In bài viết

Gỡ 'điểm nghẽn' về thể chế, chính sách, nguồn lực tại Hội thảo Văn hóa 2022

(Chinhphu.vn) - Hội thảo Văn hoá 2022 “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hoá” sẽ diễn ra vào ngày 17/12 tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Đây là hội thảo văn hóa lớn được những người làm trong lĩnh vực văn hóa, giới văn nghệ sĩ mong đợi nhằm tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong lĩnh vực văn hóa trong thời gian tới.

12/12/2022 12:52
Gỡ “điểm nghẽn” về thể chế, chính sách, nguồn lực tại Hội thảo Văn hóa 2022 - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội trả lời báo chí tại buổi họp báo - Ảnh: VGP

Hơn 800 đại biểu tham dự Hội thảo Văn hóa 2022

Ngày 12/12, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Tỉnh uỷ Bắc Ninh tổ chức họp báo giới thiệu Hội thảo Văn hoá 2022: Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hoá.

Hội thảo sẽ diễn ra vào ngày 17/12 tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Chủ trì hội thảo là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng. Hội thảo sẽ có khoảng hơn 800 đại biểu tham dự tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh và trực tuyến tại một số điểm cầu qua nền tảng Internet.

Hội thảo nhằm tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc tháng 11/ 2021. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội thảo.

Tham dự hội thảo có các lãnh đạo Đảng và Nhà nước; lãnh đạo các cơ quan Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh/thành phố, các bộ, ngành liên quan; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố, trực thuộc Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và quốc tế; đại diện một số doanh nghiệp, hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực văn hóa và liên quan tới văn hóa.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, như chính tên gọi, hội thảo sẽ tập trung vào 4 vấn đề chính bao gồm: Thể chế, chính sách, nguồn lực con người và nguồn lực tài chính. Bên cạnh đó, có một số vấn để còn vướng mắc cần phải tháo gỡ trong lĩnh vực văn hóa sẽ được thảo luận, đánh giá, xem xét một cách toàn diện tại hội thảo để cùng bàn giải pháp. Từ đó, hội thảo sẽ kiến nghị để sửa đổi bổ sung về mặt thể chế, chính sách nhằm bảo đảm nguồn nhân lực và tài chính để đầu tư cho phát triển văn hóa.

Ông Nguyễn Đắc Vinh cũng cho biết, về mặt nguồn lực gồm hai nhóm: Nguồn lực con người và nguồn lực về tài chính. Đối với nguồn lực tài chính bao gồm nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn lực xã hội hóa (huy động từ các doanh nghiệp, sự đóng góp của cộng đồng, người dân, các tổ chức quốc tế…).

Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư cho lĩnh vực văn hóa không phải là ít, tuy nhiên có đáp ứng được yêu cầu hay chưa thì qua đánh giá phải tính toán lại vấn đề này và thấy rằng nguồn lực từ ngân sách đầu tư cho văn hóa còn khó khăn nhất định. Vì vậy, cần khai thông thêm nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển văn hóa. Muốn vậy, cần phải sửa đổi thể chế, xây dựng chính sách phù hợp, để văn hóa có sức hấp dẫn thu hút đầu tư, từ đó tạo được môi trường tốt hơn cho văn hóa phát triển.

Trả lời báo chí về vấn đề đầu tư nguồn nhân lực, chế độ chính sách đãi ngộ dành cho những người làm trong lĩnh vực văn hóa, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thuỷ cho biết, đây là điểm vấn đề lớn, mong muốn hội thảo sẽ trao đổi thảo luận kỹ về vấn đề này để ban hành chính sách lớn trong đào tạo, bố trí cán bộ làm văn hoá, qua đó khắc phục những bất cập trong thời gian qua.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ cũng thông tin, hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang nghiên cứu chính sách đãi ngộ đối với các văn, nghệ sĩ như: Múa, xiếc… có tuổi nghề ngắn. Khi không còn tham gia trình diễn nữa sẽ bố trí phân công như thế nào cho phù hợp chứ không phải vắt kiệt sức khi đang lao động, còn không đủ sức khoẻ thì cho nghỉ.

"Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ cùng với Bộ Nội vụ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu đề xuất và mong vấn đề này sẽ nhận được nhiều ý kiến từ chuyên gia, các văn nghệ sĩ, ý kiến từ địa phương tại hội thảo tới đây, từ đó góp phần hình thành chính sách của Đảng, Nhà nước trong thời gian tới. Bởi văn hoá là trách nhệm của cả hệ thống chính trị chứ không chỉ riêng ngành văn hoá", Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ cho hay.

Gỡ “điểm nghẽn” về thể chế, chính sách, nguồn lực tại Hội thảo Văn hóa 2022 - Ảnh 2.

Hội thảo Văn hóa 2022 được những người làm trong lĩnh vực văn hóa, giới văn nghệ sĩ mong đợi nhằm tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong lĩnh vực văn hóa trong thời gian tới. Ảnh: VGP

Diễn đàn lớn nhằm tháo gỡ "điểm nghẽn" trong lĩnh vực văn hóa

Thông tin chi tiết về hội thảo, ông Bùi Hoài Sơn, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cho biết, đây là diễn đàn để các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan và các nhà quản lý, nhà khoa học trong, ngoài nước tham gia báo cáo, thảo luận nhằm làm rõ các căn cứ lý luận, thực tiễn; trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa theo chủ trương, đường lối của Đảng. Việc tổ chức hội thảo cũng hướng tới kỷ niệm 80 năm Đề cương Văn hoá Việt Nam (1943-2023).

Theo ông Bùi Hoài Sơn, hội thảo gồm 2 phiên (phiên chuyên đề và phiên toàn thể) với 3 nhóm nội dung chính: "Thể chế, chính sách và nguồn lực phát triển văn hóa". Mỗi phiên sẽ có 1 báo cáo trung tâm, các tham luận và phần thảo luận của các diễn giả, chuyên gia thảo luận bàn tròn.

Trong phiên chuyên đề, hội thảo sẽ nghe phát biểu khai mạc của lãnh đạo Quốc hội, phát biểu đề dẫn của lãnh đạo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, báo cáo của các bộ, ngành Trung ương, ý kiến tham luận và thảo luận của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các địa phương, cơ sở đào tạo về văn hóa, nghệ thuật, các chuyên gia về quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển văn hóa, về thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và những vấn đề đặt ra qua các góc nhìn khác nhau.

Trong phiên toàn thể, hội thảo sẽ tiếp tục nghe phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các báo cáo đánh giá về chính sách, pháp luật và nguồn lực cho phát triển văn hóa; kinh nghiệm quốc tế của một số nước và ý kiến tham luận, thảo luận của lãnh đạo một số địa phương, các chuyên gia trong nước, quốc tế, doanh nghiệp.

"Hội thảo Văn hóa 2022 sẽ góp phần đẩy mạnh thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật cụ thể và triển khai các nguồn lực một cách thiết thực, hiệu quả để xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hoá thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc", ông Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ hội thảo, có triển lãm về văn hóa, nghệ thuật vùng Kinh Bắc tại sảnh hội trường chính.

Hải Liên