ý chí quyết tâm, lòng thủy chung, son sắt, khát vọng hòa bình…/.

Bùi Hoàn